Câu lạc bộ năng khiếu Trường Ams, nơi ươm mầm tài năng

29/05/2021 06:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm hay của các câu lạc bộ này là học sinh tham gia theo năng khiếu, sở thích, gắn liền việc học với thực hành, các con tự tay thiết kế, chế tạo các mô hình...

“Hiện nay trường chúng tôi có mô hình đội tuyển các môn chuyên theo từng khối như Toán, Lý, Hóa…được phát triển theo truyền thống của nhà trường từ nhiều năm qua với mục đích bồi dưỡng năng khiếu ngay từ khi học sinh mới vào trường.

Các giáo viên dạy trên lớp, trong tổ chuyên môn là những người sát với các con nhất, thêm nữa chúng tôi còn mời các chuyên gia cộng tác để bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay thì bản thân học sinh phải rất nỗ lực và sự tâm huyết của các giáo viên lãnh đội tuyển.

Ngoài các đội tuyển môn chuyên, nhà trường có thêm các Câu lạc bộ năng khiếu sở thích. Đối với đội tuyển môn chuyên nhà trường tuyển chọn theo hình thức kiểm tra, còn với các Câu lạc bộ năng khiếu các con chỉ cần làm đơn như Câu lạc bộ Thiên văn, Câu lạc bộ Robot…

Những câu lạc bộ này tập hợp rất nhiều học sinh khối chuyên như Toán, Lý, Hóa và thậm chí là chuyên Anh”, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Trong năm học tới, ban giám hiệu nhà trường mong muốn phát triển các câu lạc bộ này mang tính chuyên nghiệp hơn, với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, tư vấn… để khi ra trường các con thực sự là những công dân học đi đôi với hành, ứng dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Trong năm học tới, ban giám hiệu nhà trường mong muốn phát triển các câu lạc bộ này mang tính chuyên nghiệp hơn, với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, tư vấn… để khi ra trường các con thực sự là những công dân học đi đôi với hành, ứng dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế. Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Dương: “Điểm hay của những câu lạc bộ này là các con tham gia theo năng khiếu và sở thích, có thể tham gia để đi thi, và cũng có thể không thi, mục đích chính là để phát triển niềm đam mê. Các câu lạc bộ hoạt động như vậy nó gắn liền việc học và thực hành, các con tự tay thiết kế, chế tạo các mô hình, máy loại nhỏ…

Trong năm học tới, ban giám hiệu nhà trường với mong muốn phát triển các câu lạc bộ này mang tính chuyên nghiệp hơn, với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, tư vấn… để khi ra trường các con thực sự là những công dân học đi đôi với hành, ứng dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế.

Từ trước đến nay, học sinh muốn vào các Câu lạc bộ năng khiếu như Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa…thì chỉ cần làm đơn, mỗi câu lạc bộ chia ra từ 10 đến 15 học sinh để đảm bảo chất lượng, và các em hoàn toàn không phải đóng học phí khi tham gia, ngoại trừ các con tự chi phí để mua vật liệu, thiết bị để lắp đặt mô hình, Robot…theo sở thích nhưng phần này các em cũng được nhà trường, các phụ huynh hỗ trợ một phần, có trường hợp được nhà trường hỗ trợ toàn bộ.

Giáo viên chủ nhiệm các câu lạc bộ này được hưởng thù lao theo quy định của nhà nước và hoàn toàn không có thêm khoản thu nào khác từ phía học sinh. Mặc dù như vậy nhưng các câu lạc bộ này trong nhiều năm qua cũng đã đạt được khá nhiều thành tích cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Điều quan trọng nhất là truyền được đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh”.

Cô Dương cho biết: “Đối với đội tuyển các môn chuyên của trường thường xuyên có 1 đến 2 thầy cô cùng đồng hành, định hướng, giảng dạy về chuyên môn cao hơn ngoài các tiết học trên lớp theo thời khóa biểu.

Kinh phí đãi ngộ cho các thầy cô lãnh đội thực hiện theo quy định và kinh phí của nhà nước, nếu nói để mà so với việc dạy bên ngoài thì chúng tôi không dám so sánh. Thực sự tôi thấy các thầy cô rất tâm huyết với nghề, với đội tuyển, nếu chỉ vì kinh phí và chế độ đãi ngộ thì tôi chắc chắn chúng ta khó có được những kết quả, nhưng huy chương Vàng quốc tế như ngày hôm nay.

Đó là sự nỗ lực của học trò, sự đồng hành vô cùng sát sao và ủng hộ của gia đình các em thì chúng ta mới có được thành quả này. Thực tế là các con không thể trông chờ được vào lượng kiến thức ở 1 hay 2 buổi học trên lớp, hầu hết các đội tuyển này học qua dịp hè. Các con thi vào lớp 10 xong là đội tuyển bắt đầu học, cho đến thời điểm hiện tại hết lớp 12 chúng tôi mới dừng đội tuyển.

Vậy nên những gì ban giám hiệu nhà trường làm là quan tâm, định hướng, sâu sát hỗ trợ với các thầy cô để tháo gỡ những khó khăn, cũng như động viên thầy và trò. Không có những sự gắn kết đó thì khó có thể thành công. Đối với học sinh Trường Ams là thi điểm đầu vào khá cao nên các cháu đều có tố chất, điều mà học sinh cần là sự động viên, quan tâm của người lớn, của cha mẹ, của thầy cô và nhà trường.

Học sinh đã xác định thi vào trường chuyên là các con đã có sẵn niềm đam mê cháy bỏng, ví dụ em Mạnh Quân vừa đạt huy chương Vàng môn Vật lý quốc tế nhưng khi thi đỗ vào trường là chuyên Toán, trong thời gian tham gia Câu lạc bộ Thiên văn cháu lại thích môn Vật lý, và những thành tích cháu đạt được thì phần nhiều lại là Vật lý.

Vậy nên nếu nói các con bị “sức ép” trong học tập là không đúng, tất cả là do niềm đam mê tự thân của các con. Chắc chắn vì sự đam mê mà các con cố gắng học tập, tìm thấy niềm vui trong sự khổ luyện thì mới có động lực theo đuổi cả một chặng đường dài như vậy”.

Thầy Lê Mạnh Cường (ngoài bên trái) giáo viên lãnh đội Vật lý và các em Trần Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Mạnh Quân học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đạt 2 huy chương Vàng trong kì thi Olympic Vật lý APhO 2021. Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Lê Mạnh Cường (ngoài bên trái) giáo viên lãnh đội Vật lý và các em Trần Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Mạnh Quân học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đạt 2 huy chương Vàng trong kì thi Olympic Vật lý APhO 2021. Ảnh: Tùng Dương.
Các thầy cô lãnh đội và cùng 8 em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt giải trong kì thi IOM 2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Các thầy cô lãnh đội và cùng 8 em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt giải trong kì thi IOM 2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Cô Phạm Vũ Bích Hằng (ở giữa) giáo viên lãnh đội Robotics và các học sinh Trường Ams tham dự thi đấu Cuộc thi quốc tế FIRST Robotics Competition (FRC) 2021 và đã đạt giải Thiết kế kỹ thuật” quốc tế FRC 2021. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Phạm Vũ Bích Hằng (ở giữa) giáo viên lãnh đội Robotics và các học sinh Trường Ams tham dự thi đấu Cuộc thi quốc tế FIRST Robotics Competition (FRC) 2021 và đã đạt giải Thiết kế kỹ thuật” quốc tế FRC 2021. Ảnh: Tùng Dương.

Giáo viên lãnh đội là trách nhiệm, tâm huyết và áp lực cao

Cô Dương chia sẻ: “Các thầy cô trong trường khi được phân công dạy chuyên và đồng thời là lãnh đội. Giáo viên Trường Ams được tập hợp từ thi tuyển mới, từ trường chuyên trong thành phố, trường chuyên các tỉnh… đây cũng là điều may mắn thuận lợi của nhà trường.

Với kinh nghiệm có sẵn, cùng với sự tâm huyết, đam mê của mình các thầy cô luôn hết mình với học sinh. Trong thời gian lãnh đội suốt 3 năm thì “sản phẩm” đội tuyển là sự thành công, là dấu ấn sự nghiệp của các thầy cô. Sự đãi ngộ của nhà trường thực sự mới dừng đúng nghĩa ở động viên, nguồn ngân sách của nhà nước cũng chưa thể đáp ứng được công lao mà các thầy cô đã cống hiến.

Các thầy cô lãnh đội vô cùng vất vả, áp lực, học sinh cũng có khóa này khóa kia và các kỳ thi cũng như vậy, cũng có một chút yếu tố may mắn. Có những năm các thầy cô lãnh đội và các con đạt rất nhiều giải, nhiều huy chương Vàng…

Và cũng có những năm chưa được bằng những năm trước, có môn nhiều giải, có môn lại không vì có tính đặc thù giữa các môn. Chính vì vậy ban giám hiệu rất hiểu và thông cảm với các thầy cô. Đã lãnh đội là trách nhiệm, tâm huyết và áp lực cao.

Coi học trò như con, thậm chí nhiều lúc các con “buồn chán vô cớ” thì thầy cô lại đi lo chuyện tâm lý…động viên để các con bắt nhịp trở lại. Đối với giáo viên lãnh đội thì suốt quá trình 3 năm là cả một sự miệt mài “chuyển lửa”.

Có thể nói, môn Vật lý là mũi nhọn của Trường Ams đã dành rất nhiều giải quốc tế trong nhiều năm, đây cũng là truyền thống và tự hào của nhà trường. Đặc biệt cuộc thi Olympic Vật lý APhO 2021 lần này có 3 học sinh của nhà trường đi thi thì đều đạt huy chương, trong đó có 2 huy chương Vàng. Em Mạnh Quân đạt cùng lúc 3 giải là: Huy chương vàng Kỳ thi; Bằng khen của Chủ tịch APhO năm 2021 dành cho thí sinh có tổng điểm thi cao nhất; Giải cho thí sinh có bài thực hành xuất sắc nhất”.

Tùng Dương