Chậm công khai học phí ở website, Trường THPT Thăng Long, Hải Phòng nói gì?

10/08/2024 06:47
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long (Hải Phòng), nhà trường chưa đăng tải thông tin học phí lên website vì cần có sự thống nhất với phụ huynh học sinh.

Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hải Phòng) tiền thân là Trường Phổ thông trung học dân lập Nhà máy Toa xe được thành lập theo Quyết định số 750/QĐ/VX ngày 21/7/1989 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với các tên gọi khác nhau, ngày 10/8/2007, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 1461/QĐ-UBND đổi tên toàn bộ hệ thống trường trung học phổ thông dân lập, trong đó có Trường Trung học phổ thông tư thục Thăng Long thành Trường Trung học phổ thông Thăng Long.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là: "Tiên phong, đổi mới, không ngừng sáng tạo, ứng dụng phương pháp quản lý và tư duy giáo dục hiện đại; Tạo dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, chất lượng giáo dục cao để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực tiềm ẩn và tư duy sáng tạo”.

Hiện, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai là Chủ tịch hội đồng trường, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thăng Long.

GDVN_thpt-thang-long.jpg
Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hải Phòng) lý giải về việc chậm công khai học phí ở website của trường (Ảnh: Lã Tiến)

Chưa công khai thông tin đầy đủ theo quy định

anh-1-2928.jpg
Những nội dung nhà trường thông báo đăng tải công khai. (Ảnh website nhà trường)

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tính đến ngày 31/7/2024, Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hải Phòng) đã đăng tải Quyết định về việc triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 và thực hiện quy chế công khai theo quy định tại Thông tư số: 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nhà trường còn một số nội dung công khai chưa đầy đủ.

Điều 5, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo các biểu mẫu 09: Cam kết chất lượng giáo dục; Biểu mẫu 10: Công khai thông tin chất lượng giáo dục thực tế; Biểu mẫu 11: Công khai thông tin cơ sở vật chất; Biểu mẫu 12: Công khai thông tin về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên.

Ngoài ra, nhà trường cần công khai thu chi tài chính. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: công khai tình hình hoạt động tài chính theo các văn bản quy định hiện hành về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao môi trường. Công khai mức thu học phí, các khoản thu khác theo từng năm, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cơ sở giáo dục, các khoản thu từ viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, các khoản phải nộp cho ngân sách nhà nước.

Học phí và các khoản thu khác từ người học: mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo.

Các khoản chi theo từng năm học: các khoản chi lương, chi bồi dưỡng chuyên môn, chi hội họp, hội thảo, chi tham quan học tập trong nước và nước ngoài; mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất); mức chi thường xuyên/1 học sinh; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị.

Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí đối với người học thuộc diện được hưởng chính sách xã hội.

Kết quả kiểm toán (nếu có): thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định tại các văn bản quy định hiện hành về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

THPT Thang Long Hai Phong.JPG
Nhà trường công khai về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên năm học 2024-2025.

Tuy nhiên, đối chiếu với văn bản báo cáo công khai trên website của nhà trường cho thấy, trong báo cáo này chỉ có các nội dung về Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Còn nội dung công khai về thu chi tài chính chưa được nhà trường báo cáo. Bên cạnh đó, đối chiếu với báo cáo công khai 4 năm học gần nhất, nhà trường đều không công khai thông tin về thu chi tài chính.

Bên cạnh đó, theo quyết định số 12/QĐTS10-TL ngày 20/5/2024 của Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thăng Long ở mục số 3 “các nội dung công khai theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT” nhà trường còn có nội dung công khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 3, giai đoạn 2019-2024 của trường. Tuy nhiên, trong báo cáo kèm theo phóng viên không tìm thấy thông tin này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch hội đồng trường, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thăng Long cho hay: "Học phí của nhà trường cần có sự thống nhất với phụ huynh học sinh nên chưa đăng tải công khai sớm trên website. Tuy nhiên, nhà trường đã thông báo cụ thể trong các cuộc họp phụ huynh đối với học sinh từ lớp 10 lên lớp 11 và từ lớp 11 lên lớp 12. Còn với học sinh lớp 9 lên lớp 10 có nguyện vọng nộp hồ sơ tại trường đã được công khai tại phòng tuyển sinh".

Một số ý kiến cho rằng mức học phí của nhà trường hiện nay tương đối cao, cô Mai khẳng định: đây là mức học phí đã được nhà trường thống nhất với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng có căn cứ để xây dựng mức học phí này.

Thứ nhất, nhà trường xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, sắp xếp sĩ số một lớp không quá đông để đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, đội ngũ giáo viên của trường được tuyển chọn kỹ lưỡng, có năng lực chuyên môn cao. Mức lương và chế độ phúc lợi nhà trường chi trả cho đội ngũ này cũng rất cao. Đây chính là cách trường giữ chân đội ngũ giáo viên chất lượng.

Ngoài ra, trong quá trình tuyển sinh vào lớp 10, cô Mai cũng thông tin thêm nhà trường tổ chức cho phụ huynh có con học lớp 9 tới tham quan cơ sở vật chất của trường từ rất sớm (khoảng tháng 3 hàng năm) để họ có sự cân nhắc.

“Từ tháng 3 nhà trường đã cho cha mẹ học sinh lớp 9 có nhu cầu tới tham quan trường để xem xét cơ sở vật chất. Tới 31/5 trường đã đăng tải các thông tin công khai lên website.

