Ngày 26/2, ông Nguyễn Xuân Chài - Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Petrolimex đã đưa ra 3 lý do về con số lỗ hơn 1.145 tỉ đồng. Đại diện tập đoàn khẳng định con số lỗ trên do tác động đồng thời của 3 nguyên nhân khách quan.
Thứ nhất, Quý IV/2014 giá xăng dầu thế giới giảm liên tục với biên độ lớn. Sự biến động này nằm ngoài các dự báo của Chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế.
Thứ hai, công thức tính giá cơ sở để xác định giá bán tại Việt Nam chỉ được tính bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho bắt buộc 30 ngày.
Thứ ba, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và việc trích lập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh liên kết theo các quy định hiện hành.
"1.145 tỷ đồng là số lỗ của riêng Quý IV/2014. Do vậy, khi hợp nhất số liệu cả năm 2014 vì thế mà hiệu quả sản xuất - kinh doanh của năm 2014 cũng bị giảm đi tương ứng" - ông Nguyễn Xuân Chài cho biết.
Trước giải thích này, ngày 2/3 Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP với nguyên tắc cơ bản là: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới.
Việc xây dựng giá cơ sở quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ. Mức giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày có thể trùng, cao hơn hoặc thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá (15 ngày) đã được xin ý kiến rộng rãi và được các đơn vị thống nhất, bảo đảm sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Trong Quý IV/2014, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, Liên Bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng hài hòa các công cụ thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước, trong đó có cân nhắc đối tượng sử dụng từng chủng loại xăng, dầu. Để góp phần hạn chế việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới và bảo đảm thu ngân sách nhà nước, Liên Bộ đã điều hành kết hợp giảm giá bán xăng dầu trong nước, trích Quỹ BOG và tăng thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu phù hợp.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng vào cuối tháng 1/2015, Liên Bộ đã tính toán cho phép thương nhân đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Người phát ngôn của Chính phủ cũng khẳng định, kết quả kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối được đánh giá trên cơ sở xem xét tác động tổng thể của các yếu tố, nhất là biến động giá xăng dầu thế giới và phương án, chiến lược tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ Quý IV/2014 đến nay, do giá dầu thô thế giới giảm mạnh (xuống mốc thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), việc sử dụng cách tính giá cơ sở theo Nghị định 83 dẫn đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân đầu mối khó chủ động trong phương án kinh doanh, nhập hàng... Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cần phải tính toán, đánh giá không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn và gắn với diễn biến tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian tới, Liên Bộ tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về thuế, Quỹ BOG, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu; trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bất cập trong cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải?
Trước ý kiến cho rằng, đang có bất cập trong cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải; cơ quan điều hành phải là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chứ không phải Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, theo quy định của Luật Giá, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, các luật chuyên ngành được soạn thảo theo hướng giao các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình.
"Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung; các Bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định (như Bộ Y tế quản lý giá thuốc, Bộ Giao thông vận tải quản lý giá cước vận tải, Bộ Công Thương quản lý giá điện, xăng dầu…)" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Ngoài ra, người phát ngôn của Chính phủ cũng cho hay, với mặt hàng xăng dầu hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động của Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu. Như vậy, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá xăng dầu trong nước; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu.