LTS: Tiếp tục loạt bài viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Đặng Việt Thuỷ tổng hợp những diễn biến chính trong Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, đòn nghi binh chiến lược trong cuộc Tổng tiến công này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuối năm 1967, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ra nghị quyết quyết định đưa cuộc cách mạng nước ta lên bước phát triển mới - thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở các tỉnh thành miền Nam để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương và theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm mục đích thu hút lực lượng chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra đường 9 để giam chân chúng lại, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta ở các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế và Trị Thiên;
Đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ, phá vỡ một phần tuyến phòng ngự đường số 9 của chúng.
Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (Ảnh: Baobinhphuoc.com.vn) |
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta triển khai từ sớm một kế hoạch nghi binh chiến lược gồm nhiều hoạt động, trong đó trọng điểm là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Nghi binh là hoạt động tác chiến kết hợp với các hoạt động khác là nhằm đánh lừa đối phương, khiến chúng đánh giá sai về lực lượng, vị trí bố trí, khả năng tác chiến, phương pháp tác chiến, ý định và kế hoạch tác chiến, thu hút lực lượng chúng sang hướng khác, tạo bất ngờ trong tác chiến.
Trong tất cả các hoạt động quân sự cuối năm 1967, đầu năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là hoạt động nghi binh lớn nhất, trọng điểm của đòn nghi binh chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân 1968.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm lực lượng của Mặt trận B5 đang hoạt động tại chỗ ở khu vực đường 9 và lực lượng của Bộ mới được điều vào.
Tổng số có 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325); 1 trung đoàn (270) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị; 1 đoàn và 5 đại đội đặc công;
5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675); 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282 và 241);
1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội); 1 tiểu đoàn thông tin; 1 tiểu đoàn trinh sát; 1 tiểu đoàn hóa học; 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh; 1 đại đội súng phun lửa;
6 tiểu đoàn vận tải và các đại đội địa phương của các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.
Triển lãm ảnh, tư liệu kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân 1968 |
Giữa chiến dịch, Bộ điều Sư đoàn 325 và phần lớn Sư đoàn 324 đi chiến trường khác, đưa Sư đoàn 308 và trung đoàn độc lập 246 vào tham gia chiến dịch.
Bộ tư lệnh chiến dịch: Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị làm Chính ủy.
Chiến dịch diễn ra ở khu vực Đường 9 - Khe Sanh, chủ yếu trên địa bàn 3 huyện Hướng Hóa, Cam Lộ và Gio Linh (Quảng Trị).
Lực lượng địch trên tuyến đường 9 có 45.000 tên, trong đó có 28.000 tên Mỹ, gồm 3 trung đoàn thủy quân lục chiến tăng cường (có 10 tiểu đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 3 thủy quân lục chiến), 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới.
Địch bố trí thành 3 khu vực: tuyến trước ở phía đông, từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến Miếu Bái Sơn... là khu vực phòng thủ chủ yếu của địch.
Tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử và thị xã Quảng Trị hình thành tuyến phòng ngự có chiều sâu. Tuyến giữa gồm các cứ điểm: Tân Lâm, Cà Lu, 241 nhằm ngăn chặn ta từ hướng Ba Lòng (phía tây thị xã Quảng Trị).
Khu phía tây gồm các cứ điểm: Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San...
Cụm cứ điểm Tà Cơn bố trí dọc theo thung lũng có diện tích chừng 2 ki lô mét vuông bao gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845...
Lực lượng địch trong cụm này có trung đoàn 26 thủy quân lục chiến Mỹ, tiểu đoàn 37 biệt động quân ngụy, 24 khẩu pháo, 2 trung đội xe tăng.
Trong quá trình phòng ngự được không quân và các cụm pháo binh đằng sau trực tiếp chi viện hỏa lực.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 20 tháng 1 năm 1968. Ở hướng tây, được pháo binh chi viện, tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 nổ súng tiến công vào quận lỵ Hướng Hóa.
Trận đánh mở màn chiến dịch diễn ra thuận lợi, ta diệt phần lớn quân địch, làm chủ chiến trường.
Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là biểu tượng sáng ngời |
Cùng đêm, tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 của sư đoàn 325 tiến công điểm cao 832 nhưng không thành công.
