Chàng trai với ước vọng biến đổi Tây Nguyên

23/12/2018 06:46
GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN DŨNG
(GDVN) - Ngoài việc cung cấp các giống cây bảo đảm về năng suất và chất lượng, Mười còn thường xuyên hướng dẫn trực tiếp hay thông qua trang web chia sẻ với mọi người.

Vùng Tây Nguyên nước ta có đến 2 triệu hecta đất bazan màu mỡ, chiếm đến 60% đất bazan của cả nước, rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà. 

Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Diện tích cà phê ở Tây Nguyên hiện nay là hơn 290 nghìn ha, chiếm 4/5 diện tích cà phê cả nước. 

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất (170 nghìn ha) và cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng có chất lượng cao. 

Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ, chủ yếu tại Gia Lai và Đắk Lắk. 

Tây Nguyên còn là vùng trồng dâu tằm, nuôi tằm tập trung lớn nhất nước ta, nhiều nhất là ở Bảo Lộc Lâm Đồng. Ở đây có liên hiệp các xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Chàng trai với ước vọng biến đổi Tây Nguyên ảnh 1Con chưa thấy nông dân nào là tỷ phú!

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên còn chiếm tỷ lệ khá cao. 

Một bộ phận cận nghèo, tiệm cận với mức chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo cao, hàng năm tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới khoảng 1/3 số hộ nghèo nên giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, nhất là các huyện, xã tỷ lệ nghèo còn cao và ngày càng có xu hướng tăng lên. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do việc tăng dân số quá nhanh trong những năm qua.

Tính đến năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 853.820 người (chiếm 69,7% dân số). 

Năm 1993 dân số Tây Nguyên là 2.376.854 người, gồm 35 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.050.569 người (chiếm 44,2% dân số). 

Năm 2004 dân số Tây Nguyên là 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.181.337 người (chiếm 25,3% dân số). 

Riêng tỉnh Đắc Lắc, từ 350.000 người (1995) tăng lên 1.776.331 người (1999).

Kết quả này, một phần do gia tăng dân số tự nhiên và phần lớn do gia tăng cơ học: di dân đến Tây nguyên theo 2 luồng di dân kế hoạch và di dân tự do. 

Người dân tộc đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ. 

Sự gia tăng gấp 4 lần dân số và nạn nghèo đói, kém phát triển và hủy diệt tài nguyên thiên nhiên (gần đây, mỗi năm vẫn có tới gần một nghìn héc-ta rừng tiếp tục bị phá) đang là những vấn nạn tại Tây Nguyên và thường xuyên dẫn đến xung đột. 

Theo kết quả điều tra dân số 01/04/2011 dân số Tây Nguyên (gồm 05 tỉnh) là 5.278.679 người, 6% chiếm dân số cả nước. 

Hiện nay, nếu tính cả những di dân tự do không đăng ký cư trú với cơ quan chính quyền ước lượng dân số Tây Nguyên thực tế vào khoảng 5,5 đến 6 triệu người (ptit.edu.vn).

Đảng và Chính phủ đã có rất nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp để xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nguyên. 

Nhưng, có một chàng trai còn rất trẻ đang làm những việc rất cụ thể với mong muốn đem lại sự giàu có cho những đồng bào còn nghèo khó ở Tây Nguyên. Những ước vọng này đang từng bước trở thành hiện thực.

Chàng đó là Trịnh Xuân Mười, 44 tuổi, quê ở Diễn Lợi, Diễn Châu, Nghệ An. Là con thứ 10 trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1990 khi mới học xong lớp 6, Mười đã quyết tâm bỏ nhà ra đi tìm đường “thoát nghèo”. 

Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) với ước vọng biến đổi Tây Nguyên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) với ước vọng biến đổi Tây Nguyên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đi bộ từ mờ sang đến chiều tối mới đến được ga Vinh. Mười leo lên tàu nhưng không có tiền mua vé nên bị đuổi xuống. 

Mười van nài là chỉ mong thổi sáo ở các toa để xin bánh mỳ và nước uống. Đến Nha Trang mọi người xuống nghỉ để tàu lấy nước. Vì mệt quá nên Mười đã ngủ quên trên sân ga. 

Đêm hôm ấy trong giấc mơ Mười thấy người anh trai là liệt sĩ hiện về và bảo: “Em phải tìm chỗ nào đất tốt mà làm giàu để cứu cả gia đình nhé”. 

Nhớ đến lời cô giáo dạy chỉ có vùng đất đỏ bazan ở Tây Nguyên là nơi đất tốt nhất. Sáng hôm sau, Mười xin làm phụ xe tải để lên đến Đắk Lắk. 

Suốt 5 năm giúp việc vặt cho một gia đình trồng cà phê và đêm nào cũng lẩm nhẩm bao giờ mới giầu?”. Với số tiền dành dụm được Mười mua được một chiếc xe đạp cũ và xin phép gia chủ cho chuyển sang việc đi mua bơ để bán cho thương lái. 

