ChatGPT thay thế hay thay đổi giáo viên?

20/04/2023 06:52
Xuân Sơn - Trường Lâm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô hãy tự hào vì công nghệ không thể thay thế mình trong việc định hướng, truyền cảm hứng và hình thành các năng lực cho học sinh.

Thời gian qua, sự xuất hiện và ảnh hưởng của ChatGPT thu hút sự tranh luận, quan tâm rất lớn từ dư luận, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Trước vấn đề này, thầy giáo Đào Xuân Sơn, giáo viên Tổ Toán của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vinschool Ocean Park (Hà Nội) và thầy Nguyễn Trường Lâm – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mèo Vạc (Hà Giang) đã có bài viết phân tích chi tiết về ChatGPT gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giờ học Toán của học sinh Trường Trung học Vinschool Ocean Park (Hà Nội) (Ảnh: Thầy Sơn cung cấp)

Giờ học Toán của học sinh Trường Trung học Vinschool Ocean Park (Hà Nội) (Ảnh: Thầy Sơn cung cấp)

Sự ra đời và phát triển của thời đại AI đã mở ra một sự thay đổi mới cho tất cả các lĩnh vực, giáo dục không phải là ngoại lệ.

Điều này được ví von như liều doping cho sự thay đổi của giáo dục, tuy rằng có thách thức cho những giáo viên, học sinh truyền thống, nhưng chúng ta nên nghĩ nó là cơ hội để chuyển đổi giáo dục sang một trang mới.

Người thầy vẫn mãi là người thầy, nhưng ở các giai đoạn khác nhau của lịch sử thì nhiệm vụ của người thầy cần có những thay đổi để phù hợp.

Vai trò của người thầy thế nào là do chính người thầy quyết định, nó thể hiện ở chỗ người thầy mang lại giá trị gì cho học sinh.

ChatGPT cũng chỉ là một công cụ trong vô vàn công cụ khác nhau của công nghệ, nó cũng giống như sự ra đời của máy tính bỏ túi, google, mạng xã hội mà thôi, chúng ta không thể ngăn cản tiến trình phát triển của công nghệ, xã hội, chỉ có cách thích nghi với nó, biến nó thành công cụ hữu ích phục vụ chúng ta. Vậy ChatGPT thay thế hay thay đổi giáo viên?

Giáo viên là người có đa dạng học liệu và phương pháp giảng dạy

Với sự ra đời của ChatGPT, nếu giáo viên vẫn tiếp cận dạy học theo kiểu truyền thống, chỉ tập trung vào việc cung cấp thông tin đơn thuần và đánh giá học sinh dựa trên trí nhớ, khả năng phân biệt đúng/sai, ChatGPT có thể nhanh chóng thay thế những giáo viên này.

Do đó, đây là một thách thức lớn đối với giáo viên, họ cần đa dạng học liệu và phương pháp giảng dạy. Các giáo viên phải đối mặt với việc cập nhật kiến thức liên quan đến sự phát triển của môn Toán, bao gồm hiểu rõ các khía cạnh mới và đảm bảo rằng các bài giảng được thiết kế để đáp ứng được các nhu cầu học tập của học sinh.

Với phần mềm như ChatGPT, học sinh có thể tổng hợp kiến thức nhanh hơn, giải quyết các bài tập thầy cô đưa ra một cách dễ dàng hơn.

Khi đó, giáo viên sẽ phải đứng trước thách thức thay đổi cách dạy, không tập trung truyền tải quá nhiều kiến thức, thay vào đó sẽ tập trung vào những kĩ năng mà học sinh còn thiếu như: tư duy logic, khả năng đặt vấn đề, kĩ năng chuyển đổi…, đây là những điều mà phần mềm khó có thể làm được.

Đồng thời, ChatGPT sẽ thay đổi phong cách học tập của học sinh, chúng có thể trở nên dựa dẫm vào công nghệ và bỏ qua quá trình tư duy.

Giáo viên sẽ là người hướng dẫn học sinh cách tương tác và sử dụng công nghệ một cách chính xác để đạt được mục tiêu tối đa trong việc học tập.

Vì vậy, thay vì lo lắng học sinh sử dụng công cụ này tư duy thay thế cho bản thân, cấm sử dụng công nghệ này trong lớp học của mình, các thầy cô có thể trao đổi thẳng thắn với học sinh về vấn đề chính trực trong học tập, sử dụng ChatGPT như google để tìm thông tin, phục vụ cho các hoạt động học.

Hơn nữa, ChatGPT còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Một trong số đó có thể kể đến như: Mặc dù ChatGPT có khả năng xử lý và trả lời câu hỏi, tuy nhiên nó không thể giải quyết những vấn đề phức tạp và cần sự phân tích, đánh giá và suy luận sâu hơn, điều mà hiện tại chỉ con người mới làm được.

