Ngày 20/02, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết “Bình luận đáng chú ý của quan chức, học giả Philippines về cục diện Biển Đông” của tác giả Hồng Thủy.
Bài viết đưa ra những thông tin được trích dẫn từ các nguồn tin đáng tin cậy có liên quan đến phát biểu của các quan chức Philippines về tình hình Biển Đông.
Dư luận rất quan tâm đến những thông tin này, nhất là những phát biểu của các quan chức cấp cao; trong đó người ta quan tâm đến phát biểu “gây sốc”, đầy mâu thuẫn của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Để chia sẻ cùng quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi xin được tổng hợp một số ý chính của những phát biểu mà chúng tôi cho là rất đáng được quan tâm nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là trong bối cảnh có những diễn biến khá phức tạp hiện nay trong Biển Đông.
1. Biển Đông đang đứng trước nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
South China Morning Post ngày 19/2 dẫn lời Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta Romana, cảnh báo rằng:
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Chito Sta Romana, ảnh: Rappler. |
“Nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột vũ trang ở Biển Đông đang tăng lên khi Trung Quốc bắt đầu thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trên vùng biển này”…
Ông Chito Sta Romana đánh giá rằng “cán cân quyền lực trong khu vực đang chuyển hướng khi hai cường quốc toàn cầu tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông”.
Chúng tôi đồng tình với nhận định này. Đúng như nhận định của nhiều người, có thể nói đây chính là nguyên nhân chủ yếu có tác động đến tình hình Biển Đông.
Chẳng hạn, ngày 23/01/18, trong bài viết “Nếu Mỹ không coi trọng Biển Đông, vị thế ở Thái Bình Dương sẽ vào tay Trung Quốc”, tác giả Phạm Doãn Tình đã có nhận xét:
Sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ ngày càng lo lắng về một viễn cảnh không xa Bắc Kinh sẽ soán ngôi vị siêu cường số một thế giới của họ…
Vì vậy, các yêu sách cùng những hành động xâm lấn bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã đẩy các nước trong khu vực có cùng yêu sách / lợi ích luôn ở trong tình trạng bất đồng, thậm chí có lúc bị đẩy lên căng thẳng với Trung Quốc…”
Trước nguy cơ nói trên, chiến lược an ninh mới của Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc và Nga là 2 đối thủ địa chính trị có thể đe dọa vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hiện nay.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Ông Donald Trump đã chú trọng tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với các thách thức đang đặt ra bằng cách đề xuất tăng chi ngân sách quốc phòng trong năm 2017 lên 618,7 tỷ USD và Quốc hội Mỹ đã duyệt chi cho năm 2018 lên đến 700 tỷ USD.
Riêng ở Biển Đông, Tổng thống Donald Trump đã cho phép Lầu Năm Góc, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương được “tiền trảm hậu tấu”, tiến hành các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải mà không cần xin phép trước.
Do đó, trong năm 2017, Hải quân Mỹ đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc tuần tra vào các ngày 19/2, 24/5, 2/6, 6/7, 10/8 và 10/10, tăng gấp đôi số cuộc tuần tra so với toàn bộ nhiệm kỳ cuối của cựu Tổng thống Barack Obama.
Bước sang năm 2018, Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc tuần tra vào ngày 20/1, khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines năm 2012.
Sau khi ban hành chiến lược an ninh mới của Mỹ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến công du 2 nước Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng cũng là để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc thay thế Mỹ.
Tất nhiên, Mỹ sẽ vẫn trung lập trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, thách thức bất kỳ yêu sách hàng hải nào quá đáng và không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Hình minh họa, nguồn: uscnpm.org. |
Mặc dù, vẫn còn những quan điểm khác nhau trong cách tiếp cận, phân tích, mổ xẻ thông tin dựa trên nhiều sự kiện có liên quan đến tình hình Biển Đông, nhưng về cơ bản dư luận đều có chung một nhận định, rằng:
Tình hình Biển Đông trong năm 2018 sẽ phụ thuộc vào tính chất và mức độ của cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa các siêu cường, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương, tập trung chủ yếu là ở khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Và những diễn biến được tóm tắt nói trên đã chứng minh rằng dự đoán này là có căn cứ.
