Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, vụ việc ông Huỳnh Ngữ Siêu – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Công ích Nhà Bè lùi xe cán gãy chân Cảnh sát khu vực nhẹ nhất phải bị xử lý về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Luật sư Lễ phân tích, hành vi “Chống người thi hành công vụ” được hiểu là hành vi xâm phạm vào hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ (ảnh nhỏ), cán bộ có liên quan và hiện trường vụ việc. (Ảnh: H.L) |
Người thi hành công vụ là người đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Do đó, cơ quan điều tra cần xác định làm rõ các yếu tố: Trách nhiệm của anh Phạm Khánh Vũ có phải người thi hành công vụ hay không.
Anh Vũ có mặt ở phà Bình Khánh có phải là nhiệm vụ cụ thể được cấp trên giao cho để điều tiết và giữ gìn an ninh trật tự tại bến phà không?
Hành vi của ông Huỳnh Ngữ Siêu cố thủ trong xe trong thời gian khá lâu để muốn an toàn cho bản thân hay chống lại mệnh lệnh của anh Vũ cũng phải làm rõ.
Luật sư Lễ nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cũng phải làm rõ việc ông Siêu có biết hay không biết anh Vũ đang đứng ở phía sau và bị ông Siêu cố tình cho lùi xe cán lên chân hay không?”.
Nếu kết luận xác định ông Siêu thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra là có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ”.
Trong các hành vi quy định ở Điều 330, Điều 134 và 318, cụ thể: “Tội chống người thi hành công vụ”, “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” và “Tội gây rối trật tự công cộng” thì “Tội chống người thi hành công vụ” là nặng nhất.
Chính quyền vào cuộc vụ ông Huỳnh Ngữ Siêu cán gãy chân Cảnh sát |
Do đó, nếu xác định ông Siêu có hành vi “Chống người thi hành công vụ” thì cũng không cần xem đến hành vi “Gây rối trật tự công cộng” nữa.
Liên quan đến vụ việc, khoảng 18h50 phút, ngày 24/7, bà Phượng (đã đổi tên nhân vật, công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ) điều khiển xe 4 chỗ hướng từ huyện Cần Giờ về huyện Nhà Bè.
Trên xe, còn có ông Phong (đã đổi tên nhân vật) là cấp trên của bà Phượng.
Khi bà Phượng điều khiển xe chuẩn bị vào đường dẫn để lên phà Bình Khánh (ấp Bình Phước) thì ông Siêu điều khiển xe ô tô 7 chỗ lao lên phía trước chặn đầu.
Ông Siêu buộc bà Phượng phải dừng phương tiện rồi la lớn rằng, bà Phượng là vợ ông Siêu đang chở “bồ” trên xe.
Ông Siêu tìm cách lao sang xe 4 chỗ để hành hung người đàn ông ngồi trong xe nhưng được mọi người can ngăn.
Vụ việc khiến các phương tiện lên xuống bến phà bị ùn ứ nên người dân nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng.
Nhận tin, lực lượng Cảnh sát khu vực ấp Bình Phước có mặt để phong tỏa hiện trường và điều tiết các phương tiện qua lại.
Anh Phạm Khánh Vũ – Cảnh sát khu vực xã Bình Khánh có mặt tại hiện trường và yêu cầu ông Siêu cùng những người có liên quan phải ổn định trật tự để tránh ùn tắc.
Sau đó, anh Vũ ra hiệu lệnh cho ông Siêu cùng mọi người tấp xe vào bên trong để xử lý vụ việc.
Lúc này, anh Vũ đứng ở bên trái, sát xe 7 chỗ đã bị ông Siêu cho xe lùi về phía sau và cán gãy chân phải.
Phát hiện sự việc, mọi người đưa anh Vũ đến Trạm Y tế xã Bình Khánh để sơ cứu và chuyển đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định anh Vũ bị đa chấn thương.
Điều 330: Tội chống người thi hành công vụ 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. |