LTS: Bộ phim Chủ tịch tỉnh của đạo diễn Bùi Huy Thuần và Bùi Quốc Việt khi phát sóng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Vì thế, dù phim đã kết thúc một thời gian nhưng dư âm của nó còn chưa dứt. Tòa soạn nhận được bài viết của một cựu chiến binh với những dòng đầy xúc cảm và tâm huyết với các vấn đề được nêu ra trong phim. Chúng tôi trân trọng đăng tải để bạn đọc cùng chia sẻ.
Chân tướng ông Chủ tịch tỉnh quá cố
Sau những ghi nhận của đông đảo khán giả xem Truyền hình về dòng phim chính luận, nhất là sự thành công của bộ phim Bí thư Tỉnh ủy, vừa qua, Trung tâm sản xuất phim truyền hình của đài Truyền Hình Việt Nam đã liên tiếp cho ra mắt khán giả nhiều bộ phim chính luận được chiếu trên VTV1 trong đó có phim Chủ tịch tỉnh của đạo diễn Bùi Huy Thuần và Bùi Quốc Việt được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là lớp người cao tuối.
Chuyện phim bắt đầu với nhân vật Chủ tịch tỉnh là một người lãnh đạo điển hình với những phẩm chất trong sáng, có năng lực, có quá trình cống hiến cho địa phương trong thời kỳ đổi mới, một tấm gương lãnh đạo tỉnh Đông Giang, được anh em cơ quan kính trọng, gia đình tin yêu. Đặc biệt trong đó là người vợ đang sống ở quê, do NSUT Thanh Hiền thể hiện, một người phụ nữ hiền lành, chất phác, chung thủy, chăm lo đến hạnh phúc gia đình, nuôi dạy các con để chồng chuyên tâm đến công việc lãnh đạo của tỉnh, coi đạo đức, lối sống và nhiệt tình trách nhiệm của chồng như một ánh hào quang để tin yêu và lấy đó là tấm gương để nhắc nhở các con noi theo.
Nhưng một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra, ông Chủ tịch đột ngột qua đời do tai nạn máy bay trong một chuyến công tác nước ngoài. Người xem có thể nhận biết công lao, đạo đức và nhân cách của ông Chủ tịch tỉnh qua bài Điếu Văn do Bí thư Tỉnh ủy đọc tại lễ truy điệu.
Mọi việc sẽ là tốt đẹp, con người này sẽ đi vào lịch sử của một địa phương nếu không có cuộc kiểm kê tư trang để bàn giao cho gia đình. Sự việc quá bất ngờ, khi mở tủ cá nhân của Chủ tịch ra, mọi người không thể tin vào mắt mình vì có nhiều vàng, đô la, tiền Việt, số tài sản quá lớn nên Thường vụ tỉnh ủy Đông Giang đã phải họp đột xuất để cân nhắc và đi đến quyết định để cho gia đình nhận số tài sản đó và nghị quyết cũng giao cho Ban tuyên giáo "cần phải chú ý đến công tác tư tưởng, nhắc nhở mọi người trong hội đồng kiểm kê tuyệt đối giữ bí mật sự việc". Về phía gia đình, cũng chỉ có người con trai ông Chủ tịch được biết, còn người vợ ở quê không hề biết gì về đời tư của chồng mình.
Chi tiết mở đầu của bộ phim đó đã làm cho người xem hết sức chú ý theo dõi và dư luận có nhiều ý kiến bình luận thực hư phẩm chất vị quan chức hàng đầu ở địa phương theo nhiều chiều khác nhau.
Cùng với số tài sản còn có một giấy chứng nhận quyền sở hữu 200m2 đất giá trị khoảng sáu tỷ đồng và một quyển nhật ký sau này người con trai của ông Chủ tịch đọc mới biết bố mình quan hệ với một người phụ nữ tên là Hồng, do Linh Huệ thể hiện, hai người đã có với nhau một người con trai.
Người tình của ông Chủ tịch, chính là người yêu của lái xe cho ông Chủ tịch tỉnh khi ông này còn là Bí thư Huyện ủy. Chuyện xảy ra hồi ấy, khi người lái xe gây tai nạn chết người, vì muốn nhẹ tội nên người lái xe đã bảo người yêu đến nhờ Bí thư Huyện ủy can thiệp với cơ quan pháp luật. Tình cờ lúc đó, chánh văn phòng Huyện ủy đến báo cáo công việc đã nhìn thấy việc làm trái đạo đức của ông và người cán bộ ấy sau này được Bí thư Huyện ủy quan tâm trở thành giám đốc, là em kết nghĩa của ông Chủ tịch, là chỗ thân tình với gia đình ông Chủ tịch tỉnh nhưng thực chất cũng là sự lợi dụng lẫn nhau để làm ăn khuất tất .
Từ cái chết của ông Chủ tịch tỉnh, sự thật về một người lãnh đạo chủ chốt được coi là chuẩn mực ở một địa phương đã được phơi bày, lòng tin và sự kính trọng đã biến thành thất vọng, kèm theo đó là những hệ lụy cho gia đình vợ con… Những mâu thuẫn trong nội bộ Tỉnh ủy cũng bắt đầu nảy sinh, tư tưởng cơ hội của những con người lãnh đạo cũng bộc lộ với nhiều góc độ và những toan tính nhiều thủ đoạn và tham vọng chức quyền khi Tỉnh ủy cơ cấu nhân sự Chủ tịch mới.
Những người đàn bà tham lam, lọc lõi
Bên cạnh sự tha hóa, tham nhũng, ăn chơi trụy lạc, của các quan chức địa phương thì phía sau là các bà vợ, những người đàn bà đầy tham lam lọc lõi, góp phần không nhỏ vào các vụ việc mắc ngoặc tiêu cực, tham nhũng. Đó là vợ Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, do NSUT Minh Hằng thể hiện; người đã bầy mưu tính kế lo lót cho chồng để có cơ hội lên chức Phó chủ tịch tỉnh đồng thời cũng là người tình của Phó chủ tịch thường trực tỉnh Đông Giang. Đó là bà vợ Bí thư Tỉnh ủy nhận ba trăm triệu tiền hối lộ của vợ Chánh văn phòng UBND tỉnh. Đó là con gái của Bí thư Tỉnh ủy đã lợi dụng danh nghĩa của bố để làm các dự án; là vợ Phó chủ tịch thường trực của tỉnh đã thúc giục chồng ký quyết định cấp phép dự án để có ô tô và cổ phần do chủ đầu tư hối lộ…
Các bà vợ quan chức này đã chi phối các mối quan hệ ở địa phương trong đó có vai trò chủ chốt đầu mối chạy các dự án là vợ chồng em kết nghĩa của ông Chủ tịch tỉnh đã qua đời. Chuyện phim diễn ra mâu thuẫn, kịch tính, phức tạp, đan xen giữa chức quyền, địa vị, tiền tài, danh vọng và cả ái tình, là những mối quan hệ lơi dụng lẫn nhau qua việc chỉ định thầu các dự án, một nguồn lợi có thể phất giàu lên nhanh chóng cho các quan chức địa phương.
Bộ phim không có nhiều những cảnh quay bạo lực, hy sinh đổ máu, chủ yếu là những cuộc đấu tranh nội bộ, quá trình điều tra vụ án diễn ra bình lặng nhưng không kém phần hấp dẫn, các tập phim đã hướng người xem đi đến tận cùng bản chất của sự việc.
Tấm gương sáng của một cựu cán bộ cao cấp và lớp người trẻ tuổi tiên tiến
Bộ phim cũng nêu lên tấm gương một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương đã nghỉ hưu tại tỉnh Đông Giang, ông Trần, do NSUT Anh Thái thể hiện. Ông luôn trăn trở với sự phát triển của địa phương, tham gia góp ý kiến với lãnh đạo Tỉnh ủy, bàn bạc tháo gỡ những khó khăn với địa phương: giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân hiến đất làm đường, chỉ ra những mặt bất cập trong cơ chế chính sách, phát hiện cho tỉnh những nhân tố mới, ông cũng không quên nhắc nhở và bày tỏ quan điểm về tình hình suy thoái của những cán bộ lãnh đạo và quan chức địa phương...
Trong cuôc sống hàng ngày, ông là một người giản dị trong sinh hoạt, gần gũi quần chúng nhân dân, đã nhiều lần Tỉnh ủy gợi ý thay đổi chỗ ở, sửa nhà cho ông nhưng ông đều từ chối.
Người xem rất thích với cảnh phim khi ông xuất hiện và rất tâm đắc với lời thoại của ông với Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Đông Giang. Qua đó, khán giả đọng lại tình cảm yêu mến một con người lãnh đạo tâm huyết, tầm cao cả về nhân cách, trí tuệ và sự an dân.
