Nếu có việc xem xét tính nhân đạo thì phải được thực hiện ở công đoạn cuối của quy trình tố tụng. Tức là tòa án sẽ xem xét vấn đề đó chứ không phải là cơ quan công an.
Ngày 9/2/2014. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng lần 2, truy tố 9 bị can trong vụ án kinh tế lớn ở Ngân hàng ACB do “bầu” Kiên cầm đầu.
Thêm một số cá nhân bị truy tố, tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Lan – vợ “bầu” Kiên và bà Nguyễn Thúy Hương - em gái ruột của “bầu” Kiên được xem là 2 cá nhân có liên quan, “tiếp sức” cho hoạt động kinh doanh trái phép của ông bầu này thì cơ quan công an lại không đề nghị xử lý hình sự 2 người này.
Nhà của "bầu" Kiên ở Tây Hồ, Hà Nội. |
Vì sao vậy?
Bà Đặng Ngọc Lan vốn là Tổng giám đốc Công ty B&B – nơi mà Nguyễn Đức Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của mình.
Đặng Ngọc Lan đại diện Công ty B&B ký hợp đồng số 01-VGSHĐUT.08 ủy thác đầu tư kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB với nội dung: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo chỉ thị bằng văn bản của Công ty B&B.
Sau khi Công ty B&B thu được tổng số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng từ việc thực hiện hợp đồng kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB, theo chỉ đạo của Kiên, Đặng Ngọc Lan với tư cách là đại diện Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT với Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) và cùng với Kiên ký Phụ lục hợp đồng số 010109/UTĐT-PL 01 để chuyển cho Hương lần thứ nhất là hơn 78 tỉ đồng.
Lần thứ hai Công ty B&B và Hương chỉ ký xác nhận khoản lợi nhuận với nhau là hơn 31 tỉ đồng. Thông qua việc ký hợp đồng này, Đặng Ngọc Lan đã giúp cho Nguyễn Đức Kiên chuyển số tiền lợi nhuận doanh nghiệp thu được là hơn 100 tỉ đồng sang cho cá nhân Nguyễn Thúy Hương. Qua đó đã giúp Kiên thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 25 tỉ đồng.
Nguyễn Đức Kiên |
Tại cơ quan công an, bà Đặng Ngọc Lan khai: Lan có ký các hợp đồng ủy thác và phân chia lợi nhuận giữa Công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương nhưng trong thời điểm ký hợp đồng này Lan đang chuẩn bị sinh con nên không biết gì về việc kinh doanh vàng của công ty B&B. Mọi việc kinh doanh của Công ty B&B đều do bầu Kiên chỉ đạo và trực tiếp thực hiện.
Cơ quan điều tra đã chấp thuận theo lý giải này và cho rằng hành vi giúp Nguyễn Đức Kiên trốn 25 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại công tyB&B của Đặng Ngọc Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, trong thời điểm ký hợp đồng này bà Lan đang nghỉ chuẩn bị sinh con nhỏ, không biết và không tham gia gì vào việc chỉ đạo hoạt động kinh doanh của công ty.
Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định không xử lý hình sự đối với Đặng Ngọc Lan.
Bà Nguyễn Thúy Hương, em ruột của Nguyễn Đức Kiên cũng là cổ đông sáng lập Công ty B&B. Cá nhân Hương không được cấp phép kinh doanh vàng, đầu tư tài chính nhưng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thúy Hương đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, ký xác nhận khoản lợi nhuận. Lợi nhuận này Hương không cho hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 mà hạch toán vào năm 2010.
Việc làm của Hương đã giúp Nguyễn Đức Kiên trốn hơn 25 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty B&B.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Thúy Hương khai rõ: Hương không có kinh doanh gì nhưng theo chỉ đạo của Kiên, Hương có ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với công ty B&B để chuyển lợi nhuận từ công ty B&B và Ngân hàng ACB do Kiên thực hiện. Số tiền lợi nhuận thu được sau đó Hương đã chuyển lại cho Kiên sử dụng.
Hành vi của Nguyễn Thúy Hương đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Tuy nhiên, Nguyễn Thúy Hương là em gái Kiên, là người ký hợp đồng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, không biết và không tham gia gì vào việc kinh doanh, hưởng lợi cá nhân.
Cơ quan điều tra cũng không đề nghị xử lý hình sự đối với Nguyễn Thúy Hương theo lý giải trên.
Luận điểm của cơ quan công an về vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và cơ quan ông an có nhiệm vụ phải điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm một cách rõ ràng, khách quan, chi tiết. Sau đó chuyển cho Viện Kiểm sát giám sát, truy tố và đưa ra tòa án xét xử.
Vậy nên việc xem xét tính nhân đạo sẽ được thực hiện ở công đoạn cuối của quy trình tố tụng. Tức là tòa án sẽ xem xét vấn đề đó chứ không phải là cơ quan điều tra.
Vì vậy, ngay trong kết luận điều tra, cơ quan công an đã đặt ra vấn đề “đảm bảo tính nhân đạo”, theo chúng tôi, cần phải xem xét lại.