Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì, ông Lê Văn Dục nhận trách nhiệm

06/07/2018 15:29
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì, ban quản trị chung cư không được thành lập… là các vấn đề nóng đại biểu hội đồng nhân dân Hà Nội chất vấn.

Sáng nay, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất là quản lý, vận hành nhà chung cư.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, tổ đại biểu Hoàng Mai nêu: “Toàn thành phố hiện có 137 toà chung cư xây dựng trước năm 2005. Nhiều tòa chung cư không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều toà chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập ban quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật.

Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện cưỡng chế chủ đầu tư để bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các chung cư nhưng việc này chưa được thực hiện hiệu quả.

Đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề này và cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới?".

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Không chỉ đại biểu Quân, nhiều đại biểu khác cũng quan tâm, chất vấn về việc tranh chấp quỹ bảo trì tại các tòa nhà chung cư.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - ông Lê Văn Dục cho biết, dù 2 năm qua thành phố đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư song thực tế vẫn còn nhiều tồn tại.

Hiện toàn thành phố có 688 nhà chung cư thương mại, 168 nhà chung cư tái định cư.

Theo ông Dục, những hạn chế mà các đại biểu nêu là hoàn toàn đúng.

“Có nhiều phản ánh chủ đầu tư cố tình không bàn giao cho ban quản trị các toà nhà chung cư thương mại, tỷ lệ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị còn thấp và chậm chễ…

Về nguyên nhân, đối với nhà thương mại, có tình trạng chủ đầu tư các tòa nhà không muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, hoặc tổ chức nhưng người dân tham gia không đáp ứng đủ tỷ lệ 50-70% theo quy định.

Trách nhiệm trong việc này thuộc về cả chủ đầu tư lẫn người dân”, ông Dục nói.

Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì, ông Lê Văn Dục nhận trách nhiệm ảnh 2Giữa Thủ đô, cả tòa nhà 30 tầng 700 căn hộ "chui qua lỗ kim", xây không phép

Theo lãnh đạo sở Xây dựng, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra các tồn tại nói trên, từ tổ chức hội nghị nhà chung cư, bàn giao hồ sơ, bàn giao diện tích chung riêng trong đó có diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng tại các tòa nhà chung cư… thuộc về Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

“Còn với Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề yêu cầu chủ đầu tư các nhà chung cư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà. Đây cũng là việc khó nhất”, ông Dục nói.

Đồng thời ông chỉ rõ: “Nguyên nhân vẫn là do chúng ta chưa vào cuộc kiên quyết”.

Về giải pháp, 2 năm qua, Sở Xây dựng đã tăng cường kiểm tra và xử phạt các vi phạm theo quy định.

Mặt khác, có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư nhà chung cư phải bàn giao quỹ bảo trì 2% cho ban quản trị các tòa nhà.

Đến thời điểm này đã có 184 nhà trên tổng số 688 tòa nhà chung cư được bàn giao quỹ bảo trì này, dù vậy đây vẫn là tỷ lệ quá thấp.

“Tỷ lệ thấp như vậy nên đương nhiên dẫn đến có tranh chấp. Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Sở Xây dựng. Chúng tôi xin nhận”, ông Dục nói.

Ông Lê Văn Dục cho biết: "Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định cưỡng chế với những chủ đầu tư chung cư cố tình vi phạm, chây ì không thực hiện các quyết định, văn bản của thành phố. Đây là chế tài mạnh nhất".

Song theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, quan trọng hơn vẫn là Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt khi mà chủ đầu tư không thực hiện.

Ngoài ra, người dân ở các tòa nhà cũng phải có trách nhiệm cùng tham gia.

Cũng tại phiên họp sáng nay, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) nêu hiện nay trên địa bàn một số quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy… còn nhiều toà nhà chung cư thương mại chưa thành lập đuợc ban quản trị, chậm bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì 2%… Việc này khiến cư dân bức xúc, khiếu nại gây phức tạp an ninh, trật tự.

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của quận trong việc thực hiện nhiệm vụ tăng cuờng  hiệu lực trong quản lý nhà chung cư?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo các quận được đề cập đã có ý ký kiến giải trình. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy - ông Bùi Tuấn Anh cho biết, hiện trên địa bàn quận có các loại chung cư gồm: chung cư cũ, chung cư cao tầng, chung cư thương mại, chung cư tái định cư.

Nội dung được quan tâm nhất là công tác phòng cháy chữa cháy và công tác vận hành quản lý hoạt động của các tòa chung cư cũ.

Hiện nay với 123 chung cư cao tầng đã thành lập 89 ban quản trị.

Các tòa chưa thành lập được ban quản trị là do các chủ đầu tư vẫn đang trì hoãn.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà tái định cư không có quỹ bảo trì, không đảm bảo tài chính duy tu nên cư dân không muốn thành lập ban quản trị.

Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì, ông Lê Văn Dục nhận trách nhiệm ảnh 3Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khuyên nên tẩy chay, không mua chung cư mini

Về vấn đề này, thành phố đã có chỉ đạo ban quản lý các công trình xây dựng và quận để bổ sung các hạng mục phòng cháy chữa cháy, hạng mục sửa chữa.

“Trong thời gian tới, quận sẽ phối hợp với các đơn vị để thành lập ban quản trị. Về 21 mặt bằng tầng 1, quận đang phối hợp với Sở Xây dựng đang phối hợp tiếp tục làm”, ông Tuấn Anh cho hay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai - ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quận Hoàng Mai đã thành lập được 72/106 ban quản trị tại các nhà chung cư.

Đối với những căn chung cư còn lại chưa thành lập ban quản trị thì có nguyên nhân cụ thể.

Thứ nhất là tại nhiều khu nhà, cư dân ở đó rất đồng tình với việc chủ đầu tư điều hành, quản lý và cho rằng, nhiều tòa nhà sau khi thành lập ban quản trị thì việc duy tôn, duy trì nhà kém hơn so với thời điểm chủ đầu tư quản lý.

Thứ hai là có nhiều tòa nhà chưa đảm bảo đủ số người dân vào ở.

Thứ ba là khi tổ chức hội nghị nhà chung cư, thì có khá nhiều cư dân không tới tham dự.

Đỗ Thơm