Theo tôi hiểu, có lẽ đây cũng là một người thực, việc thực mà phim muốn đề cập đến. Ông đã từng tham gia và giữ các chức vụ quan trọng trong lãnh đạo của Đảng, khi nghỉ hưu, ông không ở Hà Nội, trả lại biệt thự cho Nhà nước trở về quê hương nơi mảnh đất sinh ra ông, sống một cuộc đời bình di trong nhân dân, đúng như những gì mà phim đã phản ánh.
Nhiều người cao tuổi, những đảng viên lâu năm hay những ai đã theo dõi chuyên đề an ninh giữa và cuối tháng ít nhiều đã biết về người lãnh đạo này.
Bên cạnh một tâm gương tốt như cụ Trần, phim còn giới thiệu một lớp người trẻ tuổi con các quan chức lãnh đạo ở tỉnh Đông Giang, hầu hết những người trí thức này không tiến thân dưới cái bóng quyền lực của cha me, họ thực sự có ý trí phấn đấu, có năng lực trong công việc, có trách nhiệm với xã hộị và gia đình bè bạn, sống vị tha, biết trân trọng quá khứ, biết thông cảm với thế hệ cha ông. Tất cả những gì họ đã thể hiện qua các tập phim cũng đem đến cho người xem niềm tin yêu, và hy vọng ở lớp người trí thức rất nhân văn và nhân bản, tự tin và bản lĩnh.
Thông điệp về cuộc đấu tranh chống tham nhũng
Bộ phim Chủ tịch tỉnh là một “thông điệp" về cuộc đấu tranh chống tham nhũng dưới một góc nhìn mới về nội bộ lãnh đạo địa phương tỉnh, một cuộc đấu tranh diễn ra giữa quan điểm nhận thức tiên tiến với bảo thủ trì trệ trong quá trình phát triển đi lên trong công cuộc đổi mới, cảnh báo về sự quan liêu, mất dân chủ, ăn chơi trụy lạc của những cán bộ lãnh đạo tỉnh Đông Giang và có lẽ cũng là hiện tượng ở nhiều địa phương.
Một điều cũng cần nhấn mạnh rằng, sau phim Bí thư Tỉnh ủy thì Chủ tịch tỉnh là bộ phim thứ hai trong dòng phim chính luận phản ánh về cuộc đấu tranh trong nội bộ lãnh đạo của một địa phưong mang đậm chất chính trị tư tưởng, tính chiến đấu của cán bộ Đảng viên mà kịch bản phim gọi là tỉnh Đông Giang.
Qua lời thoại, người xem thấy những vấn đề như công tác cán bộ, quan điểm phát triển kinh tế, vấn đề dân chủ và nông nghiệp, nông dân và nông thôn cùng với những tâm tư suy mghĩ của những người lãnh đạo địa phương, qua những cuộc đấu tranh nội bộ để đi đến sáng tỏ những vấn đề đúng sai trong quá trình phát triển đi lên của một địa phương cũng không đơn giản.
Chúng ta đều biết, khoảng cách giữa cái đúng và cái sai, giữa pháp luật và vi phạm pháp luật là những khoảng cách rất hẹp, đôi khi chỉ là những sợi chỉ mong manh, đấy là chưa nói đến trong quá trình chỉ đạo thực hiện lại có những tư tưởng cục bộ, bè phái, cơ hội trục lợi làm cho tư tưởng chỉ đạo lệch lạc, chính sách bị biến dạng, gây mất lòng tin trong nhân dân như ở Đông Giang mà các tập phim đã phản ánh.
Một bên là quan điểm của ông Phó chủ tịch kỳ cựu thường trực lâu năm của tỉnh nhưng không được Đảng và HĐND tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch tỉnh nên ít nhiều có thái độ bất mãn. Ông này là người luôn đưa ra quan điểm đổi mới và phát triển, luôn quan tâm đến việc cấp phép các dự án và cho rằng cần phải đầu tư cho du lịch mở rộng sân gôn… nhưng đằng sau đấy là những động cơ không trong sáng, trục lợi lại được nhiều người ủng hộ, kể cả cơ quan báo chí như vị Tổng biên tập báo Thời Mới.