Điều này là một hạn chế rất lớn đối với giảng dạy môn Toán. Vì đây là những môn yêu cầu tư duy, suy luận của học sinh và giáo viên, không chỉ cần nắm được mà còn phải hiểu sâu, vận dụng linh hoạt những kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, ChatGPT được huấn luyện dựa trên các dữ liệu đầu vào được cung cấp, do đó nó có thể không hiểu được ngữ cảnh của câu hỏi hoặc vấn đề được đặt ra bởi học sinh.

Điều này có thể dẫn đến việc cung cấp câu trả lời không chính xác hoặc không phù hợp. Đặc biệt là khi sử dụng với những ngôn ngữ không phải Tiếng Anh. Do ChatGPT được huấn luyện với nguồn dữ liệu là Tiếng Anh, nên khi tra cứu bằng Tiếng Việt, kết quả trả về có thể không chính xác do ChatGPT gặp sai sót khi dịch thuật câu hỏi từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh rồi mới tìm câu trả lời.

Đặc biệt là với những câu hỏi khó mang tính chuyên môn cao trong môn Toán, những thuật ngữ chuyên ngành thường dễ bị dịch sai trong quá trình dịch thuật.

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Mèo Vạc (Hà Giang) trong tiết học Toán (Ảnh: NVCC)

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Mèo Vạc (Hà Giang) trong tiết học Toán (Ảnh: NVCC)

Hơn nữa, ChatGPT có thể giải đáp câu hỏi của học sinh, tuy nhiên nó không thể đưa ra những khám phá hoặc sự đột phá trong lĩnh vực Toán.

Điều này có thể làm cho học sinh thiếu sự hứng thú và động lực trong việc học tập. Giáo viên là người cần tìm hiểu, đưa ra những kiến thức gợi mở gây hứng thú cho học sinh.

Điều này là cần thiết để giờ học không chỉ khiến học sinh hứng thú, truyền tải kiến thức trong sách mà còn mở rộng, kích thích trí tưởng tượng, tư duy khoa học của học sinh.

Một hạn chế khác khi sử dụng ChatGPT trong dạy học là ChatGPT có thể trả lời một cách khô khan và thiếu khả năng tương tác với học sinh như một người thật sự.

Bởi ChatGPT vốn chỉ là một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) được huấn luyện để trả lời dựa theo các hình mẫu câu hỏi - câu trả lời thu được trên dữ liệu được cung cấp, nên những câu trả lời chỉ đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin, chứ chưa thể có cách truyền tải hiệu quả như giáo viên, những người đã có kinh nghiệm giảng dạy, giao tiếp với học sinh nhiều năm.

Hạn chế này có thể khiến cho các học sinh cảm thấy khó kết nối, thiếu sự tương tác giữa học sinh và giáo viên nếu việc dạy học chỉ phụ thuộc vào ChatGPT. Thêm nữa, ChatGPT không thể giúp giáo viên quản lí lớp học hay xử lí các tình huống phát sinh, điều mà chỉ giáo viên mới làm được.

Hạn chế rất lớn của ChatGPT trong dạy học môn Toán là ChatGPT không thể tư vấn và hướng dẫn hoạt động thực hành, dự án học tập trải nghiệm.

ChatGPT không thể đưa ra các lời khuyên hay phản hồi đối với những vấn đề khó khăn của học sinh. Hiện tại ChatGPT mới chỉ là một công cụ tra cứu mạnh, tuy nhiên với những công việc đòi hỏi sáng tạo, tư duy thì nó chưa thể đáp ứng.

Bởi vậy vai trò của người giáo viên trong giảng dạy, đặc biệt là môn Toán đòi hỏi sự tư duy, suy luận, kết hợp nhiều kiến thức chuyên môn là rất cần thiết và không thể thay thế.

Dưới đây là một số ví dụ khi yêu cầu ChatGPT thiết kế những dự án học tập trải nghiệm, hoạt động thực hành môn Toán, công việc cần hiểu rõ bài học và tư duy sáng tạo mới có thể làm được.

Ví dụ 1: Khi yêu cầu thiết kế một dự án học tập trải nghiệm môn Toán về nội dung Phép biến hình, đây là kết quả trả về:

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Dự án học tập trải nghiệm chưa hợp lí, không mang tính thực tiễn. Dự án không được mô tả trực quan, rõ ràng nên khó thực hiện và dễ gây hiểu nhầm cho người làm. Ngoài ra dự án cũng không giúp quan sát rõ ràng hình ảnh của các hình qua phép biến hình, do đó không thực sự hiệu quả trong dạy học dành cho học sinh.