Nhà trường chưa công khai thông tin học phí trên website vì cần thời gian để thỏa thuận với phụ huynh. Dù mức học phí là trường đặt ra nhưng cũng cần có sự thống nhất với phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường công khai học phí tại phòng tuyển sinh. Khi phụ huynh tới tham quan, nếu họ thấy phù hợp với nhu cầu thì nộp hồ sơ vào còn không phù hợp thì chúng tôi cũng không ép buộc. Trong cuộc họp cha mẹ học sinh cuối năm nhà trường cũng công khai thông báo học phí năm tiếp theo đầy đủ”, cô Mai nói.

Sau khi nhận được câu hỏi phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Mai cho biết nhà trường đã đăng tải bổ sung thông tin công khai học phí năm học 2024-2025 trên website. Ngày 8/8/2024, khi truy cập website nhà trường, phóng viên đã tìm thấy nội dung công khai học phí.

Theo đó, học sinh Trường Trung học phổ thông Thăng Long sẽ học 2 buổi/ 1 ngày. Với khóa 2024-2027, sĩ số học sinh là 38 em/1 lớp.

Học phí được thu 2 kỳ/năm học vào đầu mỗi học kỳ. Lớp 10 (năm học 2024-2025) mức học phí là 3.600.000 đồng/tháng. Lớp 11 (năm học 2025-2026) mức học phí là 4.000.000 đồng/tháng. Lớp 12 (năm học 2026-2027) mức học phí là 4.400.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, nhà trường cũng công khai học phí của học sinh đang học lớp 11 và lớp 12 tại trường. Cụ thể, lớp 11 năm học 2024-2025 có học phí là 3.400.000 đồng/tháng; lớp 12 năm học 2025-2026 mức học phí là 3.800.000 đồng/tháng. (Khóa đào tạo này trung bình có 42 học sinh/ lớp). Học phí được thu 2 kỳ/năm học vào đầu mỗi học kỳ.

Đối với học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 mức học phí là 3.800.000 đồng/tháng. Học phí thu theo tháng từ ngày 5 đến 15 hàng tháng.

Cũng theo cô Mai, trong quá trình đào tạo 3 năm nhà trường có thể tăng học phí 1 lần nhưng không quá 10%.

Ảnh2-.jpg
Học phí năm học 2024-2025 của nhà trường được đăng tải bổ sung trên website. (Ảnh website nhà trường)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai thông tin: Quy mô của trường hiện tại là 27 lớp học với 1095 học sinh.

“Nhà trường không bao giờ xếp sĩ số một lớp học quá đông bởi tôi luôn quan niệm điều quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Thứ hai nhà trường căn cứ vào diện tích, xếp học sinh không quá đông để giảm mật độ học sinh.

Năm nay nhà trường dự kiến tuyển 360 học sinh lớp 10 với quy mô 9 lớp học. Khi tuyển sinh nhà trường đưa ra 2 phương án cho phụ huynh lựa chọn là lớp có 36 học sinh và lớp có 45 học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh lựa chọn phương án 45 học sinh một lớp tương đối ít.

Trong khi đó hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có các nhóm môn tự chọn. Chính vì thế, nhà trường cũng gặp khó khi xử lý nhóm môn tự chọn cho lớp 45 học sinh. Sau đó nhà trường đã làm việc lại với cha mẹ học sinh để họ đồng ý chuyển hết về nhóm lớp 36 học sinh/1 lớp.

Hầu hết phụ huynh đều đồng ý chỉ có 2 trường hợp lúc đầu có chút băn khoăn hỏi nhà trường về các phương án khác. Nhà trường cũng thẳng thắn trao đổi hiện tại trường đã tuyển sinh xong, nhưng vẫn còn một số trường khác vẫn tuyển.

Giáo viên không được mở lớp dạy thêm bên ngoài

Chia sẻ về chương trình đào tạo của Trường Trung học phổ thông Thăng Long, cô Mai cho hay: Nhà trường tổ chức cho học sinh học 2 buổi/1 ngày, ngoài ra không tổ chức học thêm. Các giáo viên của trường cũng không được mở lớp dạy thêm bên ngoài.

Theo cô Mai, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học 2 buổi/1 ngày và không quá 48 tiết/tuần. Nếu bố trí như vậy thì giáo viên không còn buổi nào để dự họp chuyên môn. Chính vì thế, lớp 12 được nhà trường cho nghỉ chiều thứ 3 và chiều thứ 6 và học bù vào tối thứ 3 và tối thứ 6.

Như vậy vẫn đảm bảo các em học 2 buổi/1 tuần. Vào học kỳ 2 nếu có học sinh yếu, nhà trường sẽ chú trọng bồi dưỡng học sinh đó thêm miễn phí. Thời gian bồi dưỡng vào chiều thứ 3 và chiều thứ 6.

Ngoài khung chương trình theo quy định, cô Mai cho biết nhà trường còn xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống, từ cách giao tiếp ứng xử của học sinh với ông, bà, cha mẹ. Năm nào trường cũng có 1-2 tuần đào tạo giáo viên, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm.

Ngoài ra, cô Mai cũng mong muốn Nhà nước có thể có thêm các chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục tư thục phát triển. Trước đó từng có hiện tượng trường công lập được giao chỉ tiêu quá cao. Chính vì thế, số học sinh vào học các trường ngoài công lập khá ít.

Điều đó khiến một số trường tư tranh giành thí sinh. Thậm chí, một số trường tư còn tới các trường trung học cơ sở tác động để nhà trường định hướng học sinh không thi lớp 10 công lập mà phải vào trường tư.

LÃ TIẾN