Một bên là Chủ tịch mới lên nhận chức, đây được coi là nhân tố mới trong xã hội hiện đại và phát triển, một người trung thực, liêm khiết, luôn vì nhân dân và cho rằng việc phát triển du lịch, mở rộng sân gôn là yêu cầu của phát triển nhưng phải tính đến đặc điểm của một tỉnh nông nghiệp nhất là lợi ích của nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng nhất với quan điểm này, một số ý kiến còn cực đoan cho rằng mở rộng sân gôn chỉ để phục vụ cho những kẻ lắm tiền ăn chơi, trong khi đó thì đất nông nghiệp ngày càng mất đi, đẩy người nông dân đến cảnh đói nghèo, quan điểm này cũng đồng thuận với nhiều người trong lãnh đạo của tỉnh Đông Giang, kể cả cụ Trần, cán bộ cao cấp của Trung ương nghỉ hưu ở địa phương cũng ủng hộ quan điểm này.
Qua những tình tiết của các tập phim cho ta thấy: từ chỗ mâu thuẫn về quan điểm phát triển, dẫn đến mâu thuẫn cá nhân cả về quyền lợi và địa vị chính trị, từ đó tìm cách hạ uy tín của nhau. Người xem có thể hình dung được, với cương vị Chủ tịch mới của ông Nguyễn Trí Tuệ, do NSUT Phạm Cường, thể hiện, chắc còn nhiều chuyện rắc rối và sóng gió đến với mình, cả đời tư, gia đình và công việc chung.
Đây là một vấn đề khó phân định, trong cuộc sống, lòng tốt chưa chắc đã được tán đồng và ủng hộ, có những sự việc số đông chưa chắc đã đúng.Chúng ta xem phim Bí thư Tỉnh ủy đã thấy, khoán hộ của ông Kim Ngọc sau 22 năm mới vỡ lẽ đúng sai. Chuyện phim ở Đông Giang có lẽ cũng vậy, chỉ khác nhau ở giai đoạn lịch sử.
Vấn đề cốt lõi ở đây là, cần nhìn nhận đánh giá vấn đề này như thế nào cho đúng với giai đoạn lịch sử, đúng với thực tiễn tình hình, những khó khăn rào cản cần được tháo gỡ, phát huy được những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, bảo vệ được cán bộ tốt để sự phát triển của địa phương đi lên đúng hướng.
Có thể nói, những vấn đề diễn ra ở Đông Giang và nhiều nơi khác chắc cũng không thiếu hiện tượng như phim đã phản ánh, nhất là những vấn đề tiêu cực tham nhũng, ăn chơi trụy lạc của quan chức địa phương chúng ta cũng đã nghe dư luận bàn tán bình luận quá nhiều. Nhưng những hiện tượng đó khi nó trở thành ngôn ngữ điện ảnh của các nhà văn, các nhà biên kịch và được chuyển tải qua những đạo diễn tâm huyết, các nhân vật trong phim được thể hiện qua vai diễn của những nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ lâu năm trong nghề như NSUT Phạm Cường, NSUT Trần Nhượng, NSUT Minh Hòa, NSUT Minh Hằng, NSUT Thế Bình, NSUT AnhThái, NSUT Thanh Hiền, NS Hồng Sơn, NS Đức Khuê, NS Vi Cầm... đã đặc tả về tính cách, bộc lộ nội tâm của các nhân vật cả chính diện và phản diện, đã làm nổi bật tính thời sự và hấp dẫn của bộ phim, có sức lan tỏa, có tác dụng giáo dục tư tưởng, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh được những tâm tư tình cảm và nỗi bức xúc của nhân dân.
Không nên quy chụp là "ăn theo" Bí thư Tỉnh ủy
Một chi tiết cũng xin được nêu lên, tôi có đọc trên Thế giới điện ảnh, về nội dung cuộc họp báo để công bố phim Chủ tịch tỉnh, có ý kiến cho rằng: Phim Chủ tịch tỉnh ăn theo phim Bí thư Tỉnh ủy. Theo quan điểm của tôi, một người hâm mộ thì việc chụp mũ như vậy là không nên, tôi nghĩ hai bộ phim khác nhau về kịch bản, chuyện xảy ra cũng ở hai giai đoạn lịch sử, nhất là ý tưởng chuyển tải cũng khác biệt nhau, người hâm mộ chúng tôi đều cảm nhận được cái hay và giá trị của mỗi bộ phim.
Dưới góc độ một người hâm mộ, xin được gửi tới các anh các chị trong đoàn làm phim Chủ tịch tỉnh những tình cảm chia sẻ, cảm ơn các nhà điện ảnh Việt Nam đã đem đến cho người hâm mộ những kịch bản phim hay đi vào lòng người.
Trịnh Thế Cường
Cựu chiến binh Phường Quốc Tử Giám, Q. Đống Đa, Hà Nội
(Tiêu đề bài viết và tiêu đề phụ do Tòa soạn đặt)