Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Chống tham nhũng: "Kê khai tài sản vẫn chỉ là hình thức"

03/11/2012 06:57
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Nếu đã có dấu hiệu tham nhũng thì đình chỉ công tác, không cho phép điều chuyển. Và nếu đình chỉ sai thì phải bồi thường và phục hồi vị trí công tác cho cán bộ đó”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Kê khai tài sản mới chỉ là hình thức
Tại buổi thảo luận ở tổ chiều 2/11 về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn ĐB Hà Nội) nói: “Qua tổng kết, việc kê khai minh bạch tài sản mới chỉ dừng lại ở hình thức, không đạt được mục tiêu đề ra.  

Quan trọng nhất trong công tác phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản đối với cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Nếu không kiểm soát được thu nhập thì chống tham nhũng rất khó khăn và kê khai tài sản chỉ là một phần nhỏ của kiểm soát thu nhập. Nhưng 6 năm rồi mà chúng ta vẫn cứ loay hoay. Do đó, chúng ta cũng không nên mở rộng đối tượng mà nên giữ nguyên như cũ”.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Đoàn Đại biểu Hà Nội (Ảnh: phaply.net.vn)
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Đoàn Đại biểu Hà Nội (Ảnh: phaply.net.vn)

Về việc công khai bản kê khai tài sản, theo ông Quyền, kê khai nơi cư trú hoặc nơi thường xuyên công tác thì việc phát hiện tham nhũng rất thấp vì cơ quan điều tra còn làm nhiều thủ tục mới phát hiện ra có tham nhũng hay không. Việc này chỉ có tác dụng nhắc nhở cán bộ đó phải có trách nhiệm kê khai, minh bạch tài sản, không có ý nghĩa nhiều trong chống tham nhũng.

Có ý kiến hơi khác so với ông Quyền về đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Đoàn ĐB Hà Nội) cho rằng: “Dự thảo mở rộng kê khai là đảng viên, cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn... như thế là hợp lý”. 

Đại biểu Thanh cũng nhất trí với ý kiến cho rằng công khai bản kê khai tài sản đúng là hình thức vì trong cơ quan, nếu thấy lãnh đạo kê khai không đúng thì cán bộ công chức cấp dưới cũng khó dám nói. Cử tri đề nghị công khai tại nơi cư trú, công khai tài sản trên mạng, trên cổng thông tin điện tử của địa phương, để ai có quan tâm đều có thể xem được. Hầu hết các vụ việc tham nhũng đều do nhân dân và báo chí phát hiện nên công khai trên mạng để nhân dân giám sát tốt hơn.

Về vấn đề xử lý cán bộ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, bà Thanh cho rằng không chuyển công tác mà chỉ cho phép tạm đình chỉ công tác. Tạm đình chỉ trong một khoảng thời gian và nếu không tìm ra tham nhũng thì phải khắc phục, đền bù.

“Trong vấn đề chịu trách nhiệm thì người đứng đầu đương nhiên là cấp trưởng nhưng nếu cấp phó được giao chịu trách nhiệm lĩnh vực đó thì cũng phải chịu trách nhiệm. Tóm lại, ai là người ra quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm”, bà Thanh nói.

Đề nghị có quy định về quà biếu

Quan tâm đến bản chất của tội tham nhũng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn ĐB TP. HCM) cho rằng, tham nhũng rất bao trùm, các hành vi từ thôn, xã phường lên đến cơ quan Trung ương. Nhưng phải hiểu thế nào là tham nhũng để điều chỉnh luật, để tính được mức độ, phạm vi tham nhũng đến đâu. Tránh nhầm lẫn giữa lỗi phạm bình thường đã có trong xử phạt hành chính với tham nhũng. 

Theo đại biểu này, cần định nghĩa tham nhũng chứ không nên gộp tất cả các hành vi vào tham nhũng.

Về vấn đề này theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, luật cũng phải quy định rõ thế nào là có dấu hiệu tham nhũng và nếu đã có dấu hiệu tham nhũng thì đình chỉ công tác, không cho phép điều chuyển. Và nếu đình chỉ sai thì phải bồi thường và phục hồi vị trí công tác cho cán bộ đó. Tuy nhiên, đến nay, luật chưa làm rõ được.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐB TP. HCM) đề nghị bổ sung cha mẹ và tất cả các con. Và quy định đến cấp nào thì phải công khai toàn bộ, còn cấp thấp hơn thì có thể công khai hạn chế hơn. 

Đại biểu này cũng đề nghị có một số điều quy định về quà biếu. Một số nước quy định chỉ được nhận quà mức bao nhiêu và phải khai báo quà biếu. 

Cần bảo vệ người tố cáo

Một nội dung cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi là vấn đề bảo vệ người tố cáo. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, người tố cáo thường thấp cổ, bé họng, tối ngày sợ mất việc. Họ thấy việc tham nhũng rành rành nhưng nếu không được bảo vệ thì họ không dám tố cáo.

"Cần phải có chế tài đối với người liên quan để bảo vệ người tố cáo, nếu để lộ, ảnh hưởng tới người tố cáo thì cần phải bị xử lý. Việc báo chí bảo vệ nguồn tin là một việc cực kỳ quan trọng để báo chí tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng”. 

Còn đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐB Hà Nội) cho biết: “Phát hiện tham nhũng chủ yếu từ báo chí, người dân chứ chi bộ đảng phát hiện ra rất ít. Cái này là do cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn hình thức.

Đại biểu Bùi Thị An - Đoàn Đại biểu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Bùi Thị An - Đoàn Đại biểu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)


"Tôi lo ngại thế giới ngầm, làm sao điều tra ra được. Ngầm trong tất cả các lĩnh vực từ ngầm của vàng, đô la, ngân hàng, khoáng sản, chạy chức, chạy quyền... làm sao bảo dân đưa ra chứng cứ việc này được, chỉ có các đồng chí quản lý mới phát hiện ra. Cái này rất nguy hiểm, không chống được nó sẽ phá hoại tất cả mọi thứ của đất nước này".

Bà An cũng đặt ra câu hỏi về cuộc sống của một số quan chức khi lương chẳng có bao nhiêu mà tham gia nhiều trò giải trí tốn tiền, cho con đi học nước ngoài nơi đắt đỏ... Giàu chân chính là tốt, giàu như thế thì nước mạnh... nhưng hiện nay quan chức sao mà giàu thế, chẳng hiểu giàu từ đâu...

Theo bà An, nên có Ủy ban độc lập điều tra tội tham nhũng. 

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang