Chống tham nhũng KV ngoài Nhà nước: cần chặn sớm những Trịnh Văn Quyết tiếp theo

15/04/2022 13:00
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết đã tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán…

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Nhưng trong thời gian qua không ít thành phần tư nhân đã lợi dụng sơ hở, móc ngoặc với cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước để tham ô, lũng đoạn, trục lợi.

Tình trạng “sân trước”, “sân sau”, “nhóm lợi ích” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua xuất phát từ sự móc ngoặc, câu kết giữa cán bộ, quan chức nhà nước với các thành phần tư nhân.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; khắc phục sơ hở trong đấu giá đất, chứng khoán...

Bên cạnh kết quả đạt được, Kết luận chỉ rõ cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí.

Trong sự việc của Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC bị cơ quan chức năng khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết đã tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Đáng lưu ý là hành động bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết không phải lần đầu tiên diễn ra.

Trước khi bị khởi tố, năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC không thông báo. Ảnh:FLC

Trước khi bị khởi tố, năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC không thông báo. Ảnh:FLC

Trước đó, năm 2018, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh bằng nhiều bài viết về hành động bán chui cổ phiếu của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC này.

Theo đó, trong ba ngày (20, 23, 24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC. Cũng trong thời gian này, FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch cũng bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD).

Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết số tiền 65 triệu đồng, còn đối với FLC Faros là 130 triệu đồng; không áp dụng hình phạt bổ sung như buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.

Ngay sau đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị làm rõ có hay không việc bao che, dung túng cho hành vi vi phạm làm méo mó thị trường chứng khoán?

Văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề ngày 11/12/2017 kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC).

Văn bản nêu rõ, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt ông Trịnh Văn Quyết mức phạt tiền 65 triệu đồng là quá nhẹ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia về câu hỏi về trách nhiệm của Ủy ban chứng khoán nhà nước có bao che cho hành vi của ông Trịnh Văn Quyết hay không.

Tuy nhiên, sau nhiều kiến nghị, ý kiến của các chuyên gia, ông Trịnh Văn Quyết vẫn “bình an vô sự”.

Việc xử phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước gần như “vô tác dụng” với ông Trịnh Văn Quyết.

5 năm sau, chiều 10/1, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Tuy nhiên, Quyết định xử phạt này của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bị thu hồi sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam.

Có thể thấy, dù đã có rất nhiều cảnh báo, rất nhiều phản ánh về hành vi của Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến những hành vi lặp lại gây thiệt hại đến nền kinh tế và các nhà đầu tư.

Không chỉ thao túng thị trường chứng khoán, liên quan đến bất động sản, rất nhiều dự án nghìn tỷ của FLC cũng đã từng bị xử phạt do có nhiều sai phạm.

Theo thông tin công khai tại website của mình, FLC giới thiệu một loạt dự án BĐS thuộc các phân khúc tổ hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại; quần thể du lịch, nghỉ dưỡng… trải dài từ bắc tới nam. Tuy nhiên, rất nhiều dự án của FLC bị xử phạt do có nhiều sai phạm.

Cũng theo thông tin công bố, hiện doanh nghiệp này đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, rất nhiều dự án bất động sản của FLC khiến người dân khốn khổ vì không triển khai trong thực tế, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Có thể dễ dàng dẫn ra nhiều dự án có nhiều tai tiếng như: Dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC tại xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An); Dự án nghỉ dưỡng sinh thái thể thao và vui chơi giải trí và Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn (Quảng Ngãi); Dự án tòa nhà tổ hợp cao 72 tầng của FLC (Hải Phòng), khu Công nghiệp Hoàng Long (Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)...

Ông Nguyễn Tiến Sinh - Đại biểu quốc hội khóa 14. Ảnh: Quốc hội

Ông Nguyễn Tiến Sinh - Đại biểu quốc hội khóa 14. Ảnh: Quốc hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Sinh - Đại biểu quốc hội khóa 14 cho biết:

" Năm 2018, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khu vực tư nhân.

Cụ thể, quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Do đó, tôi cho rằng, việc Đảng và Nhà nước cũng quan tâm đến việc chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Trong bối cảnh đất nước đã có những sự phát triển quan trọng cả về quy mô nền kinh tế và môi trường đầu tư, việc mở rộng phòng và chống tham nhũng khu vực ngoài tư nhân sẽ góp phần cải thiện, làm vững mạnh môi trường đầu tư và sức khỏe nền kinh tế.

Chúng ta đều biết, tham nhũng, lãng phí không chỉ xảy ra trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đối với khu vực ngoài Nhà nước, dù chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể, nhưng tham nhũng ở khu vực này cũng là vấn đề rất nhức nhối, cần đặc biệt quan tâm, ngăn chặn trong thời gian tới.".

Bên cạnh đó, bình luận về sự việc việc xử lý ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC lặp lại hành vi bán chui chứng khoán nhưng mức xử lý được đánh giá là chưa nghiêm, ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng:

"Ở đây, có thể dễ dàng nhìn thấy hành vi của ông Trịnh Văn Quyết lặp lại cùng một hành động sai phạm, tuy nhiên, việc xử lý không nghiêm trước kia có thể dẫn đến việc nhờn luật và lặp lại hành vi của mình.

Tập đoàn FLC có liên quan đến hành vi của ông Trịnh Văn Quyết hay không thì sẽ do cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Còn cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, tôi cho rằng việc ông Quyết là một người có chuyên môn về Luật và cũng là hội đồng thành viên của một trường Luật mà lại có những hành vi vi phạm pháp luật và Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý hành vi phạm của ông Quyết được dư luận đánh giá là quá nhẹ thì rõ ràng chưa đủ sức thuyết phục.

Ông Sinh cũng cho rằng, các quy định pháp luật đặt ra là để ngăn chặn những hành vi sai phạm. Tuy nhiên, có thể luật đã đầy đủ nhưng những người thực thi pháp luật có làm quyết liệt hay không, hay lại có tư tưởng "du di" và tìm cách xử lý cho qua. Xử lý không nghiêm

Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là làm sao phải đảm bảo việc xử phạt vi phạm theo hướng công khai, minh bạch và công bằng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, anh phải xây dựng quy định để ngăn chặn cũng như xử lý những hành vi sai phạm đủ mạnh, đủ sức răn đe để các cá nhân, tổ chức không dám vi phạm.

Việc xử lý không nghiêm có thể dẫn đến việc người ta vẫn bất chấp vi phạm vì cân đo đong đếm thì vẫn lợi hơn nhiều dù bị xử phạt. Hơn nữa, là cơ quan cầm cân nảy mực phải xử phạt làm sao đúng tính chất, đúng mức độ vi phạm.

Hành vi của ông Trịnh Văn Quyết ở mức độ nào, vi phạm ra sao, cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

Thế nhưng, để ngăn chặn những hành vi tương tự, các cơ quan chức năng cần phải xử thật nghiêm và có tính răn đe với các sai phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, vị Đại biểu quốc hội khóa 14 - Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Sinh cũng cho rằng việc chú trọng phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước không trái với quan điểm cho phát triển kinh tế tư nhân, không trái với quan điểm của Đảng - tức là khuyến khích mọi người dân tham gia phát triển sản xuất kinh tế để tăng cường tiềm lực của xã hội, nhưng phải kiểm soát, mà kiểm soát bằng luật để làm sao không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều gây hại cho xã hội, trục lợi cho một cá nhân hay tổ chức nào đó.

Trần Phương