Công khai theo TT09 giúp trường học giảm thủ tục hành chính mà vẫn đủ thông tin

23/07/2024 06:23
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Quy định công khai chung tại Thông tư số 09 cho thấy dù là CSGD khác nhau nhưng vẫn cần phải “định danh" rõ giữa các trường về đặc điểm, sứ mạng, tầm nhìn...

Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 19/7/2024.

Thông tư 09 được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác thực hiện hoạt động giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức khác và cá nhân có liên quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối sánh với Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư số 09 có nhiều điểm mới về thực hiện thông tin công khai đối với cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy định 2 phần nội dung công khai giúp “định danh" cơ sở giáo dục phổ thông rõ hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết, với mỗi cơ sở giáo dục, muốn được cha mẹ học sinh, học sinh và đội ngũ đồng hành và ủng hộ thì nhà trường cần minh bạch trong tất cả các vấn đề từ nhân sự, chất lượng giáo dục và đặc biệt là tài chính. Như vậy mới có thể tạo sự tin tưởng cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường cũng như xã hội.

GDVN (3).png
Thiết kế: Ngọc Huệ

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cô Hà đánh giá, việc Thông tư số 09 được chia thành 2 phần (phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học) là điểm mới rất đáng ghi nhận, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của học sinh và phụ huynh khi tìm hiểu về cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định công khai chung đối với các cơ sở giáo dục cho thấy rằng dù là cơ sở giáo dục khác nhau nhưng cần phải “định danh" rõ cơ sở giáo dục này có đặc điểm, sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu giáo dục, bộ máy điều hành ra sao, mức tài chính thế nào để học sinh và phụ huynh đánh giá sự khác biệt với cơ sở giáo dục khác trong cùng cấp học.

Bên cạnh đó, việc công khai chung đối với các cơ sở giáo dục cũng giúp nhà quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường biết được mục tiêu, chiến lược của nhà trường ra sao, sự khác biệt giữa đơn vị mà giáo viên đang công tác với các đơn vị khác như thế nào, từ đó giúp tăng cường, cải thiện chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Cùng chia sẻ về bố cục thông tin công khai của Thông tư số 09, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc bố cục lại các nội dung công khai gồm 2 phần như Thông tư số 09 sẽ thuận tiện cho công tác công khai; báo cáo số liệu công khai của các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 09 giúp người học có cái nhìn và đánh giá được những điểm mạnh, yếu của nhà trường cũng như bản thân nhà trường sẽ tự điều chỉnh, xây dựng kế hoạch để cải tiến, thuận lợi hơn.

Còn thầy Đinh Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương (tỉnh Sơn La) cho hay, việc bố cục lại thông tin công khai như Thông tư số 09 giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong việc xây dựng báo cáo thường niên, các nội dung báo cáo không bị trùng lặp.

“Với bố cục thông tin công khai theo Thông tư số 09, công tác tổng hợp thông tin, số liệu của nhà trường cũng thuận lợi hơn vì mẫu báo cáo đã có từng mục, mảng nội dung công việc tương ứng với các bộ phận phụ trách khác nhau. Như vậy, nhà trường chỉ cần tổng hợp từ các đầu mối, các bộ phận (hoặc cá nhân) được giao phụ trách là có thể hoàn thành nhanh báo cáo thường niên”, thầy Dũng chia sẻ.

So với Thông tư số 36, Thông tư số 09 có điểm mới về hình thức công khai. Cụ thể, Thông tư số 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư số 09 trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

GDVN (2).png
Thiết kế: Ngọc Huệ

Về điểm mới này, thầy Dũng chia sẻ, việc thay đổi hình thức công khai sẽ giúp các trường chủ động công khai đầy đủ đến gia đình học sinh và xã hội sao cho phù hợp với công tác chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong các cơ quan đơn vị, hộ gia đình. Việc bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục là phù hợp với điều kiện của từng trường, địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đồng tình với những quan điểm trên, nhưng cô Hà lại chia sẻ, dưới sự phát triển của công nghệ, việc công khai qua cổng thông tin điện tử có thể làm tăng cơ hội tiếp cận thông tin một cách dễ dàng tới phụ huynh nhưng cần làm chặt chẽ hơn. Nếu cơ sở giáo dục có cổng thông tin điện tử thì bắt buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử vì việc công khai trực tiếp không phải lúc nào học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng tiếp cận được.

Giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn gắn trách nhiệm của nhà trường

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, đối với giáo dục phổ thông, mẫu báo cáo thường niên theo Thông tư số 09 quy định cần nêu các yêu cầu thông tin bắt buộc, tiêu đề, thứ tự chương mục,... và hình thức trình bày thông tin do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm thể hiện rõ nội dung của thông tin theo yêu cầu.

Cô Hà chỉ ra, Thông tư số 36 quy định rõ các biểu mẫu chia thành các mục riêng lẻ nhưng chưa mang tính hệ thống. Còn Thông tư số 09 đã được hệ thống thành một báo cáo tổng thể với các tiểu mục tương ứng yêu cầu công khai trong đơn vị giáo dục. Điều này giúp cơ sở giáo dục dễ thực hiện và chủ động hơn trong việc báo cáo thay vì chỉ áp số liệu riêng lẻ như các biểu mẫu công khai trước đây.

“Việc công khai một báo cáo tổng quan về nhà trường từ đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, mục tiêu giáo dục giúp người quan tâm có cái nhìn tổng thể về nhà trường và có thể phản hồi, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nhà trường”, cô Hà nhận xét.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 cho rằng, điểm mới này của Thông tư số 09 thể hiện tư duy trong lãnh đạo của cấp quản lý, giúp cơ sở giáo dục trình bày báo cáo một cách chủ động, sáng tạo hơn khi thực hiện công khai, kể cả là thiết kế video để truyền tải nội dung công khai. Từ đó, tăng cường tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sẽ tạo ra những bước đột phá, dám nghĩ, dám làm của cơ sở giáo dục, sao cho thông tin đến với người đọc đạt hiểu quả cao nhất.

Còn thầy Dũng cho biết, việc thay đổi mẫu báo cáo trong công khai là cần thiết và hợp lý vì những nội dung công khai phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, đặc biệt là các nội dung trong phụ lục đã thể hiện đầy đủ các thông tin hoạt động, hiệu quả các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục trong năm học.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, so với Thông tư số 36, Thông tư số 09 yêu cầu cần nêu thêm các thông tin về Thông tin chung, Kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả hoạt động giáo dục, kết quả tài chính, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác.

GDVN (1).png
Thiết kế: Ngọc Huệ

Theo thầy Dũng, các cơ sở giáo dục cần phải công khai đầy đủ những thông tin chung của nhà trường (ví dụ như việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cán bộ quản lý, thiếu cơ sở vật chất, nguồn lực khác,…) để gia đình học sinh, xã hội được biết những mặt thuận lợi, khó khăn của nhà trường.

Thông tin về kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục là thông tin bắt buộc phải công khai để người học có thêm lựa chọn về môi trường học tập; phản ánh thương hiệu của các cơ sở giáo dục; là một kênh thông tin để đánh giá chất lượng đội ngũ của các nhà trường, đánh giá năng lực của cán bộ quản lý các trường học và để xã hội giám sát các mặt hoạt động của mỗi nhà trường.

Cùng đưa ra nhận xét về điểm mới này, cô Hà cho hay, việc quy định chi tiết hóa các mục công khai giúp thuận tiện trong thực hiện công khai của nhà trường và đặc biệt là xã hội dễ theo dõi, giám sát, phản hồi nếu số liệu công khai so với văn bản pháp luật hoặc trên thực tiễn chưa phù hợp, thống nhất.

Chất lượng giáo dục của nhà trường được đánh giá tổng quan trên tất cả các lĩnh vực: chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng đầu ra của học sinh ở lĩnh vực học tập và rèn luyện,... và cần có đội ngũ kiểm định, đánh giá độc lập. Việc công khai kết quả kiểm định chất lượng sẽ tạo sự tin tưởng cho cha mẹ học sinh, học sinh đối với nhà trường, từ đó huy động được sự đồng lòng hợp tác xây dựng nhà trường càng phát triển hơn.

Một trong những điểm mới của Thông tư số 09 về thông tin công khai đối với giáo dục phổ thông là đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.

Bàn về quy định này, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa chia sẻ rằng, quy định mới như trên sẽ giúp giảm thủ tục hành chính không cần thiết cho nhà trường nhưng vẫn gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc bắt buộc phải công khai để các bên liên quan có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Còn thầy Dũng cho biết thêm, việc bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền là tất yếu. Bởi, Thông tư số 09 đã quy rõ những nội dung cần phải công khai, thời điểm phải thực hiện công khai. Với những quy định này, các trường buộc phải công khai một cách trung thực và minh bạch những hoạt động của nhà trường theo từng năm học. Chính vì thế, không cần thiết phải xây dựng kế hoạch thực hiện công khai từng năm.

Ngọc Huệ