Suốt 5 năm tiếp theo lặn lội đi buôn bơ và trở thành một chàng trai khoẻ mạnh, đẹp trai. Mười làm quen với cô gái nghèo Phan Thị Thanh bán bơ ngoài chợ. Hai người lấy nhau và ở trong túp lều nhỏ của mẹ cô Thanh. 

Nhờ công sức cùng nhau đi buôn bơ mà vợ chồng Mười đã mua được xe máy và từ đó tung hoành khắp Tây Nguyên để thu mua bơ. 

Năm 2002 vợ chồng Mười mua được mảnh đất 1,3 ha của một gia đình trồng cà phê không thành công. Anh gom số tiền tích lũy được và vay thêm ngân hàng để mua miếng đất này với giá 55 triệu đồng. Đấy là cơ ngơi đầu tiên của vợ chồng anh.

Anh tìm thầy học hỏi về kỹ thuật ghép hai giống bơ khác nhau khi anh chở sọt đi vào các buôn làng xa xôi lùng mua trái cây về bán cho thương lái. 

Những lần đạp xe vào các nương rẫy mua bơ về bỏ mối, để ý đến những cây bơ cho trái rất ngon, anh ấp ủ ý định đem về làm giống. 

Thế nhưng hạt bơ giống ấy sau bảy năm chăm bẵm lại cho ra loại quả hoàn toàn khác, không ngon như ban đầu. 

Chàng trai với ước vọng biến đổi Tây Nguyên ảnh 3Cách mạng công nghiệp 4.0, nông dân có thể trở thành tỷ phú

Làm sao để có thể tạo ra giống bơ ngon? Câu hỏi ấy thôi thúc Mười đến Viện Khoa học Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tìm hỏi cách lai ghép giống bơ. 

Câu trả lời là hiện vẫn chưa ai nghiên cứu đề tài này cả. Anh lại lân la đến các nhà vườn bán giống cây trồng để tìm hiểu học hỏi phương pháp lai giống cây, rồi tìm thêm sách vở tài liệu đọc. 

Kiên trì tìm kiếm, cuối cùng, anh đã rút ra phương pháp lai tạo giống bơ theo cách riêng của mình dựa trên nguyên lý “tính di truyền quyết định bởi cành ngọn”. 

Anh tiến hành ghép mắt chồi của cây bơ giống tốt lên thân cây bơ địa phương được ươm bằng hạt. 

Năm 2006, những quả bơ ghép đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ rút ngắn được thời gian cho quả, giống bơ mới còn cho quả rất sai, quả đều, khi chín thơm vàng, béo ngậy. 

Đến năm 2007, được một dự án giúp sức quảng bá, thương hiệu bơ DAKADO đã có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn và thị trường toàn quốc. 

Tháng 5/2010, cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định số 22987 chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký nhãn hiệu “BXM” tức Bơ Xuân Mười. Anh sở hữu bốn giống bơ quý là BXM1, BXM2, BXM4 và bơ muộn tháng 10. 

Một mốc quan trọng đánh dấu sự bứt phá trong kinh doanh đó là việc Mười phát hiện thấy cây bơ chính là cây lý tưởng để che bóng và hạn chế tác hại của mưa bão đối với cây cà phê. 

Mọi người đã trồng thử khá nhiều loại cây, phổ biến nhất là các cây muồng thuộc họ đậu. Cây này có ưu điểm là vì có bộ rễ có nốt sần chứa các vi khuẩn có khả năng cố định đạn từ không khí để làm giàu cho đất (đấy là tôi giảng giải cho Mười biết) nên không tranh giành thức ăn với cà phê. Tuy nhiên vừa tốn đất mà không tạo ra sản phẩm gì. 

Nhiều người chuyển sang sầu riêng và cũng đã có thu hoạch thêm từ sầu riêng. Nhưng sầu riêng có độ che phủ không thật thích hợp, hơn nữa lại tranh chấp thức ăn với cà phê. 

Mười nhận thấy những cây bơ lâu năm có cành lá xum xuê nhưng lại không che quá mức ánh sáng, do đó rất thích hợp cho các cây cà phê mọc dưới tán lá cây này. 

Hơn nữa thu hoạch của cây bơ trồng xen về giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều so với cây cà phê. Anh quyết định mở rộng diện tích sản xuất bốn giống bơ lai để cung cấp cho các nương cà phê ở khắp Tây Nguyên. 

Các giống bơ này đã nhanh chóng lan rộng tới cả nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Mười trở thành chủ một trại bơ rộng mênh mông tại xã Hòa Thắng, một xã cách không xa sân bay Buôn Mê Thuột. 

Chàng trai với ước vọng biến đổi Tây Nguyên ảnh 4Học sinh tự tin khởi nghiệp sau những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Anh lập ra Công ty trách nhiệm hữu hạn Trịnh Mười có văn phòng tại số nhà 137, đường Nguyễn Thái Bình ở xã này. 

