Cháu chưa bao giờ có… tay
Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Người có mắt rồi bị mù thì đau đớn lắm, nhưng cũng là không hiếm gặp. Người có tay rồi bị cụt thì xót xa nhiều, nhưng xã hội cũng khối người cụt tay. Còn bây giờ, tôi đang ngồi chơi với bé Nguyễn Thị Sơn Dương - mới 4 tuổi đầu - từ lúc sinh ra chưa bao giờ cháu có được đôi tay cả. Cái gọi là “tay” của cháu chỉ là hai cụm thịt nhọn như một cốc kem ốc quế, phía trên có “trang điểm” túm thịt treo lơ lửng bằng một sợi dây da thịt be bé, giống như quả tú cầu nhỏ xíu.
Ông Thắng (phải) nói: "Tôi bảo con bé Dương, cháu cứ ngoan, lớn lên, lúc nào cơ thể cháu bằng với cơ thể ông, ông sẽ lắp cánh tay của ông sang cho cháu(!)"
3 cặp vợ chồng trẻ với lệnh “cấm đẻ” bất đắc dĩ
Nguyễn Thị Sơn Dương chưa bao giờ có tay, chứ không phải cháu bị rủi ro làm cho cả hai tay bị cụt đến nách. Cháu ở trần ra trước mặt tôi, da thịt thiên thần còn non bầy bấy. Hai “tay” ngắn vài xăngtimét của cháu như con quay trắng, với đầu xương khá cứng cứ dũi vào ngực, vào tay tôi như mũi khoan. Buồn nhây nhẩy.
Cháu đùa với khách. Rồi cháu áp má xuống mặt bàn để cố dũi hai “mũi nhọn tay” xuống mép bàn mép ghế mà bước đi. Không có tay, bước đi của cháu chênh vênh vì không giữ được thăng bằng. Sơn Dương ngã sấp mặt xuống đất.
Khó khăn nhất của tôi khi về thôn Bầu, xã Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương này thăm bé Sơn Dương không phải là tìm đường ngoắt ngoéo, hay chọn món quà hợp với bé thơ không có tay, mà là làm sao xóa đi cảm giác mình là kẻ hiếu kỳ, đến với bé thơ và đại gia đình cháu để... tham quan sự lạ.
Ngày 25 Tết Nguyên đán - 2008, trời rét buốt như kim châm vào da thịt người đời, thì cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Thị Lương Hiền (SN 1987) sinh hạ bé Sơn Dương. Cả các cán bộ y tế, cả bà con và gia đình đều bàng hoàng. Bé gái không có dấu hiệu nào của đôi tay cả.
Bố mẹ Sơn Dương nghe tin dữ là cháu bị dị tật gì đó trước khi cháu cất tiếng khóc chào đời có 6 ngày. Điều đó không cho phép họ có quyền lựa chọn phương pháp nhẫn tâm là... từ bỏ hòn máu tật nguyền buốt xót của mình.
Trước đó, đều đặn Tuyên đưa vợ đi khám, cả nhà đều nhớ là bác sĩ “soi” xong họ đều bảo Hiền sẽ sinh con trai, thai rất tốt. Ông Nguyễn Văn Thắng - ông nội Sơn Dương - nhớ lại: “Chúng tôi đau lắm, bèn bảo nhau chắc là “giời” bịt mắt bác sĩ, nên không ai phát hiện ra thai dị tật. Vậy là số phận đã mang bé đến cho gia đình tôi. Tôi đặt tên cháu là Sơn Dương, bởi: Xem trên tivi, tôi rất thích loài sơn dương đầu bò, nó vạm vỡ, với sức chịu đựng khủng khiếp trước thiên tai và địa hình hiểm trở, khắc nghiệt. Cháu tôi sẽ vươn lên. Khi nó 20 tuổi, tức là nó trưởng thành, tôi sẽ đề nghị các nhà khoa học cắt cánh tay tôi tặng cho cháu, nhà báo ạ”.
Cái tình thương yêu đứa con, đứa cháu tật nguyền của đại gia đình ông Thắng không làm tôi ngạc nhiên, nhưng nó làm tôi nghẹn ngào rồi ám ảnh. Hình như đó là một biểu tượng của tình nhân ái. Bố bé Sơn Dương là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em trai. Nay có 3 anh em đã lấy vợ mà chưa ai ra ở riêng. Thế là, nhà có cả thảy 3 cặp vợ chồng trẻ, với 10 khẩu trong một khuôn viên chật hẹp. Bữa đến phải sắp làm hai mâm mới đủ chỗ ngồi.
Ông Thắng hạ lệnh: Cấm đứa nào được đẻ. Cứ kế hoạch hóa đã, bao giờ con bé Sơn Dương đủ 7 tuổi thì mới tính chuyện sinh nở. “Sơn Dương nó khổ thế này là khổ ở mức giời đất phải biết rồi. Cả gia đình dồn vào chăm sóc nó để bù đắp “quả đắng” mà số phận đã trao cho nó từ khi nó chưa lớn bằng quả táo trong bụng mẹ. Năm ấy, làng này bị dịch sốt, la liệt người mắc cúm. Có thể mẹ bé Sơn Dương bị cúm, làm cho thai bị dị tật - ông Thắng nói - Tôi cũng “hạ lệnh” khi nào bác hoặc cô Sơn Dương đẻ thì người ấy phải đặt tên đứa con ấy là: Thương Chị hoặc Thương Em. Gia đình này là gia đình của tình thương. Vả lại, nhìn cháu Dương thế này, tôi chả yêu cầu thì các con tôi nó cũng chả nỡ đẻ thêm để cái đói nghèo, bận bịu thêm làm cho cháu thêm khổ...”.
Sơn Dương hiện có thể quét nhà, nhặt rau và vẽ các hình hoa lá chim muông bằng chân
Xin hãy cắt hai cánh tay tôi, “lắp” vào cho cháu bé!
Từng đi đánh giặc khắp nơi, rồi lưu lạc tận Lâm Đồng trồng càphê kiếm sống, ông Thắng đã thấm thía cái chữ tình ở đời lắm rồi. Khó khăn, ông bế cháu lên xã, lên huyện, lên tỉnh xin chế độ cho bố mẹ cháu đỡ khổ. Ai trông thấy Sơn Dương “dị dạng” cũng hốt hoảng, có khi rớt nước mắt bảo đưa cháu về đi, chúng tôi sẽ “làm” ngay. Nhưng chả hiểu vì lý do gì, mãi vừa rồi, cháu mới được hưởng chế độ 360.000 đồng/tháng.
Sơn Dương không có tay nên đi lại cực kỳ khó khăn, cháu cứ lao đi trong trạng thái mất thăng bằng. Liên tục ngã. Vừa rồi cháu ngã mẻ cả 4 cái răng.
Lúc mới sinh, ông Thắng và bà Chúc (vợ ông) phải bế cháu đi quanh nhà, quanh ngõ suốt đêm ngày, bởi ngừng đi là cháu khóc quấy. Lúc ông cháu kiệt sức rồi, thì họ ôm nhau nằm ngủ trên võng ngoài hiên nhà, bấy giờ trời đã dần rạng sáng. Tuần nào cũng vài lần đi gặp bác sĩ để tiêm.
Lớn một chút, Sơn Dương được dạy quét nhà, nhặt rau và vẽ các hình hoa lá chim muông. Cháu làm được, vẽ đẹp là đằng khác. Nhưng vì không có tay nên cháu liên tục ngã khi làm việc vặt, ngã như bổ củi. “Cháu cũng tự ăn được bằng chân, nhưng chừng nào tôi còn sống tôi sẽ không cho cháu ăn bằng chân, như thế bẩn lắm. Tôi sẽ là hai cánh tay của cháu” - ông Thắng quả quyết.
Ông nội Sơn Dương ôm chặt cháu vào lòng. Các “cánh tay” dài vài xăngtimét và tròn nhọn như một mũi khoan của cháu dịu dàng dũi vào ngực, vào cằm ông. “Đi chơi với trẻ hàng xóm, các cháu ngây thơ không biết kỳ thị gì đâu. Nhưng rõ ràng trẻ con không thích chơi với đứa chỉ ngồi trù trụ vì không có tay. Sơn Dương buồn lắm. Nó về bảo “bà mua kẹo đi để con mời các bạn, rủ các bạn sang chơi với con”.
