Hiện nay có nhiều phụ huynh có con đang học lớp 5, lớp 6 và thậm chí là thấp hơn cũng đã cho con theo các lớp luyện IELTS với hy vọng sẽ có nền tảng để học tốt tiếng Anh sau này.
Nhiều tư vấn viên tại một số trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội đã khẳng định nội dung giáo trình này sẽ xây dựng nền tảng học thuật cho trẻ có thể giải quyết mọi vấn đề cho bài thi IELTS và sau này muốn học IELTS lúc nào cũng được, sẽ rất dễ lấy điểm IELTS từ 7.0 - 7.5 ngay lập tức.
Mọi người phải hiểu IELTS không phải đều được chấp nhận ở khắp mọi nơi, mọi người nêu hiểu rõ bản chất có chứng chỉ IELTS để làm gì? Các con học cấp I, cấp II học xong lấy IELTS để làm gì? Ảnh minh họa: T.D. |
Trước hiện tượng này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với cô Nguyễn Lan Hương - Giáo viên dạy Tiếng Anh Trường Trung học Vinschool về việc có nên cho học sinh cấp I, cấp II luyện IELTS, và tác dụng có như lời quảng cáo của nhiều trung tâm, cô Hương chia sẻ:
“Dưới góc độ của một giáo viên dạy tiếng Anh nhiều năm thì câu chuyện học và luyện IELTS không phải là dành cho các con bậc tiểu học, tôi không khuyến khích việc này, kể cả lứa tuổi trung học cơ sở.
Quan điểm của tôi thì IELTS là kiểm tra tư duy bởi các bài đọc của IELTS và thiên hướng từ không phải là những từ có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày, nó là những từ vựng tương đối nặng về mặt học thuật, mà những từ vựng đó khi giao tiếp nó sẽ rất khiên cưỡng nếu ta sử dụng những từ đó một cách lạm dụng.
Vậy nên đối với các em bậc tiểu học và trung học cơ sở nếu chưa biết cách sử dụng thì lại càng khó để vận dụng. Trong kỹ năng viết của IELTS thường liên quan đến bài 1 phân tích biểu đồ, có thể hiểu đơn giản giống như Địa lý của Việt Nam, nó sẽ có biểu đồ và mình sẽ phải phân tích, như vậy việc này sẽ rất khó khăn vì sự hiểu biết chưa đủ với các con bậc tiểu học, trung học cơ sở”.
Cô Hương cho biết: “Đối với bài viết số 2 của IELTS luôn đòi hỏi về tư duy phê phán rất nhiều, vậy tư duy phê phán ở đây các em đã đủ hay chưa? Tất nhiên người ta không chấm điểm về mặt nội dung quá nhiều bởi vẫn còn câu chuyện liên quan đến từ vựng, ngữ pháp, các cấu trúc liên kết bài.
Hiện nay có rất nhiều gia đình cho con theo học luyện IELTS với phong cách học theo kiểu bài viết có sẵn cấu trúc, các con sẽ lắp ghép nó vào với nhau, nhưng như vậy nó sẽ mất bản chất thật của IELTS.
Nhiều phụ huynh đang hiểu là cứ cho con học thuộc cấu trúc kia là được. Nhưng IELTS cũng chỉ là bước đệm ban đầu cho các bạn cấp 3 hoặc bậc đại học sau này còn phải viết kết luận rất nhiều, vậy khi học IELTS lại học mẫu cấu trúc thì rõ ràng sau này các bạn đó sẽ không phát triển và đó cũng là khó khăn cho chính các em.
Tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời dạy IELTS của phụ huynh có con đang học lớp 8, lớp 9 nhưng tôi đều từ chối, tôi cũng khuyên các con lớp 9 trở xuống nên học những khóa tiếng Anh khác như tiếng Anh giao tiếp, hoặc tiếng Anh tranh biện và đó là những khóa học tốt hơn cho lứa tuổi các con.
Nêu như cao cấp hơn một chút các con có thể học tiếng Anh hùng biện, hiện nay ở Việt Nam tiếng Anh tranh biện và hùng biện cũng đang khá phát triển và việc này phù hợp hơn với các con cấp II, còn bậc tiểu học tôi cũng khuyên các con hãy học tiếng Anh giao tiếp và hùng biện thật chắc để có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục và tự nhiên nhất.
Hiện nay theo khung chuẩn Châu Âu và các bạn lớp 5 nếu đạt loại giỏi thường dừng lại ở KET, nhưng hiện nay nhiều phụ huynh có thể nói là hơi tham vọng nên cho các con đẩy lên TEST và thậm chí là chuyển hướng cho con lên IELTS nhưng thực ra bản chất nó rất khác nhau, nên cá nhân tôi không cổ xúy cho việc này”.
Nhiều gia đình cho con theo luyện IELTS với phong cách học theo kiểu bài viết có sẵn cấu trúc, các con sẽ lắp ghép vào với nhau, như vậy sẽ mất bản chất thật. Ảnh minh họa: T.D. |
Quan niệm trên 5.5 IELTS là rất giỏi tiếng Anh?
Theo cô Hương: “Theo tôi đây không phải là cách nghĩ đúng về chứng chỉ IELTS, có khá nhiều em học sinh đã đạt 6.5 IELTS đến theo học tại lớp tôi dạy với mục đích sau này thi đạt 7.5, với những em như vậy bao giờ tôi cũng muốn kiểm tra lại trình độ bài viết.
