Luyện kỹ năng dùng Atlat để thi tốt nghiệp lớp 12 môn Địa lý năm 2021

23/05/2021 07:44
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổng số 40 câu hỏi trắc nghiệm thì phần kỹ năng là 19 câu. Ma trận đề năm nay có khoảng 15 câu sử dụng Atlat, 4 câu về kỹ năng thực hành bảng số liệu biểu đồ.

Để giúp các em học sinh lớp 12 có cách ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 thật hiệu quả, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Trần Thị Thu Hương – Giáo viên dạy môn Địa lý lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội, cô Hương chia sẻ: “Nhìn vào đề minh họa Môn Địa lý năm nay thấy vẫn chia ra các chủ đề ôn tập đặc trưng với kỹ năng sử dụng Atlat và bảng số liệu biểu đồ.

Tổng số 40 câu hỏi trắc nghiệm thì phần kỹ năng là 19 câu. Trong ma trận đề năm nay thì có khoảng 15 câu sử dụng Atlat, 4 câu về kỹ năng thực hành bảng số liệu biểu đồ.

Phần lý thuyết có 21 câu chia ra các chủ đề mà học sinh đã được học và ôn tập ở lớp 12. Chủ đề Địa lý tự nhiên là 4 câu. Địa lý dân cư 2 câu. Chủ đề Địa lý kinh tế 15 câu được chia ra ngành kinh tế với 7 câu và vùng kinh tế là 8 câu.

Nội dung trong đề thi có khoảng 95% là kiến thức lớp 12, chỉ có 2 trên tổng số 40 câu là thuộc kiến thức lớp 11, tuy nhiên đó là phần hỏi về kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ nên không liên quan đến phần lý thuyết của lớp 11. Nếu kỹ năng phần kiến thức lớp 12 đã tốt thì các con không cần thiết phải ôn thêm phần lớp 11”.

Cô Trần Thị Thu Hương: "Nội dung trong đề thi có khoảng 95% là kiến thức lớp 12, chỉ có 2 trên tổng số 40 câu là thuộc kiến thức lớp 11". Ảnh: T.D.
Cô Trần Thị Thu Hương: "Nội dung trong đề thi có khoảng 95% là kiến thức lớp 12, chỉ có 2 trên tổng số 40 câu là thuộc kiến thức lớp 11". Ảnh: T.D.

Cô Hương cho biết: “Lợi thế ôn tập môn Địa lý là kỹ năng sử dụng Atlat, nên để có thể làm được 15 câu sử dụng Atlat thì việc các em tự luyện đề rất quan trọng. Thi theo hình thức trắc nghiệm nên không có khoanh vùng ôn tập, cần nhất là luyện kỹ năng thật nhiều để sau này khi thi sẽ gặp lại các câu hỏi đó trong đề.

Trong quá trình ôn Atlat học sinh cần lưu ý: Thứ nhất là hệ thống kí hiệu của Atlat trang số 3 và phải nắm cho tốt. Thứ hai là phần thực hành gắn với mảng số liệu biểu đồ, phần này học sinh lưu ý liên quan đến hệ thống từ khóa cơ bản để nhận diện các kiểu biểu đồ. Ví dụ từ khóa của biểu đồ hình tròn thì phải nhận diện câu lệnh trong câu hỏi như là từ khóa quy mô, cơ cấu…

Có thể câu hỏi sẽ là: Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô, cơ cấu và bảng số liệu, như vậy học sinh phải biết ngay đó là chọn biểu đồ hình tròn. Ngoài ra còn một số từ khoá khác ứng với các biểu đồ khác thì học sinh trong khi ôn tập nên tham khảo thêm ở các thầy cô để tự mình hệ thống lại.

Có thể nói phần kỹ năng cần luyện nhiều, bám vào hệ thống các từ khóa để làm tốt bảng số liệu, biểu đồ. Có một kỹ năng nữa trong thực hành đó là tính toán, học sinh cần nhớ một số công thức cơ bản để tính toán trong môn Địa lý. Ví dụ công thức tính cơ cấu hay gọi là tính tỷ trọng, tỷ lệ. Công thức thứ hai là tính tốc độ tăng trưởng, đó là hai công thức cơ bản nhất.