Quân Mỹ ở Tà Cơn không ra ứng cứu mà chỉ đưa một đại đội bảo an ngụy từ Quảng Trị ra đổ xuống ngã ba Ku Bốc.
Sau khi ta diệt gọn lực lượng ra Ku Bốc, địch bắt đầu tăng cường cho Tà Cơn 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 26 thủy quân lục chiến, tiểu đoàn 1 trung đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ và tiểu đoàn 37 biệt động quân ngụy nhằm cố thủ Tà Cơn.
Đến ngày 22 tháng 1, ta chốt giữ quận lỵ Hướng Hóa, điểm cao 471 và ngã ba Ku Bốc, giải phóng 8.000 dân và tạo bàn đạp vây hãm Tà Cơn ở phía nam, sẵn sàng đánh địch phản kích tăng viện.
Đêm 23, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San ở sát biên giới Việt Lào do một tiểu đoàn địch chiếm giữ, để tăng sức ép ở hướng tây, mở đường vào Làng Vây và buộc địch phải tăng viện.
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 304 được tăng cường một đại đội xe tăng lội nước (8 xe PT-76) được lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San (Tà Mây).
Song, do ta bao vây không chặt nên địch chạy thoát về Làng Vây cũ gần 400 tên. Ta làm chủ cụm cứ điểm Huội San và cô lập Làng Vây.
23 giờ 30 phút ngày 6 tháng 2 năm 1968, Trung đoàn 24 đột phá vào cứ điểm Làng Vây từ 3 hướng. Đến 8 giờ sáng ngày 7 tháng 2, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm.
Kết quả ta diệt 400 tên (có 5 tên Mỹ), bắt sống 253 tên, thu toàn bộ vũ khí và trang bị. Đây là trận đánh lớn và hiệp đồng binh chủng, đặc biệt là sự xuất hiện bí mật bất ngờ của Binh chủng Tăng Thiết giáp đầu tiên, trận đánh có ý nghĩa then chốt của chiến dịch.
Cứ điểm Làng Vây bị diệt, ta đã giải phóng phần lớn huyện Hướng Hóa, làm chủ đoạn đường số 9 từ biên giới Lào - Việt đến Cà Lu, mở rộng địa bàn vây hãm Tà Cơn và sẵn sàng đánh quân địch phản kích tăng viện.
Ở hướng đông, đêm 19 tháng 1 năm 1968, trung đoàn 270 vào chốt ở Lâm Xuân, Bạch Cỗ và Hoàng Hà, phối hợp với đặc công Hải quân phong tỏa đường sông Cửa Việt đi Đông Hà, buộc địch phải ra giải tỏa.
Trong 3 ngày (từ 20 đến 22 tháng 1), tiểu đoàn 47 Trung đoàn 270 đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, diệt 347 tên (có 110 tên Mỹ), phá hủy 7 xe tăng, xe thiết giáp, bắn hỏng 3 tàu trên sông, giữ vững chốt Bạch Cầu.
Ngày 24 tháng 1, địch đưa tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 thủy quân lục chiến lên Cửa Việt để giải tỏa chốt Hoàng Hà. Ta đưa Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 vào thay tiểu đoàn 47.
Trong quá trình thay quân, 2 đơn vị này phối hợp diệt thêm 200 tên. Đến cuối tháng 1 năm 1968, địch chiếm lại chốt Bạch Cầu và Lâm Xuân.
Đêm 31 tháng 1 năm 1968, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 tiến công quận lỵ Cam Lộ không thành công.
Sau 11 ngày đêm chiến đấu, ta chủ động kết thúc đợt 1. Trên cả hai hướng chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên (có 200 tên Mỹ), bắn rới 19 máy bay, phá hủy nhiều phương tiện và vũ khí địch, giải phóng huyện Hướng Hóa với trên 8.000 dân.
Đêm 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), ta tiến công và nổi dậy khắp miền Nam.
Ở Thừa Thiên ta làm chủ thành nội Huế, buộc địch phải lo đối phó nên khả năng địch tăng viện ra Khe sanh càng hạn chế.
Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đưa lực lượng vào vây hãm Tà Cơn để vừa ép địch ra ứng cứu giải tỏa, vừa giam chân quân địch tại đây, không cho chúng về ứng cứu cho các đô thị, những sào huyệt của chúng đang bị quân và dân ta đồng loạt tiến công.
