Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết:
1/ Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tổ chức dạy CT GDTX bậc THPT "tiền trảm hậu tấu"
2/ CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk tự dạy văn hoá THPT: Trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm
Vụ việc Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tự tổ chức dạy văn hoá Trung học phổ thông cho 243 học sinh tại trường khi chưa thực hiện liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn đang thu hút sự quan tâm rất lớn của độc giả.
Để có thêm thông tin khách quan về vụ việc này, ngày 18/11, phóng viên đã liên hệ với thầy Hoàng Minh Cương - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.
Lớp học văn hoá THPT đang tổ chức tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Ảnh: CTV |
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk nói "không có sao cả"
Thông tin với phóng viên, vị Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk xác nhận có việc nhà trường đã tuyển sinh và đang tổ chức dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho 243 học sinh tại trường.
Đồng thời, thầy Cương cho rằng, việc tổ chức dạy học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho số học sinh nói trên khi chưa thực hiện liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn ở thời điểm hiện tại là "hoàn toàn hợp lý".
"Hiện nhà trường cũng đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk rồi, Sở có đồng ý với việc này. Giờ cũng chỉ vướng một số quy định khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tổ chức liên kết dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông nhưng không nói là quản lý tài chính như thế nào và ai quản lý.
Vì vướng cái đó nên người ta (Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk - PV) chưa ký xác nhận nhưng nhà trường đã báo cáo toàn bộ nội dung với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, báo cáo với Sở Tài chính. Sở Tài chính cũng đã có công văn hỏi Bộ Tài chính và đang chờ kết luận việc quản lý tài chính đó là thuộc về ai (thuộc về Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk hay Trung tâm Giáo dục thường xuyên - PV).
Chúng tôi cũng đã báo cáo với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk và đã được đồng ý nên không có sao cả", thầy Cương cho hay.
Sở Giáo dục Đắk Lắk khẳng định, Trường có dấu hiệu vi phạm
Tuy nhiên, về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 19/11, thầy Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tự tổ chức dạy văn hoá Trung học phổ thông cho số học sinh nói trên là không đúng quy định.
Thầy Hiệp thông tin: "Đầu tiên cần phải khẳng định, tất cả các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy học văn hoá cho các học sinh trên địa bàn đều thuộc chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, áp dụng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cũng đã có chỉ đạo với tất cả các trường đào tạo nghề, khi muốn tổ chức dạy văn hoá thì cần phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đối với các cơ sở này, nếu muốn tổ chức liên kết dạy văn hoá trong trường thì đầu năm cần báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để được chúng tôi phê duyệt danh sách học sinh. Có như vậy, sau này các học sinh mới đảm bảo được các điều kiện để tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Nếu như các học sinh không tham gia học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, không được Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk phê duyệt thì coi như danh sách của 243 học sinh này không đúng quy định".
Công văn Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị phối hợp giải quyết sự việc ở Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Ành: Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cung cấp. |
Ngoài ra, thầy Hiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk chưa phê duyệt danh sách và Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk cũng chưa báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk về danh sách của 243 học sinh nói trên.
Vị này nhấn mạnh, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk phát hiện ra sự việc, đã cử đoàn đến để kiểm tra và nắm bắt tình hình. Mới đây nhất, Sở này cũng đã có văn bản gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
"Chúng tôi cũng đã cử đoàn do lãnh đạo phòng chuyên môn về Giáo dục thường xuyên chủ trì, cùng với đoàn thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để xuống trường làm việc theo yêu cầu của Sở này.
Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy việc làm này của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk là có dấu hiệu vi phạm. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi cho các học sinh, chúng tôi cũng đã nhanh chóng thông báo tình hình cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để 2 Sở cùng phối hợp giải quyết sự việc này. Có thể trong tuần này sẽ có kết quả chính thức.
Phương án có thể là phải bắt buộc toàn bộ số học sinh nói trên đến học tại một Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là làm sao đảm bảo quyền lợi học tập của các học sinh, còn người đứng đầu nhà trường đã làm sai ở chỗ nào, mức độ vi phạm đến đâu thì cơ quan chủ quản của nhà trường sẽ phải có những đề xuất để giải quyết", thầy Hiệp cho hay.
Bên cạnh đó, thầy Hiệp cũng nêu ra một số lo ngại khi Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tự tổ chức dạy văn hoá Trung học phổ thông mà không liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Theo vị này, từ năm học 2022 - 2023 khi học sinh lớp 10 vào học thì các em phải học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Vì thế, cần phải có nội dung và giáo viên chuẩn để dạy chương trình này.
Thầy Hiệp cho biết: "Để dạy được học sinh lớp 10 với chương trình mới thì giáo viên cần được bồi dưỡng, tập huấn mới dạy được chứ không thể nào dùng giáo viên cũ hoặc giáo viên không đủ chuẩn để dạy chương trình đó được.
Việc làm của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk như hiện nay có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi sau này của các học sinh đang theo học tại trường".
Về việc này, theo văn bản Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 14/11/2022, Sở này cũng đề cập, ngày 28/10/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã có Công văn số 1783/SGDĐT- GDTrH-GDTX về việc tuyển sinh học Chương trình Giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023 gửi Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk (CĐKTĐL).
Theo đó, Sở này đã có ý kiến phúc đáp liên quan đến các nội dung mà Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đề nghị tại Tờ trình số 253. Đồng thời, đề nghị trường này sớm có phương án giải quyết việc tuyển sinh học Chương trình Giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023 tại trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người học.
"Tuy nhiên đến nay, theo văn bản của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk (Công văn số 259/CĐKTĐL-ĐT ngày 31/10/2022); báo cáo của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (Báo cáo số 56/BC-GDTX ngày 07/11/2022) và kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Buôn Ma Thuột, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk chưa phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hoặc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố khác để tổ chức dạy học cho học viên tuyển sinh học Chương trình Giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023 của nhà trường theo các văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn.
Để đảm bảo quyền lợi của người học, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương có phương án giải quyết và chỉ đạo Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người học", nội dung công văn này nêu.
Công văn chỉ đạo chung với các trường trung cấp, cao đẳng có tổ chức dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông trên địa bàn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cung cấp |
Cũng về việc này, để hướng dẫn các trường trung cấp, cao đẳng có tổ chức dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cũng đã có văn bản số 1257/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 25/8/2022 để hướng dẫn.
Văn bản này nhấn mạnh: "Các trường trung cấp, cao đẳng có tổ chức dạy học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố để dạy học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho học viên của nhà trường.
Đối với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố cần:
Chủ động phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong việc tổ chức dạy học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông kết hợp với dạy nghề cho học viên theo đúng quy định hiện hành.
Các đơn vị lập kế hoạch giáo dục của nhà trường, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình, dồn ép chương trình trong quá trình tổ chức dạy học.
Đối với những học viên học lớp 12, tham gia thực tập chuyên ngành đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng thì các đơn vị chủ động, linh hoạt bố trí dạy học, đảm bảo cho các học viên học đủ Chương trình Giáo dục thường xuyên lớp 12 để dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho các học viên hoàn thành chương trình theo đúng quy định".