6 công nhân ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thiệt mạng khi sét đánh làm nổ mìn; 15 con trâu của người dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bị sét đánh chết; sét đánh gây cháy rừng ở Đà Nẵng... Hàng loạt tai nạn liên quan đến sét khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên, trong thời gian tới, người dân sẽ được cảnh báo hiện tượng sét đánh trước 30 phút để chủ động về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Khu vực khai thác đá ở núi Trượt, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi xảy ra vụ sét đánh làm nổ mìn, 6 người chết, 4 người bị thương
Lý giải về vụ sét đánh gây nổ mìn làm 6 người chết tại Hải Phòng, theo TS Nguyễn Xuân Anh, Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nguyên nhân là do sét đánh xuống khu vực mỏ đá, dòng điện có thể lan truyền vào trong đất, thâm nhập vào dây kim loại và kích nổ mìn.
Còn vụ sét đánh chết 15 con trâu ở Huế, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, khi sét đánh xuống, trâu hay động vật nói chung “dễ bị chết hơn là con người". Nguyên nhân là do điện thế bước. Khi người hay động vật tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm, sét đánh xuống đất, dòng điện lan truyền trên mặt đất sẽ có dòng chạy vào cơ thể. Khoảng cách các chân của trâu xa hơn người, trong khi bước chân càng xa thì điện thế bước càng mạnh, và càng dễ gây tử vong. Chính vì vậy, một trong các phương pháp giảm thiểu nguy hiểm khi sét đánh là chụm chân vào nhau để tránh điện thế bước.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam thuộc một trong ba khu vực tập trung giông sét của thế giới do là nước nhiệt đới, nóng và ẩm, có nhiều dạng địa hình thuận lợi cho hoạt động giông sét. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lần sét đánh xuống đất. Hoạt động giông sét ở Việt Nam thường thay đổi bất thường và khó dự đoán.
Hải Phòng và Thừa Thiên - Huế, nơi vừa xảy ra các vụ sét đánh dẫn đến chết người và trâu – là hai khu vực có mật độ giông sét cao ở Việt Nam. Hải Phòng có mật độ sét đánh khoảng 8 cú/km2/năm, còn Thừa Thiên Huế khoảng 11 cú/km2/năm.
Viện Vật lý Địa cầu đang thử nghiệm hệ thống cảnh báo sét sớm thông qua còi cảnh báo, điện thoại di động. Theo đó người dân sẽ được cảnh báo hiện tượng sét đánh trước 30 phút để chủ động về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
TS Nguyễn Xuân Anh
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, đây là công nghệ cảnh báo sét sớm đang được áp dụng thử nghiệm tại Quảng Nam theo chương trình nghiên cứu cấp thiết địa phương của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tại đây các nhà khoa học đang thử nghiệm lắp đặt 4 thiết bị cảnh báo tự động. Các thiết bị này có phạm vi hoạt động trong vòng 10 - 15km.
Khi người dân đăng kí nhận cảnh báo sét qua điện thoại, số điện thoại của họ sẽ được cập nhật vào hệ thống. Phát hiện dấu hiệu thời tiết nguy hiểm, có thể xuất hiện dông sét ở khu vực nào, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn tới tất cả các số thuê bao đăng kí trước 30 phút.
“Tôi đã đi thực tế một số khu vực, thậm chí có những làng xã năm nào cũng có người bị sét đánh chết. Cho nên việc tuyên truyền phòng tránh, đặt hệ thống cảnh báo là điều hết sức cần thiết đối với các khu vực này bởi hiện có rất nhiều người dân, đặc biệt là các nơi vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được cung cấp các kiến thức cơ bản về phòng chống sét” - Ông Anh chia sẻ.
Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km. Khi trời sắp xảy ra dông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà (có lắp đặt hệ thống chống sét). Khi không kịp về nhà phải tránh sét đánh ngoài trời thì tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt... Nhón chân, không được nằm xuống đất; đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Không đứng thành nhóm người gần nhau. Hiện nhiều bà con khu vực phía Nam thường lắp ăng ten giàn cao ở ngoài trời để bắt sóng truyền hình là một điều rất nguy hiểm. Thiết bị này vô tình trở thành thiết bị dẫn điện vào nhà làm tăng nguy cơ cháy hỏng thiết bị điện. |