Denny Roy, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu ngày 4/5 bình luận trên The Straits Times về khả năng quản lý xung đột trên Biển Đông. Ông là một chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tranh chấp trên Biển Đông đã diễn biến thành cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung - Mỹ, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực, điều kiện tiền đề để các quốc gia trong khu vực phát triển thịnh vượng. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi hai lý do.
Học giả Denny Roy, ảnh: Xuite.net. |
Đầu tiên, cả Bắc Kinh và Washington đều đóng khung vấn đề Biển Đông là bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi. Với Trung Quốc, họ cho rằng họ có chủ quyền lãnh thổ với gần như toàn bộ Biển Đông. Với Hoa Kỳ, tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông là rất cần thiết đối với một siêu cường.
Mỹ nỗ lực chống lại cách hành xử ỷ mạnh hiếp yếu của một quốc gia trong khu vực, áp bức và áp đặt các nước láng giềng nhỏ hơn, trong đó có đồng minh và đối tác thân thiện của Hoa Kỳ. Cả hai phía đang sẵn sàng đi đến chiến tranh vì lợi ích quốc gia cốt lõi của mình bị đe dọa.
Lý do thứ hai là khả năng leo thang. Hai bên đang bị khóa trong tình huống bên nào cũng cảm thấy bắt buộc phải phản ứng với các hành động của đối phương. Một khi Trung Quốc nghĩ rằng họ đang đấu tranh cho (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thì uy tín của người Mỹ với vai trò lãnh đạo khu vực đang rất chông chênh.
Rất khó để nhìn thấy một con đường để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, nhưng lại rất dễ nhìn thấy nguy cơ một cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ trên vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
Không có gì tốt đẹp trong việc xuất hiện một điểm nóng Trung - Mỹ ở Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn có những lý do để tin rằng khủng hoảng trên Biển Đông có thể quản lý được. Lý do đầu tiên là chúng ta có thể mong đợi (vì đó là một) tiền lệ.
Kịch bản này đã từng diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, các đơn vị của Mỹ và Liên Xô vẫn tiếp xúc gần gũi thường xuyên. Cả hai bên đều biết tuần theo quy tắc bất thành văn nào đó để ngăn chặn sự cố mà không bên nào mong muốn.
Hiện tại lực lượng hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc triển khai trên Biển Đông biết rằng, đôi khi một tàu chiến hoặc máy bay Mỹ có thể xuất hiện, sau đó chúng lại rời đi. Những tình huống này không loại trừ khả năng một phi công hay thuyền trưởng Trung Quốc muốn chứng minh lòng dũng cảm hay lòng yêu nước, nhưng vấn đề hành động phải có mệnh lệnh và sự kiểm soát từ trên cao.
Biển Đông càng rối thì Nga càng có lợi? |
Người Mỹ chỉ nhằm mục đích là di chuyển qua khu vực mà không tác động trực tiếp vào sự hiện diện của các tiền đồn quân sự và đơn vị lính Trung Quốc trong khu vực. Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông chỉ mang tính biểu tượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể chịu đựng nó, dù họ vẫn phản ứng cứng rắn bằng ngôn từ, bởi đó là điều bắt buộc với họ.
Lý do thứ hai để có thể tin rằng khủng hoảng trên Biển Đông vẫn có thể kiểm soát, đó là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch buộc Mỹ phải rời khỏi Biển Đông ngay lập tức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải người tạo ra các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, ông chỉ thừa hưởng nó (từ những người tiền nhiệm). Không có gì nghi ngờ về tham vọng của Trung Quốc muốn giành chiến thắng trong dài hạn, nhưng việc tăng cường các hoạt động của Trung Quốc dường như phản ánh một sự phản kháng.
Bắc Kinh càng có tâm lý phải củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của họ ở Biển Đông kể từ khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Nhiều khả năng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết bất lợi với yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc, bởi vậy hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành là một chiến lược "thông minh trong ngắn hạn", theo tác giả Denny Roy.
Trung Quốc hoàn toàn không nghi ngờ rằng hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo khó có thể bị Mỹ hay bất cứ bên liên quan nào khác ngăn chặn, bởi Bắc Kinh xem đó là hành động chiến tranh. Mặt khác, Bắc Kinh bám vào lập luận rằng các bên yêu sách khác cải tạo trước họ, mặc dù quy mô và tính chất nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Kết quả cuối cùng sẽ là những tiền đồn quân sự Trung Quốc mọc lên trong khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, làm tăng khả năng thực hiện yêu sách của mình và gây áp lực tâm lý cho các bên liên quan khác buộc phải chấp nhận đàm phán tay đôi với Bắc Kinh.
Nếu hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn trong phạm vi củng cố yêu sách chủ quyền (bành trướng, vô lý và phi pháp) của họ, thì căng thẳng Trung - Mỹ ở BIển Đông gia tăng có thể chỉ là hậu quả ngoài ý muốn. Nó không phải một trận chiến mở màn cho một chiến dịch lớn hơn.
Trong trường hợp này mục tiêu của Bắc Kinh sẽ là duy trì thể diện nhưng giảm thiểu căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên chính sách của Trung Quốc hiện nay cho thấy ông Tập Cận Bình ít nhiều có liên quan trực tiếp hơn so với những người tiền nhiệm xung quanh việc Bắc Kinh ngày càng áp đặt, độc đoán với các nước láng giềng trong khu vực.
Những quyết định của ông Tập Cận Bình trên Biển Dông có lợi cho Trung Quốc về an ninh trong dài hạn hay không vẫn còn là vấn đề. Bởi lẽ Trung Quốc đang thúc đẩy sự lo ngại của các nước trong khu vực và đẩy các nước này tăng cường hợp tác an ninh.