Chế độ thỉnh giảng của nhà giáo

21/04/2015 07:42
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - Thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng GDĐT thông qua việc thu hút nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao tham gia hoạt động thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đào tạo.

Tôi là viên chức hiện đang giảng dạy tại một trường trung học cơ sở (THCS) công lập. Vừa qua tôi nhận được lời mời thỉnh giảng môn hóa học trong chương trình giáo dục phổ thông tại một trường THCS dân lập. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, viên chức như tôi có được tham gia hoạt động thỉnh giảng không?

Ngô Sỹ Anh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục (sau đây gọi là Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT) thì: “Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo được quy định tại Điều 5 quy định này đến: a) Giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học; b) Giảng dạy các chuyên đề; c) Hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khó luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; d) Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục; đ) Tham gia xây dụng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng như sau: “Đối với việc giảng dạy các môn học, các chuyên đề được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Giáo dục; giáo viên thỉnh giảng là giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục mầm non hoặc cơ sở giáo dục phổ thông thì phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên của cấp học mà nhà giáo đó thỉnh giảng”.

Khoản 2 Điều 70 Luật Giáo dục hiện hành quy định tiêu chuẩn của nhà giáo bao gồm: a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; c) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; d) Lý lịch bản thân rõ ràng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin ông đã cung cấp, ông là viên chức hiện đang giảng dạy tại một trường THCS công lập, do đó, ông có thể tham gia hoạt động thỉnh giảng khi có lời mời từ các cơ sở giáo dục nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Trường hợp hoạt động thỉnh giảng có sử dụng thời gian làm việc của ông tại trường THCS nơi ông đang công tác thì phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng nhà trường. Việc giao kết hợp đồng thỉnh giảng được thực hiện theo quy định Khoản 1 Điều 7 Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0913559944

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe.

TS.LS Vũ Thái Hà