Ngoài ra còn một số công thức khác mà học sinh cần nhớ thêm như tính mật độ dân số, tính năng suất lúa…Việc học sinh nhớ các công thức sẽ thuận lợi khi thực hiện làm các câu hỏi thực hành và nhận xét bảng số liệu, tính toán. Như vậy các em dễ đạt số điểm tối đa ở phần thực hành.

Về phần lý thuyết, học sinh nên chia thành 3 chủ đề ôn tập. Thứ nhất là phần Địa lý tự nhiên cần ôn từ bài số 2 đến bài số 15, bài số 4 và số 5 là phần giảm tải. Sẽ có khoảng 4 câu hỏi trong đề thi nằm ở bài 2 đến bài 15 nên cũng khá là khó khi làm bài.

Chủ đề ôn thứ 2 là Địa lý dân cư, học từ bài số 16 đến bài 18 trong sách giáo khoa lớp 12. Phần Địa lý dân cư có 2 câu nằm trong đề thi. Như vậy phần tự nhiên và phần dân cư có số lượng khá ít với 6 câu hỏi.

Chủ đề học sinh cần tập trung ôn tập nhiều nhất là Địa lý kinh tế, sẽ có 15 câu hỏi. Nhánh kinh tế là 7 câu sẽ tập trung ôn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Địa lý ngành nông nghiệp, Địa lý ngành công nghiệp và Địa lý ngành dịch vụ.

Địa lý vùng kinh tế có 8 câu hỏi, lớp 12 học sinh được học về 7 vùng kinh tế là Trung du miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng kinh tế đó sẽ tương ứng có 1 câu hỏi trong đề thi. Một câu cuối cùng sẽ liên quan đến chủ đề về biển đảo.

Phần này cũng không thể ôn trọng tâm được bởi mỗi vùng liên quan đến 1 câu hỏi nên sẽ có cách để ôn tập. Học về tự nhiên, dân cư và kinh tế thì luôn luôn có mối quan hệ với nhau, vậy nên học sinh không chỉ học một chủ đề mà bỏ hai chủ đề còn lại.

Ví dụ: Địa lý kinh tế có 15 câu, nếu học sinh chỉ học Địa lý kinh tế mà bỏ Địa lý tự nhiên và Địa lý dân cư thì hoàn toàn không được, bởi học sinh phải có kiến thức về tự nhiên và dân cư thì mới giải được các vấn đề về kinh tế của ngành và vùng.

Đó là lý do phải ôn tập đều các chủ đề, không học trọng tâm mà phải có phương pháp để không bị bỏ qua, hoàn toàn không được học tủ. Ví dụ học về vùng kinh tế thì trong quá trình ôn tập sẽ có một hệ thống, các con có thể lập một bảng thống kê, chia 7 vùng kinh tế và so sánh 7 vùng đó về các chỉ tiêu.

Học sinh dùng một tờ giấy khổ A3 chia thành 8 cột, cột 1 sẽ là các chỉ tiêu so sánh, 7 cột còn lại tương ứng với 7 vùng kinh tế rồi so sánh hệ thống và tự hệ thống lại kiến thức, từng chỉ tiêu. Có thể so sánh về đặc điểm vị trí địa lý, so sánh về dân cư, so sánh về các thế mạnh tự nhiên, so sánh về khó khăn của từng vùng này.

Học sinh lọc lại hệ thống từ khóa từng vùng, sau này khi làm câu hỏi sẽ căn cứ vào hệ thống từ khóa đó để chọn được đáp án đúng một cách nhanh chóng.

Tương tự như thế có thể sử dụng Atlat để tìm thế mạnh từng vùng với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hay các hoạt động kinh tế đặc trưng về công nghiệp, dịch vụ…Cách ôn ở đây là hệ thống từ khóa qua sơ đồ tư duy thì sẽ học được phần này hiệu quả”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học Địa lý. Ảnh: T.D.
Học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học Địa lý. Ảnh: T.D.

Lưu ý khi sử dụng Atlat để ôn tập

Cô Hương phân tích: “Dễ làm nhất là phần sử dụng Atlat cho 15 câu hỏi, quan trọng nhất ở phần này là kỹ năng, học sinh phải nhớ tốt cấu trúc của quyển Atlat, càng làm nhiều càng nhớ vì cấu trúc Atlat sắp xếp 30 trang.

