Ông Shwe Mann và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 4/2015. Ảnh: Đa Chiều. |
Đài BBC ngày 13/8 đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Myanmar ông Shwe Mann vừa bị phế truất khỏi chức vụ Chủ tịch đảng cầm quyền USDP sau một cuộc tranh giành quyền lực trong đảng. Ông Shwe Mann được coi là đối thủ chủ yếu của Tổng thống Thein Sein trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới sẽ diễn ra 3 tháng nữa.
Theo hãng thông tấn Bloomberg hôm 13/8, Tổng thống Thein Sein đã quyết định để Phó chủ tịch USDP Htay Oo thay thế vị trí của ông Shwe Mann làm Chủ tịch đảng, ông Tin Nangin Thein - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống làm Tổng thư ký đảng USDP thay Maung Maung Thein, một đồng minh của ông Shwe Mann. Cả hai nhân vật này được cho là có quan điểm ủng hộ Thein Sein.
Reuters ngày 13/8 dẫn bình luận của Giám đốc Viện Tampadipa, Khin Zaw Win cho rằng động thái trên mở đường cho nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2 của ông Thein Sein. Đối thủ chính của đương kim Tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đã bị loại bỏ. Christian Lewis, nhà phân tích rủi ro chính trị tại tập đoàn Eurasia có chung quan điểm trên.
Ngày 8/11 tới Myanmar sẽ diễn ra cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong vòng 25 năm qua, Reuter lưu ý. Theo BBC, có thông tin nói rằng ông Shwe Mann đang thảo luận về một liên minh với lãnh tụ phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi.
Đảng Liên đoàn Dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi được cho là sẽ giành được kết quả tốt trong cuộc bầu cử ngày 7/11 tới, nhưng bản thân bà không thể tranh cử Tổng thống vì có con mang quốc tịch nước ngoài.
Phe "thân Trung Quốc"
Đa Chiều ngày 14/8 bình luận, Shwe Mann và đồng minh của ông được xem như phe thân Trung Quốc trong chính quyền Myamar hiện nay. Sau khi trở thành Chủ tịch Quốc hội, ông Shwe Mann đã thăm Trung Quốc các năm 2011, 2012, 2014 và tháng 4/2015.
Đặc biệt kể từ khi trở thành Chủ tịch đảng USDP, hai lần thăm Trung Quốc gần đây Shwe Mann đều được Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và các quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc đón tiếp nồng hậu. Đáng chú ý, lãnh đạo Trung Quốc không chỉ phát triển quan hệ với Shwe Mann mà năm nay ông Tập Cận Bình còn "bất ngờ" mời lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình tiếp bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: SCMP. |
South China Morning Post ngày 14/6 bình luận, dưới thời ông Tập Cận Bình, chủ nghĩa thực dụng hiện nay đã chiếm ưu thế hơn hẳn ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của các đối tác trong chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện hành. Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách không can thiệp vào công việc nước khác nếu thấy cần thiết để bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ và mưu cầu một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Xu thế này biểu hiện rõ nét trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phe đối lập Myanmar và là người đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vì đấu tranh cho tự do, dân chủ ở quốc gia láng giềng phía Tây Nam Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của ông Tập Cận bình đã có sự sẵn sàng hợp tác, trao đổi ý kiến với các chính trị gia mà không có gì trở ngại về ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của họ. Trung Quốc đã và đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng đến Myanmar thông qua cách tiếp cận thực dụng và nhiều sắc thái tự do.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Phi tại Indonesia tháng 4 vừa qua, ông Tập Cận Bình có hội đàm với Tổng thống Thein Sein và nhắc đến khủng hoảng biên giới Trung - Miến, mong muốn hai bên sớm ổn định tình hình nhưng ông Thein Sein không trả lời thẳng vào vấn đề này. Trong khi đó Shwe Mann thăm Trung Quốc đã nói với ông Tập Cận Bình:
"Một năm trước khi thăm Trung Quốc và hội kiến với ngài, tôi đã cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng ấm và sự quan tâm của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc và cá nhân ngài đối với Myanmar. Myanmar cảm ơn Trung Quốc lâu nay luôn giúp đỡ vô tư, quyết tâm phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Myanmar, đảng USDP cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với đảng Cộng sản Trung Quốc".
Đa Chiều bình luận, phản ứng của 2 nhà lãnh đạo Myanmar cho thấy cả Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch đảng USDP Shwe Mann đều không có vai trò thực tế trong việc khống chế tình hình Bắc Myanmar.
Ông Shwe Mann và ông Thein Sein trong một lần cùng xuất hiện năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Shwe Mann nhận được tín hiệu ủng hộ rõ rệt từ Trung Nam Hải so với Thein Sein. Chuyến thăm Bắc Kinh tháng 4 vừa qua của Shwe Mann cũng được dư luận cho rằng nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong bầu cử Tổng thống sắp tới.
Mâu thuẫn với quân đội mới là nguyên nhân bị "phế truất"
Đa Chiều cho rằng việc ông Shwe Mann bị loại khỏi ghế Chủ tịch đảng USDP chẳng phải vì quá thân Trung Quốc, mà bởi ông này đã phạm sai lầm khi đòi sửa Hiến pháp truất bớt quyền lực của quân đội trong bộ máy nhà nước. Hiến pháp Myanmar quy định 25% số ghế đại biểu Thượng viện cũng như Hạ viện mặc nhiên thuộc về quân đội mà không cần qua bầu cử.
Theo Đa Chiều, trong bộ máy chính quyền Myanmar hiện nay phe thân Mỹ thì quá rõ nét, nhưng không có một phe "thân Trung Quốc thực sự". Dù Tổng thống tiếp theo của Myanmar không phải người thân Trung Quốc, thì Myanmar vẫn khó "thoát Trung", bởi mưu cầu lợi ích tối đa hóa trong quan hệ với các nước lớn vẫn là lựa chọn của bất kỳ ai khi lên lãnh đạo quốc gia này.
Người dân Myanmar mong muốn hợp tác với phương Tây và Mỹ, về mặt kinh tế họ hy vọng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và mở cửa thị trường sang Hoa Kỳ. Đối với Myanmar, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng, nhưng không phải là không thể thay thế.
Đa Chiều nhận định, với Trung Nam Hải, hợp tác hữu nghị Trung - Miến giờ chỉ còn là câu chữ, muốn duy trì quan hệ với Myanmar thì việc cần làm không phải là nuôi dưỡng một phe thân Trung Quốc trong chính quyền, mà Bắc Kinh phải nhanh chóng củng cố tính chất không thể thay thế của quan hệ giao lưu hợp tác kinh tế thương mại Trung - Miến.