Ví dụ 2: Khi yêu cầu thiết kế một hoạt động thực hành đo đạc ngoài trời có ứng dụng kiến thức về hệ thức lượng trong tam giác, đây là kết quả trả về:

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Hoạt động này không thực tế và quá dễ để thực hiện đo đạc, do đó không thể sử dụng trong dạy học. Ngoài ra khi giao tiếp bằng Tiếng Việt, có thể thấy cách dùng từ của ChatGPT chưa được chính xác, gây khó hiểu cho người sử dụng.

Ta có thể thấy, ChatGPT là một công cụ tra cứu, cung cấp kiến thức rất mạnh và giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, vì chưa có khả năng tư duy thật sự nên ChatGPT không hề có tư duy hay sự sáng tạo, những yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với môn Toán.

Do đó vai trò của giáo viên là không thể thiếu trong những tiết học, đồng thời có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ tiện lợi cho giáo viên nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả.

Giáo viên là người truyền cảm hứng

Thầy cô cần phải thấy thế mạnh của mình, đó là định hướng, là truyền cảm hứng, là dẫn dắt mà không bất kì công nghệ nào thay thế được.

Chúng ta không cần thiết phải hiểu hết về tất cả các công nghệ, không cứ phải chạy theo cái gì mới nhất mà phải là phù hợp nhất, hãy tập trung vào những công nghệ giúp ích cho việc đem đến trải nghiệm cho người học, phục vụ các ý tưởng dẫn dắt của thầy cô.

Thật sai lầm khi cho rằng AI có thể thay thế giáo viên hay sẽ làm giảm vai trò của người thầy. Các quan điểm tiêu cực về vai trò người thầy thường dựa trên lập luận rằng vai trò cung cấp kiến thức, thông tin là chủ đạo và bỏ qua một vấn đề quan trọng khác là khía cạnh động viên sự sáng tạo và tình cảm xã hội của giảng dạy vượt ra ngoài việc truyền thụ kiến thức đơn thuần. [1] Hơn nữa, giáo viên sẽ quyết định cách thức và thời điểm thích hợp để sử dụng các công cụ AI hỗ trợ.

Do đó, việc phát triển các công cụ hỗ trợ AI tiên tiến hơn và tích hợp sâu nó vào chương trình giáo dục là một quá trình cần có sự tham gia không thể thiếu của người giáo viên để các phần mềm, trí thông minh nhân tạo được thiết kế để cung cấp sự hỗ trợ mà các giáo viên, học sinh cần, không phải xuất phát từ lập trình viên nghĩ rằng giáo viên hay học sinh cần.

Giờ học Toán của học sinh Trường Trung học Vinschool Ocean Park (Hà Nội) (Ảnh: NVCC)

Giờ học Toán của học sinh Trường Trung học Vinschool Ocean Park (Hà Nội) (Ảnh: NVCC)

Trong khi các thuật toán lợi thế ở tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu và giải thích thì các thuật toán này không phải được viết để tạo ra hệ thống phân tích học tập và phản hồi cho học sinh một cách mạnh mẽ, kịp thời.

Đây là điểm mấu chốt để giáo viên tiếp tục đóng vai trò chính trong hoạt động dạy học và giáo dục, bằng cách xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu của người học. Cần nhấn mạnh rằng, thầy cô chính là những người quen thuộc nhất với nhu cầu và sở thích của người học.

Song hành cùng với việc sử dụng ngày càng rộng rãi AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục, giáo viên cần được đào tạo và tự đào tạo để có thể sử dụng công nghệ AI hỗ trợ một cách hiệu quả. Giáo viên cần đồng bộ hóa một số kiến thức và kĩ năng mới, cụ thể là:

- Hiểu biết rõ ràng về cách hệ thống ChatGPT hoạt động, cách chúng có thể cung cấp các thông tin và câu trả lời cho học sinh, để có thể đánh giá các câu trả lời hay sản phẩm đã được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

- Kĩ năng nghiên cứu và phân tích dữ liệu, để có thể giải thích dữ liệu cung cấp bởi ChatGPT. Từ đó cung cấp cho người học những phản hồi hữu ích phát sinh từ dữ liệu người học đã được cá nhân hóa.

- Hệ thống kĩ năng quản lý mới để quản lý hiệu quả tài nguyên con người và AI một cách có chủ đích.

- Tận dụng lợi thế của AI đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, mang lại cơ hội cho giáo viên phát triển các khả năng khác mà trước đây không có thời gian: cố vấn, hỗ trợ cảm xúc, kĩ năng giao tiếp,… [2]

Giáo dục cần phải thay đổi theo hướng xây dựng năng lực đọc viết, tư duy phản biện, năng lực tự học, tự nghiên cứu suốt đời cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng vào việc giáo dục đạo đức, ứng xử của học sinh với các nền tảng số.

