Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải vụ việc bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết bị tạm giam hơn 600 ngày, cho đến nay không có đủ căn cứ để truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tòa cũng nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng cho tới nay không có thêm được kết quả gì.
Giám định độc lập của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định chữ ký của Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam - ông Yee Lip Chee và con dấu của Công ty này là đúng (tức là không phải bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết làm giả chữ ký và con dấu như kết luận của Cơ quan điều tra).
Bi hài hơn nữa, vị Tổng giám đốc này còn nói không biết vì sao ký vào những lệnh chuyển tiền đó, không biết tiền chuyển đi đâu? Sau khi có đề nghị xem xét trách nhiệm Yee Lip Chee, cho tới giờ cả Chủ tịch công ty là Wong Kong Hee và Tổng giám đốc của công ty này đã rời khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu vẫn “giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng” bà Tuyết mỗi khi nhận được hồ sơ do Tòa trả lại.
Điều đáng nói hơn nữa, dù gia đình nhiều lần có văn bản theo đúng quy định pháp luật với nội dung yêu cầu được bảo lãnh tại ngoại cho bị cáo nhưng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không trả lời, không giải quyết.
Nhận thấy quá nhiều dấu hiệu bất thường của Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu, gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã gửi đơn tới Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và nhiều lần gửi tới ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị làm rõ đúng sai trong vụ việc này.
Tuy nhiên, đã mấy tháng trời trôi qua, không hề có phản hồi nào từ phía ông Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình; hay chí ít là chỉ đạo báo cáo vụ việc để từ đó có căn cứ xem xét, làm rõ đúng sai, xét xử đúng người đúng tội.
Tới giờ, đơn thì đã được gửi đi rất nhiều, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết chỉ nhận được sự im lặng của ông Viện trưởng ngành Kiểm sát.
Nhiều độc giả cho rằng, các Đại biểu Quốc hội cần tiếp tục chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. ảnh: Thịnh Đức. |
Vụ việc này tiếp tục kéo dài và tất yếu sẽ dẫn tới hệ lụy là cơ quan thực thi pháp luật cố tìm cho được một cái cớ áp tội cho bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết để hợp thức hóa hơn 600 ngày bị tạm giam, nhằm tránh oan sai, tránh tai tiếng, tránh vật ngáng đường trên con đường thăng quan tiến chức của một số cán bộ.
Tại một phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bà Lê Thị Thu Ba - Phó trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương đã nói rất thẳng rằng: “Trong hoạt động điều tra xét xử lâu nay không chú trọng gỡ tội cho bị can, bị cáo, mà chủ yếu là tập trung vào việc chứng minh tội phạm. Thậm chí có những trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên một tội gì đó cho tương xứng với việc đã làm. Cái này xảy ra rất nhiều, rất vi phạm quyền con người.
Thí dụ khi không chứng minh được tội phạm thì các cơ quan tố tụng lại căn cứ vào khoản 1 điều 25 miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo vì hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội. Cái cách đó lâu nay là lạm dụng nên cần phải quy định lại cho thật chặt chẽ”.
Cũng theo Phó Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, bị can, bị cáo có quyền được hỏi lại Kiểm sát viên trong phiên toà.
“Anh buộc tội tôi thì tôi phải có quyền hỏi lại về những điều ấy, như thế thì mới đảm bảo công bằng”, bà Ba nói.
Ủng hộ quan điểm này, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Phải có các biện pháp nghiêm cấm việc xác định ngay từ đầu người đó đó phạm tội, rồi sau đó cứ củng cố hồ sơ theo hướng buộc tội. Những vụ việc mà ngay từ đầu đi theo hướng ấy thường là dẫn đến oan sai.
Tôi lấy thí dụ trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn oan sai là vì vậy. Theo tôi, phải quan tâm đến hai vấn đề: Đầu tiên là những căn cứ chứng minh vô tội; Thứ hai là không được củng cố hồ sơ theo định hướng có sẵn”.
Sau loạt bài về những oan ức mà chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết đang phải gánh chịu thời gian qua, có hàng nghìn độc giả đã gửi phản hồi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải một phần của những ý kiến đó:
Độc giả Phan Anh Minh cho rằng: “Các Đại biểu Quốc hội cần phải đưa vấn đề này ra Quốc hội chất vấn ông Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Làm như vậy thì không ai dám bao che cho lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, không thể bao che cho bà Kiểm sát viên”.