Từ ngày 10 tháng 2 ta bắt đầu bước vào đợt 2.
Do bị uy hiếp mạnh ở Thừa Thiên - Huế và đường 9 - Khe Sanh, đầu tháng 2 năm 1968, quân Mỹ thành lập Bộ tư lệnh nhẹ ở đường 9 do A-bơ-ram, phó tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam trực tiếp phụ trách, điều sư đoàn 1 kỵ binh không vận và chiến đoàn 3 dù ngụy ra Quảng Trị để sẵn sàng ứng phó với ta ở đường số 9, đồng thời tăng quân chiếm các điểm cao 550, 595, 573 nhằm cố thủ Tà Cơn và tập trung hỏa lực phi pháo đánh phá các trận địa vây ép của ta.
Ngày 18 tháng 2, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định từ vây hãm phát triển lên vây lấn Tà Cơn, áp sát lực lượng, xây dựng công sự trận địa vững chắc, đấy mạnh tiến công, cắt tiếp tế đường không và đường bộ của địch, dùng hỏa lực bắn phá mạnh vào Tà Cơn, buộc địch phải ra ứng cứu giải tỏa.
Sau 50 ngày đêm vây lấn Tà Cơn, đợt 2 kết thúc. Ta tiêu hao tiêu diệt thêm được một bộ phận sinh lực địch (chủ yếu là Mỹ), thu hút phần lớn hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ vào khu vực Đường 9 - Khe Sanh (riêng vây lấn Tà Cơn, địch đã sử dụng 100.000 tấn bom và 100.000 quả đạn pháo 175mm đánh vào Khe Sanh).
Lực lượng Sư đoàn Kỵ binh số 1 trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 4/1968 |
Từ ngày 1 tháng 4 chiến dịch bước vào đợt 3. Từ 25 đến 30 tháng 4 năm 1968, địch kết thúc cuộc hành quân "Ngựa bay" của quân Mỹ và "Lam Sơn 207" của ngụy giải tỏa Khe sanh.
Ta đã đánh trên 50 trận, diệt 5.200 tên (có 3.870 tên Mỹ), trong đó có 10 đại đội Mỹ và 1 đại đội biệt kích ngụy bị diệt gọn, bắn rơi 82 máy bay.
Đợt 4 chiến dịch kéo dài từ ngày 8 tháng 5 đến 15 tháng 7 năm 1968. Sau tháng 5 năm 1968, toàn Miền mở cuộc tiến công và nổi dậy lần thứ hai.
Địch ở Khe Sanh tiếp tục bị uy hiếp bằng hỏa lực. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đánh mạnh để khôi phục thế vây lấn Tà Cơn và uy hiếp địch, buộc chúng phải ra giải tỏa lần hai hoặc rút chạy.
Từ ngày 8 đến ngày 19 tháng 5 năm 1968, ta tập kích diệt 3 đại đội Mỹ sát điểm cao 552, áp sát lực lượng xung quanh Tà Cơn, diệt 500 tên ở Làng Khoai, phục kích diệt gọn 1 đại đội và 3 xe tăng khi địch sục ra phía tây, buộc chúng phải co về phòng thủ, ta khôi phục lại thế vây lấn Tà Cơn.
Lúc này, Bộ điều thêm Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36) vào chiến đấu ở Khe Sanh để tăng sức ép với địch.
Từ 28 đến 31 tháng 5 năm 1968, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 hai lần tập kích vào cụm quân địch đóng ở Rô Mơ (Làng Cát), nhưng cả hai lần diệt địch không gọn.
Địch phát hiện lực lượng mới của ta vào và trước nguy cơ Khe Sanh bị vây chặt hơn nên chúng vội vã mở cuộc hành quân "Scốt-len 2", gồm 2 trung đoàn 4 và 9 thủy quân lục chiến, do Bộ chỉ huy sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ trực tiếp chỉ huy để giải tỏa Khe Sanh.
Từ ngay 1 đến 18 tháng 6 năm 1968, cuộc hành quân "Scốt-len 2" bị ta đón đánh ngay từ khi địch vừa đổ quân xuống Pa Trang, Húc Cốt Giang, Rô Mơ, Húc Trạng, Hô Le, Phu Nhoi và điểm cao 635.
