Chợ được xây dựng bằng 100% vốn hỗ trợ nước ngoài
Chợ Hôm, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã được hình thành và phát triển hơn 100 năm nay. Đây là chợ quê của người dân nhiều xã của huyện Yên Thành nên từ lâu mọi sản phẩm nông nghiệp người dân thường đưa ra đây để buôn bán.
Tuy nhiên, do tồn tại đã lâu nhưng do chợ quê nên không được đầu tư xây dựng vì vậy các ki - ốt buôn bán ở chợ chỉ được người dân lập tạm bợ và ngày càng xuống cấp. Đến năm 2010, nhận thấy cần quy hoạch, xây dựng lại Chợ Hôm để đảm bảo điều kiện kinh doanh của các tiểu thương. Cuối năm 2010 việc đầu tư xây dựng lại Chợ Hôm bằng nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ 100% đã được khởi công. Đến năm 2011 việc kiến thiết, xây dựng lại Chợ Hôm đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư hết hơn 6,5 tỷ đồng.
Do thiết kế không hợp lý nên mái lợp bị chảy nước vào gian hàng khi mưa vì vậy bà Trịnh Thị Dũng đã phải mua tôn về làm lại mái. |
Việc xây dựng lại Chợ Hôm được người dân và các tiểu thương ở chợ hết sức ủng hộ. Tháng 6/2011, Chợ Hôm được bàn giao cho UBND xã Hợp Thành quản lý để đem vào hoạt động với 64 ki-ốt, 1 đình và nền chợ phục vụ cho tổng số gần 450 hộ kinh doanh.
Mặc dù vốn đầu tư xây dựng Chợ Hôm được hỗ trợ hoàn toàn bằng dự án nước ngoài. Nhưng khi đi vào kinh doanh UBND xã Hợp Thành đã thu của mỗi tiểu thương buôn bán tại các ki-ốt trong chợ từ 9 đến 11 triệu đồng, 6 đến 9 triệu đồng với các tiểu thương buôn bán ở đình và lều chợ. Số tiền các tiểu thương phải đóng tùy thuộc vào diện tích ki - ốt hay vị trí mình buôn bán. Đó là chưa kể đến hàng tháng mỗi hộ buôn bán còn phải đóng 25 nghìn đồng các chi phí khác cho Ban quản lý chợ.
Tuy nhiên, để ổn định việc kinh doanh và nghĩ rằng mức phí đó là để đầu tư, tu sửa chợ nên các hộ tiểu thương đã thực hiện việc thu phí 1 lần trên của UBND xã Hợp Thành đưa ra. Một số hộ kinh doanh ngoài trời không ổn định thì được Ban quản lý Chợ Hôm thu phí hàng tháng.
Trong khi đó để được vào chợ buôn bán bà Dũng năm 2011 bà Dũng đã phải trả phí cho UBND xã Hợp Thành 9,5 triệu đồng. Nay UBND xã Hợp Thành lại tiếp tục yêu cầu gia đình bà phải trả thêm một khoản kinh phí tương tự nữa mới được tiếp tục buôn bán tại đây |
Nhưng do thiết kế chưa phù hợp nên ở một số ki-ốt đã phải tự sửa chữa lại. Tại các ki - ốt bán hàng kiên cố các tiểu thương phải dùng tôn làm lại mái vì mái ngói khi được bàn giao không có độ dốc nên khi có mưa nước lại chảy xuống làm hỏng hết hàng hóa. Các con đường trong chợ vì cũng thiết kế không có độ dốc nên mưa xuống nước không thoát được các chủ ki-ốt lại góp tiền đổ lại.
Các tiểu thương buôn bán tại đình chợ còn gặp muôn vàn khó khăn hơn bởi khi được bàn giao chỉ có mặt bằng không. Muốn kinh doanh họ phải thuê thợ đóng lại các gian hàng bằng tôn và khung thép. Nhưng khó khăn do thiết kế chưa hợp lý khi xây dựng các tiểu thương không hề phàn nàn bởi được đầu tư xây dựng chợ khang trang hơn ngày trước ai cũng vui. Các tiểu thương ai cũng mừng và nghĩ từ nay sẽ được buôn bán ở nơi sạch sẽ hơn trước.
May mắn hay thêm gánh nặng?
Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động việc đầu tư, sửa chữa chẳng thấy đâu mà thay vào đó các hộ kinh doanh nơi đây vẫn phải tự làm cửa, kê nền, lắp bóng điện... Nhưng có những lúc các tiểu thương vừa tự lắp lại bóng điện bị hỏng ở đình chợ đã bị Ban quản lý chợ vô cớ tháo dỡ.
Đó còn là những chuyện nhỏ bởi đến tháng 7/2014 UBND xã Hợp Thành lại tiến hành thu phí với mức giá như đã thu năm 2011 và cùng thời hạn 3 năm. Bức xúc về việc tiếp tục thu phí cao, nhiều hộ kinh doanh đã làm đơn kiến nghị giảm thu phí chợ lên UBND xã nhưng đều không được chấp nhận. Trái lại, UBND xã còn “ép” các hộ kinh doanh phải nạp phí chợ “theo hình thức tự nguyện” do xã quy định.
Còn tại các gian hàng khu vực đình Chợ Hôm khi được bàn giao cho các tiểu thương chỉ có nền bê tông không |
“Cứ nghĩ rằng chợ được vốn nước ngoài đầu tư bà con ai cũng mừng. Năm 2011 đóng phí theo yêu cầu của xã ai cũng chấp thuận vì nghĩ đến chuyện để sau này sửa chữa các công trình trong chợ. Ai ngờ như nhà tôi ki - ốt buôn bán được 9m2 đóng mất hơn 9 triệu đồng lại còn phải sửa chữa mới đi vào buôn bán được. Vậy mà mới 3 năm, nay lại tiếp tục thu phí nữa thì chúng tôi lấy gì mà buôn bán. Trước đó chưa xây chợ ngày đi bán chỉ phải đóng mất có 3 đến 5 nghìn đồng. Chợ quê mà thu thế này thì cao quá các chú ạ”, bà Trịnh Thị Dũng chủ ki-ốt bán quần áo tại chợ cho biết.
Được biết Chợ Hôm do đặc thù là chợ quê nên mỗi ngày chỉ họp vào buổi sáng. Hầu hết các mặt hàng cũng chỉ mặt hàng bình dân giá trị thấp và nông sản do người dân tự sản xuất được chứ không có mặt hàng cao cấp. Nên ngoài buôn bán tại Chợ Hôm các tiểu thương ở đây còn phải làm ruộng.
“Nhà tôi bán bánh xèo nên cùng một hộ gia đình khác thuê một nền bán hàng phía ngoài đình chợ hết 3,5 triệu/hộ. Bán bánh xèo ở chợ quê mỗi phiên lời được mấy chục nghìn. Vậy mà 3 năm trước UBND xã đã thu phí 3,5 triệu nay lại thu nữa thì chúng tôi lấy đâu thu nhập nữa. Tưởng chợ được xây dựng bằng vốn hỗ trợ không hoàn lại thì đỡ phí hơn ai ngờ …”, chị Nguyễn Thị Quyền cho biết.
Để có một nền nhỏ bán bánh xèo đơn sơ phía ngoài đình chợ chị Nguyễn Thị Quyền năm 2011 cùng với một hộ buôn bán khác đã phải nộp phí cho UBND xã Hợp Thành 3,5 triệu/hộ |
Với mức thu phí chợ quá cao do UBND xã đưa ra, nhiều tiểu thương tỏ ra bức xúc và viết đơn tập thể gửi lên UBND huyện Yên Thành kiến nghị giảm phí chợ. Trong lúc đang chờ UBND huyện giải quyết thì ngày 13/8/2014, UBND xã Hợp Thành đã tổ chức huy động lực lượng bao gồm công an, dân quân tự vệ... tiến hành cưỡng chế một số tiểu thương chưa nộp phí chợ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: “Việc thu phí chợ với giá như vậy là theo quy định của tỉnh, theo loại chợ và đặc thù chợ. Qua 3 năm, chúng tôi đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng thêm lều, tu sửa, san lấp mặt bằng... ”. Còn số tiền thu từ năm 2011 được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội”.
Vậy thực tế việc thu phí chợ đã đúng loại chợ và phí chợ như ông Lý nói đã đúng hay chưa chúng tôi sẽ tiếp tục ở bài viết sau.