Và đúng như tôi nhận định, các em đó thường áp dụng theo kiểu cấu trúc và bài nào cũng giống bài nào, như vậy là chưa đạt. Trong trường đại học các em còn phải viết nhiều bài Luận khác nhau, thậm chí học cả cách trích nguồn… bởi trích nguồn là rất quan trọng trong các bài luận.
Hơn nữa mọi người phải hiểu IELTS không phải đều được chấp nhận ở khắp mọi nơi, mọi người nêu hiểu rõ bản chất có chứng chỉ IELTS để làm gì? Các con học cấp I, cấp II học xong lấy IELTS để làm gì? Chứng chỉ IELTS có hiệu lực trong vòng 2 năm và không phải là thước đo tại các trường học theo kiểu bạn này có chứng chỉ IELTS cao lắm như vậy bạn ý rất giỏi Tiếng Anh?
Cá nhân tôi đang dạy ở trường và biết nhiều học sinh cấp II có chứng chỉ IELTS 7.0, bạn ý cũng rất giỏi về mặt ngôn ngữ và gia đình cho đi thi cũng chỉ là để thử “cọ xát” chứ không có mục đích gì khác. Nhưng sau những em đó tham gia vào các khóa tranh biện và có thổ lộ rằng lần đầu tiên con được tham gia một khóa như vậy và thấy gặp khá nhiều khó khăn, con hy vọng sau này sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.
Vậy theo tôi ở lứa tuổi đó các con nên học thêm về mặt kỹ năng nhiều hơn nữa, thay vì việc cứ “lao theo” phong trào cố đạt chứng chỉ IELTS trong khi chưa cần thiết. Một chúng chỉ Tiếng Anh không thể nói lên hết vấn đề về trình độ giỏi hay kém.
Cô Hương nhấn mạnh: “Quan điểm cá nhân tôi thì các bạn cấp I, cấp II chưa nên học hay luyện IELTS, nhiều sinh viên đại học chỉ ôn luyện 6 tháng đến 1 năm là đã giải quyết được câu chuyện thi IELTS rồi, nhiều em tự học và sau 6 tháng đã đẩy trình độ từ 5.0 lên đến 8.0 là chuyện bình thường vì các em đó rất chăm. Như vậy có thể kết luận câu chuyện ôn luyện IELTS cho học sinh cấp I và II có cần thiết hay không?
Ở cấp I, II thì các em cần được đầu tư hơn về mặt kỹ năng, tiếng Anh giao tiếp, hùng biện … và đi dần lên sẽ có ích hơn đối với tư duy các em lứa tuổi này. Hơn nữa với các lớp nhỏ hơn người ta không gọi là IELTS mà gọi là Pre IELTS (tiền IELTS), vậy nên các bậc phụ huynh hãy nhớ”.
Luyện IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ bị “ép” tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm. Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh. Ảnh minh họa: T.D. |
Tuổi nào thì học luyện IELTS?
Cùng quan điểm về vấn đề này, cô Đinh Thị Kim Thoa - Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết: “Ở lứa tuổi nhỏ như lớp 4, lớp 5 chưa nên luyện IELTS bởi lúc này các con đang được học những kiến thức, ngữ pháp cơ bản.
Việc luyện thi chứng chỉ IELTS chưa phù hợp với trẻ ở bậc tiểu học, bởi lẽ bài thi này không đơn giản chỉ kiểm tra khả năng nói hay phát âm tiếng Anh mà còn cần tới các khả năng phân tích, tư duy cùng lượng kiến thức liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội để thể hiện trình độ ngoại ngữ của mình. Như vậy vượt xa tầm hiểu biết của trẻ.
Luyện IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ bị “ép” tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm. Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh.
Trong bài thi nói hay viết, thí sinh thường sẽ gặp phải những câu hỏi về nhiều chủ đề khá rộng như luật pháp, môi trường, y tế... Và khi các con còn quá nhỏ sẽ không có đủ kiến thức, vốn sống để trả lời.
Với bài viết luận với rất nhiều dạng khác nhau như bài luận nêu quan điểm; nêu ra điểm mạnh và điểm yếu của một vấn đề; nêu ra nguyên nhân của một vấn đề và cách giải quyết…Với chủ đề thi như vậy thì làm sao các con cấp I, cấp II có đủ khả năng tư duy để trả lời? Có thể nói là gượng ép không phù hợp lứa tuổi các con.
Độ tuổi học IELTS hợp lý nhất vẫn là từ lớp 10, khi học sinh ở độ tuổi 15, 16, lúc này, các em đã có độ chín chắn nhất định và khả năng tư duy, nhận thức cũng đã có phần trưởng thành hơn. Tuy nhiên việc đạt điểm IELTS cao chưa chắc năng lực sử dụng tiếng Anh đã thực sự tốt”.
Hội đồng Anh (British Council) không khuyến khích trẻ dưới 16 tuổi tham gia thi IELTS.
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, một giám khảo bài thi nói (speaking) của British Council cho biết đề bài sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên.
Nghĩa là, họ không thể "linh hoạt" cho đề phù hợp với sở trường hay độ tuổi của thí sinh. Cho nên với những phần thi yêu cầu trao đổi sâu về những vấn đề văn hóa, nghệ thuật, xã hội... thí sinh gần như không thể hiện được gì vì "bí" ý tưởng. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tuoitre.vn/chien-luoc-luyen-ielts-cho-con-tu-tieu-hoc-3-thang-hon-50-trieu-dong-20210523223553018.htm