Quyết định quy định cụ thể định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó, về định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính, áp dụng định mức phân bổ 55 triệu đồng/biên chế đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với Bộ Tư pháp (không bao gồm cơ quan thi hành án dân sự), các Bộ, cơ quan Trung ương (trừ các cơ quan nêu trên và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở Trung ương), số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống. Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế.
Cụ thể, từ 100 biên chế trở xuống, tính 54 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 101 - 500, tính 50 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 501 - 1000, tính 48 triệu đồng/biên chế; từ biên chế 1.001 trở lên, tính 45 triệu đồng/biên chế.
Chính phủ tiếp tục siết chặt chi tiêu ngân sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy công chức, viên chức nhà nước. ảnh minh họa: TTXVN. |
Chi quản lý hành chính cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở Trung ương
Đối với dự toán chi đảm bảo hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ được tính trên cơ sở định mức, chế độ, tiêu chuẩn và các nhiệm vụ chi đặc thù của các cơ quan này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các đơn vị thực hiện khoán chi hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền (Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế, Hải quan...) được vận dụng định mức phân bổ chi quản lý hành chính để xây dựng mức chi cho cơ quan, đơn vị mình.
Các hội đặc thù, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định hiện hành.Trên cơ sở biên chế hành chính được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi thường xuyên theo định mức phân bổ, khuyến khích các bộ, cơ quan trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và tăng chi cho các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
Phân bổ thêm cho các địa phương khó khăn
Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm chi sự nghiệp giáo dục; đào tạo và dạy nghề; y tế; quản lý hành chính; văn hóa - thông tin; phát thanh truyền hình; thể dục thể thao; đảm bảo xã hội; quốc phòng; an ninh, khoa học và công nghệ; kinh tế; bảo vệ môi trường.
Trong đó, đối với chi sự nghiệp giáo dục, định mức phân bổ theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1-18 tuổi như sau: định mức phân bổ vùng đô thị là 2.148.100 đồng/người dân/năm; vùng đồng bằng là 2.527.200 đồng/người dân/năm; miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 3.538.100 đồng/người dân/năm; vùng cao - hải đảo là 5.054.400 đồng/người dân/năm.
Định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế theo tiêu chí dân số cũng được xác định theo từng vùng. Cụ thể, vùng đô thị là 182.700 đồng/người dân/năm; vùng đồng bằng là 246.99 đồng/người dân/năm; miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 333.300 đồng/người dân/năm và vùng cao - hải đảo là 469.100 đồng/người dân/năm.
Quyết định nêu rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khó khăn hoặc có dân số thấp, được phân bổ thêm theo tỷ lệ % số chi tính theo định mức dân số như sau:
Các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ thêm 9%; các địa phương có dân số dưới 400 nghìn dân được phân bổ thêm 16%; các địa phương có dân số từ 400 nghìn dân đến dưới 600 nghìn dân được phân bổ thêm 14%; các địa phương có dân số từ 600-900 nghìn dân được phân bổ thêm 12%.
Trường hợp địa phương đáp ứng từ hai tiêu chí trở lên, chỉ được phân bổ theo tiêu chí hỗ trợ cao nhất.
Các tỉnh, thành phố có dân số bình quân/huyện dưới 85 nghìn dân được phân bổ thêm 5% số chi tính theo định mức dân số.