Công ty phát triển dần dần để trở thành một trung tâm khuyến nông dành riêng cho cây bơ. Mười lập trang blog www.botrinhmuoi.vn để giới thiệu kỹ thuật trồng bơ và chăm sóc bơ. 

Trại cây giống bơ của Mười trông thật thú vị. Mỗi cây giống bán được 45-50 nghìn đồng mà lúc nào cũng có hàng vạn cây chuẩn bị xuất giống. 

Tôi hỏi Mười liệu có lo thừa giống không? Mười cười hồn nhiên: “Có đủ đâu thầy, khắp các tỉnh Tây Nguyên đến mua vì mọi người bắt đầu thấy bơ là cây lý tưởng để che bóng cho cà phê. 

Hơn nữa thu nhập từ quả bơ (bán quả về thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố khác) đâu có kém”. 

Năng suất quả bơ với giống cây do Mười cung cấp là như sau: Năm thứ 3 - ra quả bói: khoảng 30kg/cây; năm thứ 4: 80-100kg/cây; năm thứ 5: 150-200kg/cây; năm thứ 6: 200-250kg/cây; năm thứ 7: 250-300kg/cây. 

Tuy nhiên, vì quả bơ thường chỉ giữ được 10 ngày đã hỏng cho nên hiện nay ngoài tiêu dùng trong nước chỉ còn có thể xuất khẩu được sang mỗi Trung Quốc mà thôi. 

Bài học Trung Quốc cho thấy nhiều năm họ tích cực mua dưa hấu, thanh long, thịt lợn… rồi đột ngột ngừng mua, làm điêu đứng cho biết bao nông dân.

Tôi đã gợi ý cho Mười về giống bơ Úc có thể bảo quản lâu. Mười rất vui và quyết định sẽ cùng tôi sang Úc học hỏi kinh nghiệm. 

Chuyến đi này còn có Lê Xuân Phương (Tiger Phương) sinh viên cũ của tôi, tỷ phú mà tôi dịp giới thiệu ở bài trước. 

Chúng tôi đã có dịp làm việc, trao đổi với nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp Úc về công nghệ chuyên bảo quản và chế biến quả bơ. 

Một hy vọng rất lớn đang mở ra cho chúng ta và đồng bào Tây Nguyên. Hy vọng sẽ thành công.

Mười Bơ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: tác giả cung cấp).
Mười Bơ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bài toán kinh tế của Mười là như sau: Mỗi hecta cà phê nếu không trồng xen bơ thì chỉ cho khoảng 4 tấn nhân, với giá chừng 40 nghìn đồng/kg thì thu được 160 triệu đồng. Trừ đi chi phí mất khoảng 60 triệu thì còn thu được chỉ có 100 triệu đồng. 

Nếu trồng xen trên mỗi hecta cà phê thêm 120 cây bơ thì sau 5 năm trở ra có thể thu được thêm 540 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng vẫn còn khoảng 440 triệu đồng, cao hơn bốn lần so với chỉ trồng riêng cà phê. 

Và như vậy người trồng cà phê sẽ thu được khoảng 700 triệu đồng mỗi năm trên 1ha đất trồng. 

Thu nhập về bơ nhẽ ra còn cao hơn nữa nếu được chăm sóc tốt và không bị cắt cành làm giống như ở vườn của Mười. 

Hiện nay với số đất đai của trang trại gia đình Mười mỗi năm đã thu được trung bình 4,5-5 tỷ đồng nhờ bán cây giống, về tiền bán quả bơ trồng xen cà phê là 1,8 tỷ đồng, tiền bán cà phê là 400 triệu đồng. 

Như vậy là mỗi năm vợ chồng Mười thu được 7-10 tỷ đồng và trở thành tỷ phú trên vùng Tây Nguyên. 

Ngoài chi phí cho gia đình với hai con gái và một con trai, anh đã dùng toàn bộ số tiền còn lại để mua thêm đất và trang trại của anh chị đang ngày một mở rộng thêm. 

Cô con gái lớn đang phấn đấu học tiếng Anh để đi du học trong thời gian tới. 

Với mong ước để nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu, ngoài việc cung cấp các giống cây có bảo đảm về năng suất và chất lượng, Mười còn thường xuyên hướng dẫn trực tiếp hay thông qua trang web về từng kỹ thuật trồng bơ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bơ. 

Anh được bà con tin yêu và tôn anh danh hiệu Vua bơ. Anh vừa được nhận bằng khen và danh hiệu Sao Thần nông của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta. 

Vấn đề hiện nay là các nhà khoa học cần nghiên cứu gấp các phương pháp bảo quản và chế biến bơ để đón đầu một sản lượng bơ khá lớn trong khoảng 4-5 năm tới.

GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN DŨNG