Hải quân Trung Quốc |
Tờ “Liên hợp Buổi sáng”, Singapore ngày 8/9 đưa tin, Sách trắng “Phát triển hòa bình của Trung Quốc” đã tái khẳng định Trung Quốc quyết tâm lựa chọn đi theo con đường phát triển hòa bình, nhưng cũng đã lần đầu tiên tuyên bố rõ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ 6 lợi ích cốt lõi quốc gia lớn, đó là:
chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị quốc gia theo quy định của Hiến pháp và ổn định đại cục xã hội, sự bảo đảm cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Động thái này rõ ràng là muốn nhắc nhở các nước trên thế giới cần phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai chính phủ Trung Quốc lấy “phát triển hòa bình” làm chủ đề công bố sách trắng. So với sách trắng “Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc” được công bố tháng 12/2005, sách trắng lần này không chỉ một mực nhấn mạnh con đường chung sống hòa bình với nước khác, mà còn biện hộ cho vấn đề tăng cường sức mạnh quân sự mà cộng đồng quốc tế rất quan tâm trong thời gian gần đây, cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện sách lược quốc phòng mang tính phòng ngự, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng để hiện đại hóa quân đội cũng là hợp lý và thích hợp.
Ngày 6/9/2011, Trung Quốc công bố Sách trắng "Phát triển Hòa bình của Trung Quốc" |
Tuy nhiên, nhìn vào các mục đích căn bản của hiện đại hóa quân đội Trung Quốc được sách trắng chỉ ra gồm bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm lợi ích phát triển quốc gia và quan điểm “người không xâm phạm ta, ta sẽ không xâm phạm người” thì có thể thấy rằng mặc dù Trung Quốc chủ trương đi theo con đường phát triển hòa bình, nhưng tuyệt đối không hy sinh lợi ích cốt lõi quốc gia, một khi lợi ích cốt lõi bị xâm phạm, tình hình “người xâm phạm ta thì ta chắc chắn sẽ xâm phạm người” sẽ xuất hiện, Trung Quốc cũng có thể sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích cốt lõi.
Trong số 6 lợi ích cốt lõi lớn, 2 lợi ích cốt lõi đầu tiên gồm chủ quyền quốc gia và an ninh quốc gia, hàm nghĩa tương đối rõ ràng. Còn 4 lợi ích cốt lõi sau hoặc là liên quan đến các nhân tố lịch sử và thực tế phức tạp, hoặc là liên quan đến tình hình quốc gia đặc biệt của Trung Quốc, cần thiết phải tiếp tục xem xét.
Trước khi Yoshihiko Noda lên làm Thủ tướng, Tân Hoa xã đặt điều kiện tôn trọng lợi ích cốt lõi (đảo Điếu Ngư) cho việc cải thiện quan hệ Trung-Nhật |
Trước hết nói về toàn vẹn lãnh thổ, Sách trắng tuy không nói cụ thể, nhưng nó bao gồm các vùng lãnh thổ còn tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, như đảo Điếu Ngư, các hòn đảo và vùng biển trên biển Đông.
Trên thực tế, vào cuối tháng 8/2011, khi Tổng thống Philippinese Aquino đang ở thăm Trung Quốc cũng như trước thềm nhậm chức Tân Thủ tướng Nhật Bản của Yoshihiko Noda, Tân Hoa Xã đã có bài viết đề cập rõ ràng về toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông và đảo Điếu Ngư, yêu cầu hai nước Philippinese và Nhật Bản tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Ngay sau đó, chính phủ Trung Quốc lại công bố sách trắng chỉ rõ toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi, chắc chắn là thông báo chính thức cho cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc có chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ có tranh chấp này. Lập trường cứng rắn này sẽ không tránh khỏi gây ra hoài nghi cho các nước láng giềng.
Mặc dù sách trắng cũng cho biết “Trung Quốc tôn trọng đầy đủ quyền lợi chính đáng bảo vệ lợi ích quốc gia của các nước, cùng với việc tích cực phát triển nước mình, quan tâm đầy đủ tới mối quan tâm và lợi ích chính đáng của các nước khác, tuyệt đối không làm những việc hại người lợi ta, gắp lửa bỏ tay người”, nhưng khi xảy ra xung đột về lợi ích cốt lõi giữa hai bên, Trung Quốc cần hết sức nỗ lực tối đa, lấy “đối thoại và đàm phán” (theo chủ trương của sách trắng) làm “con đường hữu hiệu và tin cậy duy nhất để giải quyết tranh chấp” nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp với các nước láng giềng.
Khi Tổng thống Philippinese đang ở thăm Trung Quốc, Tân Hoa xã đòi Philippinese tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trên biển Đông |
“Lợi ích cốt lõi” thống nhất quốc gia rõ ràng là nhằm vào Đài Loan. Trung Quốc luôn coi vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi, điều này chẳng qua là tiến hành khẳng định bằng hình thức sách trắng. Tín hiệu truyền đi của nó tương đối rõ ràng, tức là Trung Quốc tuyệt đối không cho phép các thế lực “Đài Loan độc lập” lớn mạnh, bao gồm “Đài Loan độc lập” công khai (công khai chủ trương độc lập) và “Đài Loan độc lập” ngầm (cản trở thống nhất), cũng sẽ không cho phép các thế lực bên ngoài (đứng sau ủng hộ Đài Loan độc lập) xâm phạm lợi ích cốt lõi này của Trung Quốc.
Còn 2 lợi ích cốt lõi sau cùng, tức là “chế độ chính trị quốc gia theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và ổn định đại cục xã hội, bảo đảm cơ bản cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội” chủ yếu là chỉ phương châm thi hành chính sách và biện pháp bảo vệ ổn định thể chế chính trị hiện nay và xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Điều này muốn nhắc nhở các nước (có chế độ chính trị khác Trung Quốc) muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, thì phải tôn trọng một thực tế đó là Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đồng thời phải tiếp nhận chế độ xã hội của Trung Quốc. Nói cách khác, bất kỳ hành vi nào có ý đồ thay đổi thể chế chính trị hiện nay của Trung Quốc bao gồm “diễn biến hòa bình”, không chỉ bị coi là can thiệp công việc nội bộ, mà còn bị coi là xâm phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Nói chung, nội dung cốt lõi của Sách trắng là nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ xưng bá, nguyện chung sống hòa bình với các nước. Cho dù như vậy, sách trắng có một tín hiệu rất rõ ràng, tức là Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực tối đa để bảo vệ hòa bình, cũng có thể vì vậy mà tiến hành thỏa hiệp và nhượng bộ thích hợp, nhưng 6 lợi ích cốt lõi lớn này là “vạch đỏ” của Trung Quốc, một khi vượt qua nó tức là xâm phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì còn có hòa bình hay không? Đây là hàm ý thông báo cho bên ngoài của sách trắng.