Tại chương trình tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 4, TP.HCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 12/10 trước khi kỳ họp Quốc hội bắt đầu, nhiều cử tri đã phát biểu sôi nổi nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác chống tham nhũng.
Cử tri yêu cầu không bỏ án tử hình với tội tham nhũng
Phát biểu về vấn đề này, cử tri Nguyễn Tố (quận 1, TP.HCM) đề nghị: “Kiên quyết không nên bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng. Ngoài ra, Nhà nước thu hồi bao nhiêu thì phải công khai cho dân được biết”.
Cũng đồng quan điểm này, cử tri Nguyễn Trung Dũng (quận 1) cũng cho rằng: Tuyệt đối tránh để tình trạng “Hy sinh đời bố, củng cố đời con, vào tù vài năm rồi ra, mà tiền tham nhũng thì không thu hồi được”.
Cùng lúc, cử tri Dũng còn đề nghị cần phải tìm ra được nhiều “Bao công” xử án tham nhũng. Cũng giống như vậy, các cử tri Nguyễn Minh Ngọc (quận 4), Lê Đình Cây (quận 1) đều có quan điểm giống cử tri Dũng là không nên bỏ tội danh tử hình với loại án tham nhũng.
Ngoài ra, cử tri Cây còn cho rằng, hiện án tham nhũng không những giảm, mà còn tăng so với trước. Cử tri Cây lý giải cho ý kiến của mình “Vì án tham nhũng đã len lỏi vào tận những nơi đề cao tính công minh, liêm chính như ngành Công an, trong trường học”.
Chủ tịch nước trò chuyện thân mật với cử tri quận 4, TP.HCM chiều 12/10 (ảnh: T.Q) |
Giải đáp cho cử tri 2 quận nội thành TP.HCM về vấn đề này, thay mặt lãnh đạo Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: Chủ đề chống tham nhũng khi tiếp xúc cử tri lúc nào cũng “nóng”. Theo Chủ tịch nước, chống tham nhũng đã và đang được các cấp, các ngành thực hiện rốt ráo.
“Lần này, Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo trung ương, đốc thúc rất dữ và đã có kết quả” – Chủ tịch nước nói tiếp.
Dù đã làm khá hơn, nghiêm minh hơn nhiều so với trước, nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận, so với mục tiêu là ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng thì vẫn chưa đạt.
“Dù bà con có cả khen và chê, nhưng đi đến đâu, chưa có ai thừa nhận là đẩy lùi được cả, cho nên mục tiêu là chưa đạt được, dù chúng ta đã làm được rất nhiều việc” – Chủ tịch nước giải thích.
Cuối cùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi gắm tới các cử tri: “Tôi mong cô bác cử tri tiếp tục giám sát theo sự hiểu biết của mình, ở nơi này hay nơi kia, chỗ công tác hay ở nơi khu phố…Khi gặp chúng tôi, bà con hãy phản ánh hay chất vấn. Chính điều này sẽ thúc đẩy nhiệm vụ, mục tiêu này mỗi ngày mỗi tốt hơn”.
Biển Đông là vấn đề thiêng liêng của tổ quốc
Nói về tình hình biển Đông trong thời gian qua, các cử tri đều nhất trí cho rằng, Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, để tiến hành bồi đắp các bãi đá, biến nơi đây thành các hòn đảo quân sự.
Cử tri Trần Tâm (quận 4, TP.HCM) đặt câu hỏi: Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng vẫn rất băn khoăn, liệu chúng ta có đối sách khả thi, thậm chí là cứ rắn hơn nữa hay không để giữ vững chủ quyền, người dân yên tâm khai thác?
Cử tri quận 4 phát biểu tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước chiều 12/10 (ảnh: T.Q) |
Hồi đáp cho ý kiến này, Chủ tịch nước đã khẳng định: Biển Đông luôn là vấn đề lớn, thiêng liêng của tổ quốc, là vấn đề lâu dài. “Dù dài hay ngắn, thì lập trường của chúng ta trước sau vẫn như một, không thay đổi, mình phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của mình” – Chủ tịch nước nói.
Cũng theo Chủ tịch nước, hiện cả Asean và Trung Quốc đều đã thống nhất tiến tới COC (Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông), vì COC mang tính chất ràng buộc hơn DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông), do tuyên bố ứng xử, mà ai vi phạm thì lại chưa có chế tài.