Các đơn vị của Sư đoàn 308 đã đánh được một số trận tập kích tốt, tiêu diệt 1.380 tên, bắn rơi 11 máy bay, phá 7 khẩu pháo cối; đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 trung đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ.
Giữa tháng 6 năm 1968, Trung đoàn 246 (độc lập) vào thay cho Sư đoàn 304 rút ra củng cố, tiếp tục bao vây kiềm chế địch ở Tà Cơn.
Ngày 18 và 19 tháng 6 năm 1968, địch co về giữ đường số 9 và nam Tà Cơn, rút bớt lực lượng về đối phó ở Đông Hà và Cửa Việt đang bị ta uy hiếp; đồng thời kết thúc cuộc hành quân "Scốt-len 2".
Đến 20 tháng 6 năm 1968, địch ở Khe Sanh còn 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, chủ yếu bảo vệ vận chuyển đường bộ và đường không, tiếp tế cho Tà Cơn, đồng thời rút bớt một số cứ điểm ngoại vi về Tà Cơn và rút dần một số trang bị nặng.
Thấy triệu chứng địch rút, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị kiên quyết bám sát địch rút chạy.
Ngày 26 tháng 6 năm 1968, địch tuyên bố rút Khe Sanh, nhưng bị chặn đánh nên đến ngày 7 tháng 7 năm 1968, địch mới rút hết lực lượng ở căn cứ Tà Cơn.
Sáng ngày 8 tháng 7 năm 1968, ta đã vào làm chủ Tà Cơn. Ngày 15 tháng 7 địch rút hết quân về tập trung ở Tân Lâm - Cà Lu, ta hoàn toàn làm chủ Khe Sanh (trừ cứ điểm Động Tri trên điểm cao 1.010m).
Đợt 4 kết thúc thắng lợi. Ta diệt 5.100 tên (trong đó có 1.300 tên Mỹ), bắn rơi 96 máy bay, phá 31 khẩu pháo, 46 xe các loại.
Trên hướng có liên quan (hướng đông), để phối hợp với toàn Miền, Sư đoàn 320 và Trung đoàn 27 vào triển khai đánh cắt giao thông đường sông Cửa Việt, đường bộ từ Đông Hà đi Quán Ngang, khu vực Miếu Bái Sơn (tây đường 1) và đường số 9.
Địch đã phải đưa 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến về giải tỏa đường số 1.
Ta đã đánh nhiều trận, có quy mô cấp trung đoàn thiếu, đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 2 trung đoàn 4 thủy quân lục chiến, góp phần cùng với cuộc tiến công đợt 2 của toàn Miền, buộc địch phải bị động đối phó và rút khỏi Khe Sanh.
Kết quả toàn chiến dịch: Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên địch (chủ yếu là Mỹ), bắn rơi và bắn cháy 197 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 80 tàu vận tải lớn, phá hủy 78 xe các loại (có 8 xe tăng), phá hỏng 46 khẩu pháo, cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã giành được thắng lợi to lớn.
Sau 177 ngày đêm tiến công vây hãm và đánh địch giải tỏa, ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực quan trọng và phương tiện chiến tranh của Mỹ, buộc quân Mỹ phải rút bỏ một căn cứ quan trọng, phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ phía tây đường 9 của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa, mở thông được một cửa ngõ quan trọng trên tuyến vận chuyển Bắc - Nam, tạo ra một chỗ đứng chân chiến lược lợi hại cho chủ lực ta, cho những chiến dịch lớn sau này.
Mục tiêu đặc biệt quan trọng nhất mà ta đã đạt được là đã thực hiện được việc kéo một bộ phận quan trọng quân Mỹ ra đường 9 và giam chân chúng tại đó - Căn cứ lớn Khe Sanh và Tà Cơn - đã thu hút được sự chú ý của địch ra vùng giới tuyến, trực tiếp góp phần tạo yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở các chiến trường trên toàn miền Nam, trước hết là Thừa Thiên - Huế và Sài Gòn thực hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trong hội nghị tổng kết các chiến dịch trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (tháng 3 năm 1986), Đại tướng Hoàng Văn Thái đã nói:
"Chủ trương mở Mặt trận đường số 9 của Đảng ta rất đúng đắn, sáng suốt, là một trong những nét xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong chiến tranh cách mạng miền Nam nói chung, trong tiến công và nổi dậy Xuân 1968 nói riêng".
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2001.
- Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.