Sáng 15/2 (tức 6/1 âm lịch), trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, tại xã Kim Phú, Thành phố Tuyên Quang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự, phát biểu và đánh trống phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn 2024.
Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức.
Cùng dự Lễ phát động có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành; đông đảo đại diện các tầng lớp nhân nhân, cơ quan, đơn vị tỉnh Tuyên Quang.
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 3 năm qua, cả nước đã trồng được 770 triệu cây xanh, đạt 121% kế hoạch với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân.
Nhiều địa phương, đơn vị đạt kết quả cao như Phú Thọ, Long An, Nghệ An, Tuyên Quang, Lai Châu, Cà Mau, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các doanh nghiệp…
3 năm qua, nguồn vốn đầu tư cho trồng rừng khoảng 9.450 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm 43,5%, vốn ngân sách khoảng 24%. Riêng năm ngoái cả nước trồng được 260 nghìn ha rừng tập trung, 127 triệu cây rừng phân tán. Tỷ lệ che phủ rừng cả nước khoảng 42,02%. Đặc biệt, nước ta đã bán được tín chỉ các-bon và thu được gần 1.200 tỉ đồng. Năm 2024, mục tiêu cả nước trồng 245 nghìn ha rừng, trồng 127 triệu cây phân tán, duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,02%.
Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hơn 6 thập niên đã trôi qua, "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đã trở thành truyền thống, một tập quán, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân đã đạt được trong thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025.
Cùng với cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng, giàu lịch sử, bản sắc văn hóa, luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh, đời sống người dân ngày càng tiến bộ. Mỗi năm Tuyên Quang trồng trên 11 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65%, đứng nhóm đầu cả nước, đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực mà Tuyên Quang đã đạt được, biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều sáng kiến, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, Chủ tịch nước nêu rõ, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng.
Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân Tuyên Quang với truyền thống quê hương cách mạng vẻ vang, với khát vọng xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp và phồn vinh, có kế hoạch và hành động thật cụ thể, thiết thực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, gắn trồng cây gây rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch nước đề nghị các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Chủ tịch nước lưu ý, việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo các tổ chức quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỉ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.
Chủ tịch nước nêu rõ: "Mùa Xuân là mùa của chồi non, lộc biếc, mùa của gieo niềm hy vọng. Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa. Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp cho sự sống của chúng ta, vì vậy, chúng ta cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp. Đó là hành động góp phần xây dựng đất nước ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, vì một Trái đất Xanh!"
Sau phát biểu phát động, Chủ tịch nước đã đánh trống phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và cùng các đồng chí lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành và đại diện đông đảo tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang tham gia trồng cây trên địa bàn xã Kim Phú.
Tiếp đó trong sáng 15/2, Chủ tịch nước dự Lễ và cắt băng khánh thành Dự án đường trục phát triển đô thị từ Thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn K14 Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang.
Dự án có vốn đầu tư 635 tỷ đồng, thuộc loại đường giao thông cấp 2, có chiều dài hơn 10km, mở mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đô thị.
Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ của tỉnh, rút ngắn thời gian từ Thành phố Tuyên Quang đi huyện Yên Sơn, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương.