Cho trẻ 5 tuổi làm quen tiếng Anh, mỗi trường khó một kiểu

09/06/2023 06:32
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường có GV bản ngữ giúp trẻ làm quen với tiếng Anh, sau vài tháng phụ huynh phản hồi không thấy hiệu quả nên cho con rút khỏi danh sách lớp học.

Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được triển khai nhằm hướng tới hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ; góp phần chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.

Theo đó, tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cũng cần được tổ chức đảm bảo 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút.

Ảnh minh họa. nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa. nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên ở một số vùng khó khăn tại nhiều địa phương vẫn chưa thể thực hiện được Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Phần lớn khó khăn của các trường mầm non đang gặp phải đến từ việc thiếu nguồn lực giáo viên giảng dạy và không có nguồn kinh phí để thực hiện.

Đơn cử như Trường Mầm non Đạ K’nàng (thuộc thôn Đạ Sơn, xã Đạ K' Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Cô Võ Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Tuy đã nhận được thông báo từ cấp trên nhưng đến nay trường chưa thể triển khai được công tác cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phụ huynh còn bươn chải vất vả, không có kinh phí nên rất khó để thực hiện".

Ngoài ra, vị hiệu trưởng cho biết một phần vì không có giáo viên biên chế môn tiếng Anh để về đảm bảo chất lượng dạy cho học sinh. Trong trường hợp đi thuê giáo viên thì không có tiền để chi trả.

Cô Bích thông tin thêm, theo chính sách tinh giản biên chế nên hiện nay rất khó tuyển dụng được giáo viên, đặc biệt là những giáo viên trẻ có chuyên môn cũng khó để mời vào các trường vùng sâu, vùng xa để giảng dạy.

Hiện trường đang có khoảng gần 200 trẻ thuộc nhóm 5 tuổi, cô Bích và các giáo viên trong trường rất mong muốn học sinh có cơ hội được tiếp cận với ngôn ngữ mới.

Trường Mầm non Đạ K’nàng đảm bảo lớp học cho học sinh, không phải thực hiện lớp ghép và có đủ nguồn cơ sở vật chất như tivi, phòng học riêng, hệ thống âm thanh để phục vụ công tác dạy trẻ.

Trên cương vị là lãnh đạo nhà trường, cô Bích bày tỏ mong muốn tỉnh Lâm Đồng có thể đảm bảo được nguồn lực giáo viên biên chế cho nhà trường. Phần nào giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ chính sách giáo dục mới.

Còn tại Trường Mầm non số 2 Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), các giáo viên chỉ mong các em có thể nói sõi tiếng Việt để lên lớp 1, chứ chưa nghĩ tới việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Diệp - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường chưa triển khai chương trình này vì trường không đạt đủ tiêu chuẩn để thực hiện. Học sinh tại trường 100% đều là con em dân tộc thiểu số, đến nay các thầy, cô của trường vẫn còn đang chật vật trong hành trình dạy tiếng phổ thông cho các em. Tôi chỉ mong, học sinh của mình đảm bảo được ngôn ngữ phổ thông để lên lớp 1 đỡ vất vả".

Được biết, nhà trường hiện đang tập trung cho mục tiêu mũi nhọn là thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cô Diệp bày tỏ, hiện nay chỉ có các trường ở trung tâm, thị trấn mới có đủ nguồn lực, điều kiện để thực hiện còn những trường vùng khó khăn như Trường Mầm non số 2 Đakrông không biết khi nào mới có thể triển khai.

Tuy nhiên về cơ bản, vị phó hiệu trưởng chỉ ra rằng do giáo viên giảng dạy tiếng Anh không có và trình độ của học sinh cũng không đủ để tiếp thu.

Đến nay trường vẫn đang thực hiện lớp ghép (4/13 lớp) với các độ tuổi từ 3-5 tuổi. Cô Điệp thông tin theo quy định phải có đủ 35 học sinh mới có thể thành một lớp, nhưng các điểm bản cách xa nhau trường buộc phải thực hiện ghép lớp để tránh các em phải đi học quá xa. Trong đó, trường ưu tiên trẻ 5 tuổi để các em hoàn thành được bậc học, đến trường theo đúng quy định.

Vị phó hiệu trưởng bày tỏ mong muốn hiện tại có thể giúp trẻ nói tốt tiếng Việt để các em theo học được bậc tiểu học.

Ngoài ra, yêu cầu đối với giáo viên cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức và có bằng cao đẳng trở lên ngành Giáo dục Mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo cô Diệp, với quy định khắt khe trên sẽ rất khó khăn đối với công tác tuyển dụng của trường, bởi trên thực tế với giáo viên có chuyên môn rất khó để họ lựa chọn về dạy cho mầm non vì đây là bậc học có khối lượng công việc lớn mà mức lương khởi điểm thấp nên họ sẽ lựa chọn dạy cho các cấp học khác.

Là ngôi trường đảm bảo được đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất (phòng học riêng, âm thanh, tivi), Trường Mẫu giáo Phong Phú (Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã thực hiện Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo từ năm học 2022-2023.

Cô Trần Thị Phiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường nhận được sự ủng hộ đông đảo, nhiệt tình từ các bậc phụ huynh học sinh trong quá trình triển khai chương trình. Tuy nhiên đến đầu tháng 5, nhiều phụ huynh học sinh ngừng cho con tham gia lớp làm quen với tiếng Anh vì lý do con về nhà chia sẻ rằng không hiểu thầy nói gì, hỏi lại bài thầy cũng không trả lời".

Cũng theo cô Phiên thông tin, trước đó, trong vài tháng đầu nhà trường thực hiện mời giáo viên người Việt ở các trung tâm tiếng Anh để về trường giảng dạy. Có khoảng hơn 70 em thuộc nhóm trẻ 5 tuổi đăng ký và tham gia lớp làm quen với tiếng Anh.

Hiệu quả bước đầu cho thấy các em tiến bộ và đã dần làm quen được với một số từ ngữ đơn giản, thông dụng, đặc biệt học trò và cô giáo có thể trao đổi kiến thức sử dụng song ngữ (Anh - Việt) để làm quen với tiếng Anh.

Tuy nhiên vấn đề nhà trường mắc phải là sau khi trung tâm sắp xếp 2-3 giáo viên bản ngữ khác về giảng dạy thì phụ huynh phản hồi là con không học được, sự tiến bộ không rõ ràng nên cho con nghỉ.

Tính đến ngày 1/5, trường chỉ còn hơn 20 em theo học. Để giải quyết vấn đề này, cô Phiên cho biết đã có ý kiến lên Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Giá Rai để xem xét và đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Có thể nhận thấy sự nỗ lực không ngừng của các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc cần được giải quyết để trẻ em ở bất cứ vùng miền nào cũng được tiếp cận.

Phương Nga