Nó lại bảo “hay là bà làm cho cháu cái tay khác, để cháu học viết, vẽ, cháu giặt quần áo giúp bà” - ông Thắng kể đến đây, bà Chúc ngồi tấm tức khóc bỏ ra khỏi bàn nước. “Tôi bảo con bé Dương, cháu cứ ngoan, lớn lên, lúc nào cơ thể cháu bằng với cơ thể ông, ông sẽ “lắp” cánh tay của ông sang cho cháu. Đằng nào ông cũng phải về với các cụ, ông cho cháu bớt một cánh tay thôi. Ấy nói vậy, nhưng tôi đi tìm hiểu mãi mà chả biết thế giới này có ai làm được việc đó chưa, anh nhỉ?” - ông Thắng hỏi tôi. Tôi quay đi không biết nói thế nào.
Tìm lên Bệnh viện Bạch Mai trên Hà Nội, ông Thắng bảo “cán bộ ơi, chỉ giúp tôi cái chỗ nào có thể cấy ghép cái tay cho cháu nhà tôi”. Họ bảo, ở nước ngoài may ra họ làm việc đó được, chứ ở ta kiếm đâu ra... hai cánh tay người? Bà Chúc đi cầu an lành ở chùa làng, họ bảo “gửi” cháu Dương vào cửa Phật thì “có tâm khắc ứng”.
Ông Thắng bị đủ thứ bệnh, từ u xơ tiền liệt tuyến rồi bị liệt cả cánh tay, phải về gặp “cây kim vàng” châm cứu Nguyễn Tài Thu nhiều lần với hy vọng duy trì cánh tay lành bệnh “để sau này còn cho Sơn Dương”(!).
Bà Chúc bị sỏi mật chết đi sống lại. Giữa lúc đó, nuôi cháu Sơn Dương vô cùng khó khăn. Cháu ngã xiêu vẹo, khóc quấy suốt đêm. Cháu bị bệnh dị ứng người mẩn lên như mê cơm cháy, liên tục đi bác sĩ để tiêm.
“Sơn Dương sợ tiêm đến mức, trông thấy bác sĩ Đảm là nó bỏ chạy!”. Hai cái đầu “tay” ngắn tun mủn của Sơn Dương liên tục đau nhức, nó lăn lóc, khóc than thảm thiết.
“Sái sẩm mặt mày lo cho cháu. Có người khuyên tôi cho cháu vào trại trẻ mồ côi, khuyết tật. Tôi bảo, bao giờ tôi còn sống thì không bao giờ có chuyện đó. Bao giờ con bé Sơn Dương của tôi “mồm ăn chân chạy” được rồi, thì tôi sẽ cho phép các cặp vợ chồng của 4 đứa con trai tôi được phép... đẻ. Thật ra, vì thương cháu, các bác, các cô của Sơn Dương cũng tự nguyện như thế” - ông Thắng tâm sự.
Ông Thắng từng đi hỏi nhiều nơi xem liệu có lắp được tay mới cho cháu bé chưa bao giờ có tay của ông không? Có lấy tay ông nội Thắng lắp vào làm tay cho cháu gái Sơn Dương được không? Bà Chúc thút thít: “Hay là lắp cho nó cái tay nhựa thôi cũng được, chứ nhìn nó không có tay, chúi mũi mà đi rồi ngã như cục thịt thế này thì tôi có chết không nhắm được mắt đâu”.
Họ đều khóc lúc chia tay tôi. Nhưng, “bóng ma dị tật” quái đản kia hình như chưa bao giờ làm gia đình “Thương Chị, Thương Em” này nản chí.
Tôi rời thôn Bầu với lời hứa: Sẽ đi hỏi thật hư chuyện lắp tay giả, ghép tay thật cho cháu Sơn Dương bớt tủi khổ. Cũng liều hứa như vậy, mà chưa biết mình sẽ phải làm gì...
Theo Đỗ Doãn Hoàng (Lao Động)