Giáo viên là người chủ động thay đổi các hình thức kiểm tra đánh giá

Các công nghệ AI hỗ trợ đang cung cấp cơ hội để tự động hóa một số thói quen và công việc nhất định của giáo viên trong kiểm tra đánh giá như chấm điểm, lưu trữ hồ sơ học sinh và phân tích kết quả học tập của học sinh.

Tự động những nhiệm vụ hành chính trên có thể giải phóng thời gian của giáo viên, cho phép người dạy dành nhiều năng lượng hơn cho sự sáng tạo, đồng cảm và truyền cảm hứng cho học trò.

NewYork Times có viết “Trong khi chấm điểm các bài tiểu luận cho khóa học về tôn giáo thế giới của mình vào tháng trước, Antony Aumann, giáo sư triết học tại Đại học Bắc Michigan, đã đọc được điều mà ông cho là “bài báo hay nhất trong lớp”. Nó khám phá đạo đức của lệnh cấm burqa với các đoạn rõ ràng, ví dụ phù hợp và lập luận chặt chẽ.

Ông Aumann chất vấn học sinh của mình về việc liệu anh ta có tự viết bài luận hay không. Học sinh thú nhận đã sử dụng ChatGPT, một chatbot cung cấp thông tin, giải thích các khái niệm và tạo ý tưởng bằng những câu đơn giản”. [3] Hiện tại, đã có tình trạng một số học sinh sử dụng phần mềm này để làm bài tập về nhà, làm luận văn, luận án trong một thời gian ngắn.

Có những website chuyên giải bài tập về nhà cho học sinh. ChatGPT chỉ là một trong những công cụ, hơn nữa nó thuận tiện hơn trong việc tổng hợp các thông tin và đưa ra câu trả lời một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào kiểm soát mỗi cá nhân 24/24. Điều quan trọng là chúng ta định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Thầy cô có thể tăng cường các câu hỏi vận dụng, sáng tạo; phối hợp nhiều hình thức kiểm tra như vấn đáp trực tiếp, làm dự án. Vì vậy, người giáo viên cần linh hoạt sử dụng và có thể chủ động thay đổi các hình thức kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh.

Giáo viên là người hình thành những năng lực cho học sinh

Theo báo NewYork Times: Một giáo sư của trường đại học đã có kế hoạch đưa ChatGPT vào các bài học bằng cách yêu cầu học sinh đánh giá phản hồi của chatbot [3].

Bằng cách này, học sinh dần dần được trang bị và nâng cao kĩ năng tìm kiếm thông tin, thu thập và đánh giá phản hồi thông tin. Giáo viên cần nhận thức được vai trò mới của người thầy trong thời đại mới, đó là trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học. [5]

Dạy học không chỉ quan tâm đến kiến thức, kĩ năng mà quan trọng hơn là sự kết hợp chúng thế nào để hình thành và phát triển năng lực của người học.

Rõ ràng là ChatGPT không thể hình thành cho học sinh từ năng lực chung: năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Tương tự, các năng lực riêng như năng lực tính toán, năng lực thẩm mĩ hay năng lực thể chất cũng chỉ có những giáo viên mới có thể hình thành cho học sinh.

Thậm chí ChatGPT còn ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực ngôn ngữ khi ý thức về “bản quyền” mờ dần do không còn sở hữu giọng văn của riêng mình. Chính vì thế, thầy cô hãy tự hào không ai có thể thay thế thầy cô hình thành các năng lực cho học sinh.

Trong thời đại phát triển của công nghệ, người thầy vẫn mãi là người thầy, nhưng ở các giai đoạn khác nhau của lịch sử thì nhiệm vụ của người thầy cần có những thay đổi để phù hợp.

Người thầy của ngày nay phải tự học, tự đào tạo, tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc, nhất là tam giác của nội lực nghề nghiệp như đã đề cập: khoa học về môn học; khoa học nghiệp vụ sư phạm; khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học và giáo dục. [4]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Maha Bali (2017). Against the 3A’s of EdTech: AI, Analytics, and Adaptive Technologies in Education. The Chronicle of Higher Education.

[2] Luckin, R., Holmes, W., Griffiths, M. & Forcier, L.B. (2016). Intelligence Unleashed: An argument for AI in Education. London: Pearson.

[3] https://www.nytimes.com/2023/01/16/technology/chatgpt-artificial-intelligence-universities.html

[4] https://tuoitre.vn/nha-giao-trong-thoi-chuyen-doi-so-phai-nhu-the-nao-20211120081757459.html

[5] http://baolamdong.vn/xahoi/202211/vai-tro-cua-nguoi-thay-trong-thoi-dai-40-3145345/

Xuân Sơn - Trường Lâm