Chưa đủ tuổi trốn gia đình tình nguyện nhập ngũ
Chú tôi là liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến (SN 1957) là con thứ 5 trong gia đình có 8 người con của ông bà nội tôi. Cuộc sống thời kỳ chiến tranh nơi vùng nắng gió xứ Nghệ làm chú già dặn hơn.
Nhớ về người em trai đã hy sinh của mình ngay trước ngày Giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước chú Nguyễn Xuân Lý hồi ức lại:
"Đầu những năm 1970, còn nhỏ tuổi nhưng khi 3 người anh thì 1 đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam; 2 người đang là thanh niên xung phong đường Trường Sơn nên Chiến phải phụ cha mẹ nuôi các em nhỏ và tham gia phục vụ chiến đấu tại địa phương.
Chú Nguyễn Xuân Lý đang hồi ức lại về người em trai của mình liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến đã hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ảnh Xuân Hòa) |
Đến năm 1974, khi chiến trường bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Ngụy nên tình hình cần quân càng bức thiết. Nhiều lần Chiến xin cha mẹ cho lên đường nhập ngũ. Nhưng chú còn nhỏ nên gia đình khuyên chú chờ đủ tuổi hãy lên đường nhập ngũ.
Đầu năm 1975, thấy người người lên đường nhập ngũ và thông tin qua đài, báo, Chiến biết được chiến trường đang rất cần người. Biết rằng nếu tiếp tục xin lên đường nhập ngũ sẽ bị gia đình cản trở vì chưa đủ tuổi nên Chiến lẳng lặng đăng ký tình nguyện nhập ngũ.
Một tháng liền không có tin tức gì của con mình, gia đình bà tôi cũng đã đi khắp nơi tìm chú nhưng không thấy. Mãi đến khi xong đợt huấn luyện nhanh chú mới viết lá thư ngắn gọn gửi báo gia đình đã nhập ngũ và chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam".
Nghĩa trang Liệt sỹ Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nơi chú tôi cùng hơn 1200 liệt sỹ khác hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đang yên nghỉ (ảnh Ban Quản Lý) |
Sau đợt huấn luyện gấp tại Hà Tĩnh, chú được cử vào tiểu đoàn 25, Sư đoàn 341. Lúc này tình hình chiến trường miền Nam đang hết sức cam go, ác liệt.
Bị thương vẫn kiên cường chiến đấu
Sau này, tôi được đồng đội của ông kể lại: Khi vừa vào đến chiến trường miền Nam, Tiểu đoàn chú tôi được giao nhiệm vụ dùng súng 12 ly 7 yểm hộ các đơn vị tấn công địch tại cửa ngõ Xuân Lộc phía đông Sài Gòn.
Chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu trong tuyến phòng thủ Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu của địch, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Do đó, bằng mọi giá quân ngụy phải giữ cho được Xuân Lộc.
Chú Nguyễn Xuân Chiến hy sinh khi mới 18 tuổi (ảnh Xuân Hòa) |
Với quân ta, việc đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh có ý nghĩa rất to lớn đối với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bởi nếu không giải phóng được Xuân Lộc thì các quân đoàn chủ lực và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) không thể vào vị trí triển khai các mũi tiến công trên hướng Đông.
Để giữ cửa ngõ trọng yếu này, địch đã điều nhiều đơn vị thiện chiến cũng như pháo, xe bọc thép hòng đánh bật các cánh quân ta mở cửa ngõ này. Trận chiến ác liệt, cam go khi quân ta và địch giành nhau từng tấc đất.
Đến ngày 21/4/1975, trong trận đánh quyết định quân ta đã đập tan được các đơn vị ý đồ tử thủ của quân thiện chiến Ngụy quyền. Phá vỡ được cửa ngõ Xuân Lộc đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta sớm vào giải phóng Sài Gòn.
Bằng Tổ Quốc Ghi Công liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến (ảnh Xuân Hòa) |
Trong trận đánh cuối tại cửa ngõ ác liệt này, chú Chiến cũng đã trúng đạn bị thương nơi cánh tay. Nhưng trong khi tình hình cấp bách, chiến trường đang cần người chiến đấu nên sau khi được băng, chú tôi tiếp tục tình nguyện làm nhiệm vụ.
Đến ngày 27/4, Tiểu đoàn chú Chiến được giao nhiệm vụ bảo vệ và yểm hộ cầu Ông Dầu (nay thuộc Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) để các đơn vị vào giải phóng Sài Gòn chú tôi tiếp tục trúng đạn pháo của địch. Vết đạn pháo đã khiến chú bị thương nặng ở đầu và lưng.
Khi chú được đồng đội đưa về Trạm quân y Sư đoàn thì cũng là lúc chú trút hơi thở cuối cùng. Cửa ngõ Sài Gòn được mở để quân ta nhanh chóng giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước sau đó chỉ 3 ngày. Vậy là ngày đất nước thống nhất cũng là thời điểm chú tôi mãi nằm lại nơi chiến trường.
“Chiến ở cùng Sư Đoàn, cùng quê với tôi, lại là học sinh của vợ tôi nên vào đó cũng thỉnh thoảng trò chuyện. Nhưng tiểu đoàn của Chiến trực tiếp chiến đấu còn tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ phục vụ hậu cần phía sau.
Khi tôi đến Trạm quân y Sư Đoàn thì cũng là lúc Chiến hy sinh”, ông Nguyễn Huy Giang - cán bộ hậu cần Sư Đoàn 341 thời điểm đó (quê xã Nghi Liên, TP.Vinh, Nghệ An) nhớ lại.
Từ lá thư của ông Giang, gia đình tôi đã nhận được tin buồn việc chú tôi hy sinh trong những ngày đất nước vui mừng giải phóng đất nước. Đến tháng 6/1975, gia đình tôi nhận giấy bảo tử từ đơn vị chú.
“Sau khi giải phóng Sài Gòn trong lá thư chồng tôi gửi về có báo tin cậu học trò của tôi là Chiến đã hy sinh. Sợ gia đình sốc nên tôi chỉ dám báo tin cho anh trai Chiến từ chiến trường mới về.
Nhưng khoảng 1 tháng sau đó thì đơn vị gửi giấy báo tử về cho gia đình Chiến. Chiến hy sinh khi mới có 18 tuổi”, bà Nguyễn Thị Việt (vợ ông Giang) cho biết.
"Khi chú Chiến hy sinh chỉ mới 18 tuổi, còn trẻ quá. Mãi năm 1978, trong một chuyến đi công tác qua tôi mới vào để thắp hương cho chú ấy được. Giờ chú ấy đang yên nghỉ cùng hơn 1200 đồng đội tại nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai", ông Nguyễn Xuân Lý bùi ngùi cho biết.
40 năm qua ngày tất cả mọi người dân nước Việt hát bài ca mừng giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước cũng là lúc gia đình tôi thắp nén nhang tưởng nhớ đến chú.
Hôm nay, đúng ngày chú hy sinh, dù thương nhớ, nhưng cả nhà ai cũng tự hào vì sự hy sinh của chú đã đóng góp cho sự thống nhất đất nước ngày hôm nay.