Độc giả Đỗ Phận cũng bày tỏ sự bức xúc: “Đã đến nước này rồi mà ông Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao vẫn im lặng, không có động tĩnh gì là sao? Sự việc đúng hay sai ông cũng phải lên tiếng cho công luận, cho nhân dân biết chứ”.
Độc giả Ngọc Đông thì bày tỏ: “Mong rằng ông Bình sẽ sớm lên tiếng . Đừng để lời hứa của ông theo gió bay lên trời và trở thành lời hứa suông.
Trong khi đó độc giả Anh Khoa cũng bày tỏ bức xúc: “Nhân nào thì quả ấy. Nếu muốn xã hội công bằng bình đẳng thì người dân và người cán bộ khi vi phạm pháp luật phải bị xử lý ngang nhau.
Ví dụ như vụ án bà Tuyết: Nếu bà Tuyết sai phải chịu đúng mức án phán quyết của tòa án. Còn nếu bà Thu sai thật sự phải bắt giam và truy tố ngay, đó mới là công bằng và là biện pháp răn đe đối với những người sắp vi phạm và sẻ vi pham từ đó mới giữ vững kỹ cương phép nước”.
Độc giả Hồ Quang Huy bình luận: “Dẫu còn 1 vụ oan thì chúng tôi cũng đau như nhân dân. Ông Nguyễn Hòa Bình nói thì hay đấy nhưng qua vụ án này thì mới thấy. Người dân chúng tôi đóng thuế là để ông bảo vệ công lý, đem công lý đến với mọi người dân.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể vì ông là quan lớn nên được miễn trách nhiệm, không vì thế mà báo chí né tránh. Đề nghị báo chí phải đấu tranh đến cùng để công lý phải được thực thi”.
Độc giả Nguyễn Văn Tâm bày tỏ: “Luật pháp phải minh bạch mới là luật pháp. Đại diện luật pháp mà cứ mập mờ không rõ đúng sai như thế này thì đúng là kiểu hành chính làm khổ người khác, là cán bộ Đảng viên phải biết nhận khuyết điểm và hy sinh khi cần thiết để phục vụ đảng và nhà nước cho tốt.
Như vậy mới có thể tự hào là người nhà nước, chứ cứ ngồi nghĩ và viết ra một tờ giấy để đọc rồi bị tòa trả về và người dân vẫn cứ bị oan như vậy là có tội với dân với nước, vì chính họ làm mất uy tín của Đảng của chính phủ với nhân dân”.
Độc giả Nguyễn Đại bình luận: “Có giám đốc nào mà ký 51 lần lệnh chuyển tiền mà không quan tâm đến số tiền đó đi đâu, lại nói không biết vì sao mà ký? Ngay cả người không có nghiệp vụ điều tra cũng thấy có sự bất thường rồi. Bó tay với Công an và Viện kiểm sát. Không biết tòa sẽ xử thế nào?”.
Vấn đề đặt ra lúc này là vì sao ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lại im lặng để cho chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết tiếp tục bị giam cầm? Có lẽ, chỉ ông Nguyễn Hòa Bình mới biết được lý do chính xác nhất.
Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu. ảnh: HH |
Nói tới sự im lặng của người đứng đầu ngành kiểm sát, còn nhớ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) liên tục chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình vụ án Lê Bá Mai.
Ông Bùi Mạnh Hùng đặt ra câu hỏi là bản thân Lê Bá Mai và gia đình nhiều lần gửi đơn tới Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kêu oan, tuy nhiên ông Nguyễn Hòa Bình trả lời: “Không nhận được đơn”. Vì không có đơn thì không thể đưa vụ án ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Sau khi nghe được thông tin này, bố của Lê Bá Mai là ông Lê Bá Triệu đã rất bức xúc, nói rằng: “Tôi rất bức xúc với ông Bình, sau khi tòa xử xong chúng tôi đã gửi đi biết bao nhiêu lá đơn, nhưng đến giờ tôi chỉ nhận được duy nhất trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.
Gia đình chúng tôi đã ra Hà Nội và tới tận Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao để đưa đơn kêu oan. Giấy tờ xác nhận đã nhận đơn của những nơi này đến giờ tôi vẫn còn giữ”.
Chính vì vậy mà nhiều độc giả của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có quyền nghi ngờ quyết tâm chống oan sai của người đứng đầu ngành kiểm sát, họ rất mong các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới đây dành thời gian chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà cơ quan cấp dưới của ông Bình truy tố đối với Nguyên Thị Bạch Tuyết.