LTS: Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão –Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định, công tác cán bộ luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng, liên quan mật thiết tới sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, đây là nội dung mà ông góp ý vào văn kiện để hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
PV: Qua nhiều năm công tác tại các địa phương và các cơ quan Trung ương, ông có đánh giá gì về công tác cán bộ của nước ta?
Ông Vũ Mão: Nhớ lại thời kỳ Đảng ta bắt đầu thành lập những năm 1930, công tác quy hoạch và bố trí cán bộ đã được coi trọng.Ngay trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những thanh niên như Phạm Văn Đồng, những thiếu niên như Lý Tự Trọng sang Trung Quốc để đào tạo.
Rất nhiều đồng chí như Lý Tự Trọng mới 16 tuổi, hay Phạm Hùng, Lê Văn Lương mới 18 tuổi... đã là những cán bộ cách mạng chững chạc, kiên định. Dù tuổi còn rất trẻ, nhưng lớp cán bộ ấy đã hoạt động rất tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, không chỉ có lớp thanh niên xuất thân từ thành phần công nhân, nông dân (nhất là bần cố nông) tham gia hoạt động cách mạng mà còn có cả lực lượng trí thức trẻ tuổi (hiểu theo nghĩa rộng,phần đông trong số họ có trình độ Tú tài, thậm chí chưa đỗ tú tài), nhưng rất giỏi.
Thí dụ như ba nhân vật trong bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan: “Nàng có ba người anh đi bộ đội...”. Ba nhân vật ấy là có thật. Đó là Lê Đỗ Khôi, Chính trị viên Tiểu đoàn, hy sinh trên đồi Him Lam chỉ vài giờ trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.
Người anh thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư. Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, tức Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tiên Phong.
Ông Vũ Mão: "Phải tuyệt đối dẹp bỏ tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vào phút chót rồi coi như chuyện đã rồi". ảnh: Ngọc Quang. |
Hoặc như nguyên chính trị viên Trung đoàn 72 Anh hùng là Hoàng Xuân Tùy. Sau này, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, rồi là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước công tác cán bộ đạt những thành tựu rực rỡ. Đó chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 và thống nhất tổ quốc.
Tới giai đoạn đất nước hòa bình thống nhất, công tác cán bộ được chú trọng nhiều hơn nữa, vì lúc này đất nước đã qua chiến tranh và tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều các đồng chí lãnh đạo có tâm, có tầm, được nhân dân hết sức kính trọng. Kể ra không thể hết, nên tôi chỉ xin nêu một vài đồng chí: Đó là Nguyễn Văn Linh; Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc; Đoàn Duy Thành...
Nhìn tổng quát lịch sử hơn 80 năm của Đảng, chúng ta thấy rằng ở mỗi thời kỳ cách mạng đều có một đội ngũ cán bộ xứng đáng, đúng tầm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Vậy còn những điều gì ông thấy băn khoăn về công tác cán bộ?
Ông Vũ Mão: Bên cạnh những mặt tốt thì vẫn còn có những điểm yếu trong công tác cán bộ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua vấn đề tư duy, lý luận chưa theo kịp yêu cầu của cách mạng, đặc biệt trong tình hình mới có yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự phát triển đất nước, nhưng khi vận hành lại chưa nghiên cứu đầy đủ mặt trái của nó. Trên thực tế, nó đã tác động tiêu cực vào đời sống tinh thần và đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động mạnh vào công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ. Nhất là tình trạng tham nhũng tràn lan.
Bổ nhiệm cán bộ, liệu có còn chuyện con voi chui lọt lỗ kim? |
Nói tới chuyện chống tham nhũng, tôi mong rằng ở Đại hội 12 này cần đề ra những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Thời gian vừa qua nói nhiều rồi nhưng hiệu quả thì chưa được bao nhiêu.
Ngay chuyện đơn giản nhất là kê khai tài sản cũng là làm hình thức, làm chiếu lệ chứ chưa thực chất. Kê khai rồi mà không kiểm tra kỹ lưỡng, không công khai thì làm sao dân biết mà giám sát, làm sao biết cán bộ có liêm chính hay không?
Trong khi người dân biết rõ là cán bộ có nhiều đất đai, tài sản thì tại sao nơi quản lý cán bộ lại không biết? Hay biết nhưng làm ngơ? Tất cả những điều này cần phải được giải quyết rốt ráo, triệt để thì mới giữ được niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh những cán bộ tốt trở thành chỗ dựa vững chãi cho nhân dân thì cũng không ít trường hợp được bổ nhiệm sai quy định, hoặc mới giới thiệu vào diện bổ nhiệm đã gây ra phản ứng trong dư luận. Ông có bình luận gì trước những sự việc này?
Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ, trước những sự việc này, từ Trung ương đến địa phương cần rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp để khắc phục, vì công tác cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của từng đơn vị, địa phương. Nơi nào có quy trình rõ ràng, bổ nhiệm được cán bộ tốt, minh bạch thì sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ, đề bạt cán bộ về mặt hình thức thì có đủ cả, nhưng vận dụng vào thực tế thế nào cho đúng cũng không phải đơn giản. Theo tôi, điều quan trọng là phải công tâm, khách quan. Phải tuyệt đối dẹp bỏ tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vào phút chót rồi coi như chuyện đã rồi, xuê xoa là không được.
Vấn đề tuổi tác đối vớicán bộ được đề bạt là quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng cho thiết thực. Nhưng quan trọng hơn là phẩm chất và năng lực của người cán bộ ấy thế nào? Quá trình công tác đã đóng góp được những gì? Tập thể có tín nhiệm không?
Muốn chọn được cán bộ tốt thì quy trình giới thiệu, đề bạt phải công khai minh bạch ngay từ đầu. Minh bạch để dân còn biết mà giám sát việc bổ nhiệm cán bộ ấy có xứng đáng không, có đúng nghĩa là “công bộc” của dân như Bác Hồ nói không.
Nếu tổ chức bầu các chức danh theo kiểu “quân xanh, quân đỏ”, thì đó là dân chủ hình thức, mà thực chất là “đánh trận giả”. Trong những trường hợp như thế thì rất dễ chọn phải cán bộ kém phẩm chất, tầm nhìn hạn chế, rồi cuối cùng mọi nỗi khổ lại đổ lên đầu người dân.
Tôi cũng mong muốn rằng, để chọn được cán bộ giỏi thì phải có tranh cử hoặc thi tuyển như một số bộ, ngành và địa phương đã làm thời gian qua. Tôi có ấn tượng sâu sắc về cuộc tranh cử trong lịch sử nước ta là tranh cử giữa đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 (nay gọi là Thủ tướng).
Sự kiện ấy đã tạo ra không khí dân chủ, làm cho nhân dân cả nước rất phấn khởi. Tôi rất tiếc là sau dịp đó Đảng ta không có tổng kết để tiếp tục triển khai sâu rộng.
Trân trọng cảm ơn ông!