Tối 6/7, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin kèm hình ảnh cho rằng, xe biển xanh vào tận chân thang máy bay để đón ông Lương Minh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cùng người thân.
Trước đó, dư luận cũng từng chứng kiến việc người nhà của một số quan chức đã vào tận sân bay để đón người nhà. Thậm chí, một số cán bộ đã bị kỷ luật về hành động "tự ý" dùng biển xanh đưa đón người nhà của quan chức.
Ngày 7/7, theo thông tin từ Thông Tấn xã, tin từ văn phòng tỉnh ủy Phú Yên cho biết, ngày 14/6/2020 ông Lương Minh Sơn đi chuyến bay VN1660 từ thành phố Hồ Chí Minh về sân bay Tuy Hòa lúc 12 giờ 10 phút cùng ngày.
Việc ông Lương Minh Sơn đi khám sức khỏe là theo kế hoạch và đúng theo quy định, không đi vì mục đích cá nhân.
Về thông tin xe công vào khu vực hạn chế của sân bay Tuy Hòa để đón ông Lương Minh Sơn và một người con của ông, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên cho biết:
"Theo Thông tư số 13/2019/TT BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, tại điều 14 có quy định phương tiện được cấp giấy phép về kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay để phục vụ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Theo quy định trên thì xe ô tô TOYOTA LANDCRUISER biển kiểm soát 78A 011-14 đón ông Lương Minh Sơn ngày 14/6/2020 đã được Cảng vụ hàng không miền Trung cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không, được ra vào khu vực hạn chế sân bay Tuy Hòa. Như vậy, đồng chí Lương Minh Sơn được xe công vụ 78A 011-14 đón theo đúng chế độ quy định". (1)
Tuy nhiên, với việc chiếc xe biển xanh có chở cả người thân của ông Sơn vẫn đang gây ra sự chú ý của dư luận. Ông Vũ Hoàng Hà - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng trường hợp như ông Lương Minh Sơn - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên - có ôtô vào đón ở sát cầu thang máy bay, cho dù đúng quy định hay không thì cũng phản cảm" (2)
Hình ảnh xe biển xanh vào sát cầu thang máy bay. Ảnh: Kienthuc.net |
Bên cạnh đó, hiện nay, Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, những năm gần đây, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên được Đảng đặt ra với những quy định rất cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt.
Hội nghị Trung ương tám (khóa XII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện được trách nhiệm nêu gương đòi hỏi ở sự gương mẫu, liêm khiết, trung thực rất cao của người đứng đầu, của cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để làm gương và sức lan tỏa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở:
“Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và Nhân dân”(3).
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú – Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, hiện nay, dư luận nhân dân nhìn vào cán bộ, đảng viên không phải bằng công việc họ làm mà nhìn vào phẩm chất, phong cách, lối sống của cán bộ.
Nếu đạo đức của cán bộ, đảng viên tốt thì sức lan tỏa rất lớn, nhưng nếu sự suy thoái đạo đức trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên diễn ra phổ biến thì tác động lại xã hội rất ghê gớm.
Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. (4)
Trong thư “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Bác Hồ cũng đã chỉ ra 6 lầm lỗi chính cần phải tránh; trong đó, lỗi thứ ba là dùng của dân, của công để tiêu xài riêng: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...” (5).
Chuyện ở Phú Yên cho thấy dư luận và nhân dân luôn theo sát và kỳ vọng rất nhiều vào sự rèn luyện tu dưỡng của các cán bộ Đảng viên.
Đặc biệt, trước đây dư luận cũng từng quan tâm tới sự việc xe biển xanh vào gần máy bay đón người nhà của ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương. Do vậy, việc người dân quan tâm, theo sát những vấn đề như vậy cũng là điều dễ hiểu.
Sự việc xảy ra lần ấy đã có một số cán bộ của Bộ Công thương bị kỷ luật.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ Đảng viên, công bộc của nhân dân phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện và phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc rèn luyện đạo đức cách mạng là yêu cầu nội tại, thường xuyên, liên tục và không có gì là khó cả.
Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư.
Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những đức tính tốt như sau ngày càng thêm”[6].
Tài liệu tham khảo:
(1) https://baotintuc.vn/phan-hoi-phan-bien/xe-cong-vu-don-pho-bi-thu-tinh-uy-phu-yen-trong-san-bay-la-dung-che-do-quy-dinh-20200707094208577.htm
(2) https://tuoitre.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-tinh-uy-phu-yen-noi-xe-vao-sat-may-bay-don-la-dung-theo-quy-dinh-20200707084831413.htm
(3) http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201902/trach-nhiem-neu-guong-quyet-tam-cua-dang-trong-xay-dung-doi-ngu-can-bo-dang-vien-305058/
(4) https://vov.vn/nhan-su/chu-tich-ho-chi-minh-va-canh-bao-ve-nhung-ong-quan-cach-mang-665775.vov
(5) http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/chong-tham-o-tham-nhung-lang-phi-quan-lieu-quan-trong-va-can-kip-nhu-danh-giac-114795)
(6) http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ren-luyen-dao-duc-cach-mang-cho-doi-ngu-can-bo-dang-vien-theo-di-chuc-118954