3 máy bay chiến đấu F-18 Hornet của Quân đội Mỹ |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 2 tháng 6 dẫn trang mạng "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 1 tháng 6 đưa tin, chi tiêu quân sự của toàn bộ châu Á tăng vọt trong 10 năm qua, hiện đã trở thành khu vực có chi tiêu quân sự cao thứ hai toàn cầu.
Nhưng, các công ty Mỹ - những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất toàn cầu lại không thể tận dụng đầy đủ cơ hội tăng mạnh chi tiêu quân sự của châu Á, thậm chí thu nhập trong nước của Mỹ cũng gặp khó khăn
Theo bài báo, nhu cầu trang bị quốc phòng của khu vực châu Á tăng trưởng, đồng thời những lời kêu gọi Mỹ gia tăng can thiệp quân sự cũng tăng mạnh.
Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2014 là 1.719 tỷ USD, trong đó chi tiêu quân sự của châu Á và châu Đại Dương là 423 tỷ USD (chiếm 25%), chỉ sau 596 tỷ USD của Bắc Mỹ. Con số trên được tính toán theo giá trị đồng USD năm 2011.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ |
Theo bài báo, tổng chi tiêu quân sự của châu Á cao hơn 30 tỷ USD so với châu Âu, đồng thời trong 10 năm qua đã tăng 60%. Trong thời gian này, vũ khí xuất khẩu của các công ty Mỹ có 48% được tiêu thụ ở châu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ này cao hơn 39% của năm 2009.
Nhưng, sự thực chứng minh, các công ty quốc phòng Mỹ muốn giành được lợi ích trong làn sóng này không hề dễ dàng. Họ hiện đã rất khó thống trị thị trường mới nổi quan trọng của châu Á như trước đây.
Đối với các khách hàng, hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất quá đắt đỏ, hơn nữa thiết kế quá phức tạp. Ngoài ra, các doanh nghiệp mới thành lập của châu Âu và các đối thủ cạnh tranh cũ đều có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc phòng của châu Á, tiến tới làm cho các công ty quốc phòng của Mỹ đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn.
Một số nhà chế tạo châu Á là các công ty xuất khẩu lớn, chẳng hạn Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. Nhưng, so với các doanh nghiệp cỡ lớn như Công ty Boeing, châu Á có rất nhiều công ty nhỏ.
Máy bay chiến đấu F-35 Mỹ |
Công ty chế tạo máy bay quốc doanh của Indonesia là PT Dirgantara cho biết, công ty này đã bán một loại máy bay tuần tra trên biển cho 8 quốc gia. Quản lý cấp cao công ty cho hay, loại máy bay này có giá cả thấp nhất trên thị trường, Hàn Quốc đã mua 4 chiếc với giá 92 triệu USD.
Công ty TNHH công trình khoa học kỹ thuật Singapore (Singapore Technologies Engineering) gần đây đã bán 1 tàu chiến đổ bộ cho Thái Lan trong một giao dịch trị giá 135 triệu USD.
Trong khi đó, máy bay tuần tra P-8A Poseidon của hãng Boeing Mỹ có đơn giá khoảng 220 triệu USD. Công ty này bán 8 máy bay loại này cho Ấn Độ với giá 2,1 tỷ USD.
Các công ty quốc phòng Mỹ chiếm thị phần khổng lồ trên thị trường quân bị toàn cầu. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2010 - 2014, các nhà cung ứng Mỹ đã chiếm 31% thị phần toàn cầu.
Công nghệ then chốt của các hệ thống quốc phòng phức tạp mà các đối thủ cạnh tranh của họ đem bán cũng thường do các nhà chế tạo Mỹ cung cấp.
Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo |