Trước đó, trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/6 có đăng bài Nhà nước "bỏ quên" cổ tức ngàn tỉ phản ánh ước tính mỗi năm có hàng chục nghìn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước nằm lại ở các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước.
Chỉ tính riêng năm 2012 , lợi nhuận của PVN tại Tổng công ty Khí (PV Gas) đạt gần 9.807 tỉ đồng (Ảnh Thuận Thắng, Báo Tuổi Trẻ online) |
Bài báo cũng nêu một số ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp Nhà nước không phải nộp cổ tức là một thực tế đáng suy nghĩ. Đã đến lúc phải thu toàn bộ số tiền trên vào ngân sách để đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng, đường sá, trường học, bệnh viện.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nội dung bài báo nêu. Trường hợp nội dung bài báo nêu trên không chính xác, Bộ Thông tin Truyền thông xử lí theo quy định rồi báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6.
Theo bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 11/6, ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước nằm lại ở các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thu toàn bộ số tiền trên vào ngân sách để đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng đường xá, trường học, bệnh viện...
Theo các chuyên gia, nếu thu về, mỗi năm ngân sách có thêm khoảng 42.000 tỉ đồng!
Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, ông Ninh Văn Quỳnh - Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - cho biết trong năm 2012, tổng cổ tức PVN thu được lên tới 22.500 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD!
"Tiền đầu tư cho DNNN lấy từ ngân sách thì lãi của nó về nguyên tắc cần nộp ngân sách. Việc đầu tư tiếp cho DNNN thế nào đó là việc tiếp theo của Chính phủ và phải thể hiện qua ngân sách để tăng công khai minh bạch" - Ông Nguyễn Đình Cung (phó viện trưởng CIEM)
Còn tại Ngân hàng Vietinbank, báo cáo thường niên năm 2012 cho thấy tổng tài sản đã lên đến 503.505 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 6.169 tỉ đồng. Trả lời Tuổi Trẻ gần đây, ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết nhờ kinh doanh của ngân hàng và cổ tức nhà nước để lại 24 năm qua nên đến nay tổng vốn của Vietinbank đã lên đến trên 26.000 tỉ đồng!
Trong khi đó theo các chuyên gia kinh tế, nếu thu cổ tức về, số tiền Nhà nước thu được một năm là không nhỏ. Chỉ tính riêng trường hợp của Tổng công ty cổ phần Khí VN (PV Gas, công ty con của PVN), năm 2012 lợi nhuận sau thuế lên đến 10.100 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tức PVN, trong năm 2012 đạt 9.807 tỉ đồng. Nhờ lợi nhuận lớn, PV Gas đã trích các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính... với những số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Theo bản cáo bạch khi niêm yết cổ phiếu của PV Gas, lương trung bình của nhân viên công ty này lên đến 27,9 triệu đồng/tháng.
Tại Tập đoàn Cao su VN (VRG), năm 2011 do giá cao su tăng cao kỷ lục, tổng doanh thu của VRG đạt 33.490 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 11.692 tỉ đồng. Năm 2012, dù giá cao su giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của VRG vẫn đạt 8.500 tỉ đồng, nộp ngân sách 2.800 tỉ đồng. Ông Trương Minh Trung, chánh văn phòng VRG, cho biết sau khi nộp ngân sách (gồm thuế, phí và các khoản khác), phần lợi nhuận còn lại VRG được giữ lại để tái đầu tư.
Năm 2012, dù giá cao su giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Cao su VN vẫn đạt trên 8.500 tỉ đồng. Trong ảnh: sơ chế mủ cao su tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai - Ảnh: TIẾN THÀNH (Tuổi Trẻ online) |
Trong khi đó, trao đổi trên VOV, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) - cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải nộp cổ tức là một thực tế đáng suy nghĩ và số tiền Nhà nước để lại chắc chắn không nhỏ. Ở các tập đoàn lớn như Viettel, Bưu chính viễn thông, Dầu khí, Than - khoáng sản VN (TKV)... nếu Nhà nước thu cổ tức như những nhà đầu tư bình thường khác thì theo tính toán của Vafi, “mỗi năm Nhà nước sẽ có thêm ít nhất... 2 tỉ USD. Riêng PVN mỗi năm Nhà nước đã có thể thu được cỡ 1 tỉ USD” - ông Hải nói. Theo ông Hải, không chỉ PV Gas, ngay Đạm Phú Mỹ của PVN cũng có lãi rất lớn, vài ngàn tỉ đồng/năm. Năm 2012, ông Hải tính “Nhà nước nếu muốn cũng có thể thu cổ tức cỡ 2.000 tỉ đồng”.
Theo ông Bùi Văn Dũng - trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tổng vốn nhà nước đã đầu tư vào các DNNN, theo công bố chính thức, khoảng 700.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp làm ăn khó khăn cũng có thể cho lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cỡ 5-7%. Chỉ cần thu 5-7% cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu trên, theo ông Dũng, đã có thể đạt khoảng 42.000 tỉ đồng mỗi năm.