Nikkei Asian Review ngày 4/1 bình luận, chủ nghĩa trọng thương mới của Thủ tướng Shinzo Abe đang đơm hoa kết trái cho Nhật Bản khi nhận định về chiến lược thúc đẩy xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Nhật ra nước ngoài.
Chỉ vài ngày trước khi nhậm chức Thủ tướng lần thứ 2 vào tháng 12/2012, ông Shinzo Abe đã nói với các phụ tá thân cận của mình về việc phát triển một chiến lược mới, thúc đẩy xuất khẩu cơ sở hạ tầng Nhật Bản ra nước ngoài. Ông Abe xem đây là một phần chủ yếu trong chương trình nghị sự của mình ở cương vị Thủ tướng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Reuters. |
"Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, chính phủ không nên ngần ngại cung cấp sự hỗ trợ về mặt chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng Shinzo Abe nói với Takaya Imai, một chuyên gia tư vấn hiện đang là thư ký riêng của ông.
Động thái này đánh dấu sự ra đời của "Chủ nghĩa Trọng thương mới" mang tên Shinzo Abe, mục đích chính là để giúp các doanh nghiệp Nhật giành được các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở nước ngoài thông qua hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với khối doanh nghiệp tư nhân.
Học từ quá khứ
Trong tháng 12/2009 khi đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền, tập đoàn liên doanh Nhật - Mỹ Hitachi đã thất bại trong việc đấu thầu hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Các tiểu Vương quốc Ả Rập. Hitachia đã thua một doanh nghiệp Hàn Quốc chưa bao giờ chiếm được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.
Thời điểm đó chính phủ Nhật Bản kiềm chế việc tham gia đấu thầu, còn chính phủ Hàn Quốc lại hỗ trợ hoàn toàn cho tập đoàn Korea Electric Power. Ở Hàn Quốc, mỗi một ngành công nghiệp hầu như chỉ có một doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong khi ở Nhật Bản thì ngược lại, mỗi ngành có nhiều doanh nghiệp mạnh.
Đó là một trong những lý do khiến lâu nay chính phủ Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng tập trung hỗ trợ chính sách cho một doanh nghiệp cụ thể. Thái độ này không phải không hợp lý, nhưng có thể nó đã góp phần khiến hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Các tiểu Vương quốc Ả Rập tuột khỏi tay Hitachi.
Thất bại này khiến chính phủ cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama thiết lập một Hội đồng Bộ trưởng thúc đẩy xuất khẩu các gói cơ sở hạ tầng và dịch vụ của Nhật Bản. Hội đồng đã quyết định mở rộng chính sách hỗ trợ đầu tư cho các công ty hoạt động trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, trong khi các Bộ trưởng liên quan bắt tay vào chào hàng xuất khẩu cơ sở hạ tầng Nhật Bản.
Tuy nhiên những nỗ lực này đã vấp phải phản đối từ trong đảng Dân chủ Nhật Bản. Một số nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng này đã vận động cho lệnh cấm tài trợ chính trị cho các doanh nghiệp, tránh để đảng này có quan hệ chặt chẽ với các công ty cụ thể.
Tình hình đã thay đổi đáng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền.
Chủ nghĩa trọng thương mới
Tadashi Maeda, Giám đốc điều hành tại Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa chính sách này của Thủ tướng Shinzo Abe thành hành động.
Tàu cao tốc tại Đài Loan do Nhật Bản xây dựng, ảnh: Nikkei Asian Review. |
"Đối với các công ty cơ sở hạ tầng của Nhật Bản, thị trường nước ngoài vẫn là vùng đất mới chưa được khám phá. Chính phủ và các cơ quan hành chính công cần phải được tham gia vào các dự án cá nhân để thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, tăng cường xuất khẩu cơ sở hạ tầng", Maeda cho biết.
Để triển khai chiến lược này, Maeda đã giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật Bản những cơ hội về đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài và phục vụ như một cơ quan trung gian, kết nối các doanh nghiệp Nhật với các dự án đấu thầu ở nước ngoài.
Nhật Bản đã giành 16 ngàn tỉ yên (khoảng 131 tỉ USD) vốn vay cho các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong năm 2013, tăng từ 10 ngàn tỉ yên năm 2010.
Trong số này, các hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đặc biệt hấm dẫn, với ước tính trị giá 500 tỉ yên mỗi lò, đi kèm dịch vụ vận hành và bảo trì. Đây là một cơ hội rất lớn cho nhiều công ty trong số hơn 500 doanh nghiệp Nhật Bản thuộc ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân.
Chính phủ Nhật Bản cũng lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ một cách thận trọng để tránh thiên vị.
Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện cam kết của mình một cách rõ ràng. Ông đã có 5 lần đàm phán hoặc nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong năm qua. Mỗi dịp gặp nhau, ông Abe đều hối thúc Thủ tướng Ấn Độ hỗ trợ thông qua dự án đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại quốc gia này.
Trung Quốc là đối thủ chính
Mục tiêu tiếp theo của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe là thị trường Mỹ. Nội các của ông đang hỗ trợ tập đoàn Đường sắt Nhật Bản (JR Tokai) tham gia đấu thầu xây dựng đường sắt cao tốc ở Texas và một tuyến đường sắt kết nối các thành phố lớn trên bờ biển miền Đông Hoa Kỳ.
Tuy nhiên Nhật Bản đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực xuất khẩu cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Tại Indonesia, Nhật Bản đã thua Trung Quốc trong việc đấu thầu hợp đồng xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc.
Cuộc chiến tiếp theo giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể sẽ diễn ra trong việc tranh giành gói thầu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Malaysia với Singapore. Trong bối cảnh đó, chiến dịch của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy xuất khẩu các công nghệ và dịch vụ hạ tầng có tác động lớn đến chiến lược ngoại giao của ông.