Trang số 3 là trang “chìa khóa” luôn luôn phải nhớ, bất cứ khi nào khó khăn, đọc Atlat không hiểu thì xem lại trang số 3. Trang 17 sẽ hỗ trợ rất nhiều khi học sinh tìm hiểm về ranh giới vùng bởi học sinh phải làm về 7 vùng kinh tế.

Rất nhiều câu hỏi về vùng, nếu học sinh quên tỉnh này thuộc vùng nào, hoặc vị trí này thuộc vùng nào thì hãy mở trang 17 xem lại, kết hợp với trang này để làm bài luyện tập.

Một trang nữa cũng có thể hỗ trợ, đó là trang số 4, số 5 bản đồ hành chính Việt Nam, ranh giới các tỉnh thành phố, tên các tỉnh thành phố cũng như diện tích và dân số các tỉnh, thành phố…đều rất đầy đủ trong 2 trang này.

Trong câu hỏi chỉ định, ví dụ sử dụng Atlat trang 22 nhưng nếu xem trang này học sinh vẫn không đủ thông tin thì có thể kết hợp với trang 17, trang 4 và 5 thì sẽ tìm được đáp án chuẩn xác. Mỗi câu hỏi sẽ biến đổi khác nhau, có luyện đề nhiều mới nhớ được các vị trí, các đối tượng trên Atlat. Đặc điểm nếu không dùng nhiều sẽ thấy Atlat rất rối”.

Những lỗi hay sai khi làm bài thi

Cô Hương chia sẻ thêm: “Nhiều sai lầm khi làm bài thì liên quan đến lý do: Thứ nhất học sinh chưa hiểu ý câu hỏi đã làm bài, câu hỏi ý này nhưng lại trả lời ý khác, dẫn tới chọn nhầm đáp án. Vậy ở đây khi học sinh đọc đề bài cần đọc chậm, kỹ.

Với thời gian 50 phút đồng hồ làm 40 câu hỏi thì cũng không làm nhanh quá hay chậm quá. Làm nhanh dễ dẫn tới việc đọc sai câu hỏi rồi làm sai ý, và làm chậm quá sẽ thiếu thời gian cho những câu hỏi sau, thiếu thời giam làm bài. Cần đọc chậm rồi gạch chân từ khóa quan trọng để hiểu câu hỏi một cách chính xác.

Với cấu trúc đề thi của Bộ đưa ra thì những câu dễ thường đặt ở trên, vậy học sinh cứ làm từ dễ đến khó. Đến cuối đề từ tầm câu 70 trở đi sẽ rất khó và có tính phân loại cao. Môn Địa lý cấu trúc đánh số từ câu 41 đến 80, vậy nên từ câu 70 đến 80 sẽ rất khó.

Ngoài ra cần kỹ năng phân tích, loại trừ, tổng hợp những kiến thức để đưa ra những đáp án chính xác. 4 đáp án trong đề thi khá là hợp lý dẫn tới việc học sinh khi đọc sẽ có cảm tưởng chọn đáp án nào cũng thấy đúng, nếu các em không lắng mình lại một chút, không tập trung tổng hợp kiến thức thì rất dễ bị chọn sai đáp án.

Ngoài ra khi vào phòng thi phải thật bình tĩnh, cơ bản môn Địa lý không có gì là quá khó, với 20 câu hỏi ở phần đầu của đề thi khá đơn giản, học sinh trung bình vẫn có thể làm được và đạt 5 điểm.

Học sinh cần kỹ năng sử dụng Atlat tốt, muốn tốt được thì trong giai đoạn ôn thi phải chịu khó làm đề, khó khăn gì hỏi thầy cô, hỏi bạn. Đó là điều mà tôi luôn nhắc học sinh, không được giấu dốt.

Từ câu 60 trở đi mức độ sẽ khó hơn một chút, lúc này cần kỹ năng làm bài, ví dụ hệ thống từ khóa các em nên gạch chân bằng bút chì để xác định đúng yêu cầu của đề, như vậy sẽ làm được.

Từ câu 70 đến hết thì rất khó, có độ phân hóa học sinh và đây là những câu các em dùng để xét nguyện vọng vào Đại học, lúc này cần kỹ năng liên quan đến phân tích, tổng hợp…để chọn được đáp án đúng nhất trong 4 đáp án mà đề đưa ra”.

Tùng Dương