2. Trước những diễn biến phức tạp đó, các nước nhỏ xung quanh Biển Đông nên ứng xử ra sao?
Theo quan điểm của Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta Romana được tờ South China Morning Post ngày 19/2 dẫn lời, thì Philippines không nên vướng vào cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Ông Chito Sta Romana so sánh cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông như 2 con voi đang quần thảo trên bãi cỏ, và những gì Philippines cần làm là phải tránh để mình trở thành bãi cỏ cho 2 con voi húc nhau.
Nhưng vấn đề đặt ra là, để không phải trở thành “bãi cỏ” cho 2 con voi húc nhau, Philippines phải làm gì?
Phải chăng sau đây là quan điểm và phương cách mà các quan chức đương nhiệm Philippines sẽ thực hiện để không phải trở thành “bãi cỏ” cho voi giày xéo?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Mark R. Cristino/European Pressphoto Agency. |
Theo Reuters, Tổng thống Rodrigo Duterte muốn trấn an người dân Philippines về việc Trung Quốc đã ráo riết tiến hành “đảo hóa” các bãi cạn trong Biển Đông và xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đó;
Ông cho rằng những tiền đồn này Trung Quốc dựng lên “để chống Mỹ, chứ không phải để đối đầu với các nước láng giềng”;
Mặt khác, ông lại cáo buộc chính phủ tiền nhiệm "đã không làm gì cả" để xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia tại những điểm Philippines chiếm đóng (trái phép) ở quần đảo Trường Sa, ngay từ khi Bắc Kinh mới bắt đầu đảo hóa các cấu trúc địa lý ở đây…
Xuất phát từ thực tế đó, ông nói:
"Tôi sẽ không cam kết bằng sinh mạng của người dân Philippines để hi sinh một cách không cần thiết. Tôi sẽ không tham gia một cuộc chiến tranh mà tôi biết chắc mình không thể chiến thắng."
Vì vậy: "Nếu bạn (Trung Quốc) muốn, bạn có thể biến chúng tôi thành một tỉnh, như Phúc Kiến, tỉnh Philippines của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa." (The Straits Times dẫn nguồn từ Reuters).
Cũng như những lần trước đây, cho dù đây chỉ là một câu nói bông đùa, chúng tôi cho rằng đại đa số người dân Philippines, một lần nữa, sẽ không đồng tình, nếu không muốn nói là rất bất bình, với tuyên bố quá “thực dụng” này của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Mỹ "chấm" Indonesia - Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc lộ bài ứng phó |
Có lẽ, ở cương vị Tổng thống của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, hiếm khi lại có một câu “bông đùa” như vậy trước tình hình chính trị trong nước cũng như khu vực và quốc tế hiện nay đang rất nhạy cảm và phức tạp.
Chúng tôi tin rằng các chính khách và tổ chức có thẩm quyền của Philippines, một lần nữa, lại sẽ phải tìm cách “chữa cháy” cho câu “bông đùa” rất nhạy cảm này.
Làm sao cho Biển Đông được “yên ả, lặng sóng” là nguyên vọng chính đáng, là vấn đề được cả cộng đồng khu vực và quốc tế quan tâm, phấn đấu.
Nhưng không phải vì thế mà từ bỏ nguyên tắc tối thượng là phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cho dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
Tình hình Biển Đông đúng là phụ thuộc vào tính chất, mức độ của cuộc tranh chấp địa- chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng theo chúng tôi, nhân tố có ý nghĩa quyết định chính là sức mạnh đoàn kết dân tộc, là ý chí và là hành động kiên quyết, mạnh mẽ, khôn khéo của cả dân tộc, của cộng đồng khu vực và quốc tế, không để cho ai đó cố tình khuấy đục Biển Đông để trục lợi.
Hơn ai hết, người Việt Nam luôn luôn mong muốn và đang phấn đấu thực hiện bằng được chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước:
Nguyên tắc tối thượng, bất di bất dịch là phải bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của dân tộc, của đất nước bằng mọi giá.
Trong tình hình hiện nay, phương châm hành xử đúng đắn nhất là: vừa bảo vệ, gìn giữ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa góp phần gìn giữ môi trường Biển Đông được hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển.