Tái cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện được xem là việc làm cấp bách, một mệnh lệnh để cứu vãn và phát triển của nền kinh tế. Trong thực tế, có những doanh nghiệp tái cơ cấu lại “thêm một lần đau” nhưng cũng có những doanh nghiệp thật sự ca khúc khải hoàn. Câu chuyện tái cơ cấu tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là một trong những "ca khúc khải hoàn" trong ngành bảo hiểm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với bà Đỗ Thị Minh Đức – Chủ tịch HĐQT của VASS.
"Hồi sinh" VASS
- Thưa bà, chỉ trong hơn một năm thực hiện việc tái cơ cấu VASS đã ổn định và phát triển rất ngoạn mục. Tôi lấy con số “biết nói” là năm 2014 đã tăng trưởng lên đến 75,6% . Được biết, trước khi tái cơ cấu, dường như VASS đang“chờ chết”, vậy ban lãnh đạo mới đã “cứu sống” VASS như thế nào?
Bà Đỗ Thị Minh Đức: Nói thật, khi tôi có ý định tiếp quản VASS, nhiều người can ngăn. Ngay cả chồng tôi cũng không ủng hộ. Thời điểm đó, VASS "bệnh" nặng lắm rồi. Tôi về, đúng là VASS như một bãi chiến trường, thật khủng khiếp. Nhưng vì máu nghề nghiệp, tôi chấp nhận những thách thức phải đối mặt, chấp nhận hy sinh để cứu VASS tồn tại và hy vọng vào sự hồi sinh của nó.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Minh Đức thăm chi nhánh và mừng tuổi nhân viên. |
Điều đầu tiên tôi làm là vực dậy tinh thần của anh em, đánh vào lòng tự hào của những người từng mếm mật nằm gai với VASS, thay máu nhân sự, cải thiện môi trường làm việc. Mệnh lệnh quyết liệt của ban lãnh đạo VASS lúc đó là tất cả mọi người phải hiểu rõ VASS đang ở đâu, VASS đang làm gì.
Các giải pháp kiểm soát rủi ro đã được đặt ra như: Hoàn chỉnh các hệ thống quy trình, quy chế về kiểm soát và quản lý rủi ro; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo rủi ro; Phát triển phần mềm quản trị hệ thống cho ban lãnh đạo; Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng; Kết nối với đơn vị bạn, ngành và các đối tác để chia sẻ thông tin quản lý rủi ro trên phạm vi toàn thị trường cả nước.
- Một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa rối rắm đối với VASS ngay thời điểm chuyển giao là việc xử lý nợ tồn đọng. Ban lãnh đạo VASS lúc đó đã gỡ rối chuyện này như thế nào, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Minh Đức: Lúc đó nợ là một mớ bòng bong. Doanh nghiệp này thúc, doanh nghiệp kia ép. Cái đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi suy nghĩ tưởng chừng cái đầu muốn bốc khói để tìm cách trả nợ làm sao cho doanh nghiệp hài lòng mà VASS cũng tồn tại được.
Giải pháp là ưu tiên trả những món nợ quá lâu ảnh hưởng đến đối tác. Món nợ nào liệu trả được thì cam kết chắc chắn ngày trả để giữ uy tín. Món nào chưa trả được thì phải đàm phán với doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác và chia sẻ. Làm bảo hiểm mà tham, không mang tính nhân văn thì chẳng thể nào tồn tại phát triển được.
Ban Lãnh đạo VASS quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh doanh. |
Nhân văn trong ngành bảo hiểm
- Bà có thể nói cụ thể hơn tính nhân văn của VASS thể hiện như thế nào?
Bà Đỗ Thị Minh Đức: Tôi luôn luôn nhắc nhở anh em phải chung lòng đoàn kết với với mục tiêu “Lấy chữ tín làm trọng”. Khách hàng chính là tài sản, là nguồn sống vì thế VASS phải cam kết với khách hàng về sự chu toàn và an tâm tuyệt đối và chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Ban lãnh đạo đặt biệt lưu tâm đến những trường hợp khách hàng bị rủi ro về sinh mạng. Khi mới về lãnh đạo VASS, kiểm tra vào những hồ sơ liên quan đến khách hàng đã chết mà còn dây dưa là tôi chỉ đạo xử lý ngay. Những thương vong liên quan đến khách hàng của VASS sau này cũng không được đắn đo về chuyện tiền bạc. Đường dây nóng do các em khuyết tật đảm nhiệm luôn chạy 24/24 để kịp thời giải quyết cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Chúng tôi xác định "Today Not Tomorrow” (Việc hôm nay không để ngày mai) làm tiêu chí hoạt động cho mình. Ngay cả việc VASS chọn các em khuyết tật trực đường dây nóng cũng thể hiện tính nhân văn. Chúng tôi không chỉ tạo điều kiện cho các em có thu nhập mà chính các em hiểu về nỗi bất hạnh của mình thì chắc chắn các em sẽ chia sẻ nhiều hơn đối với những khách hàng gặp rủi ro, bất hạnh khác.
- Một câu hỏi hơi riêng tư một chút, tôi biết trước khi tham gia bảo hiểm bà là một giáo viên dạy văn, phải chăng bà đã mang tinh thần nhân văn của một cô giáo dạy văn để bước vào thương trường?
VASS luôn dành sự quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh trong xã hội. |
Bà Đỗ Thị Minh Đức: Tính nhân văn trong văn học nghệ thuật có ảnh hưởng nhất định trong đời sống của tôi. Bảo hiểm cũng là một nghề nhân văn. Vì vậy chúng tôi cố gắng làm tốt vai trò của nhà bảo hiểm với khát khao góp phần tạo nên môi trường bảo hiểm lành mạnh, đặc biệt, chia sẻ được nhiều hơn những giá trị nhân văn đến với cộng đồng và xã hội.
Chúng tôi cam kết sẽ luôn là người bạn đồng hành trong mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trong lúc khách hàng gặp khó khăn chúng tôi có mặt bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng tôi tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình và vô điều kiện trong việc phòng ngừa xảy ra những tổn thất nhằm tạo an toàn cho sự phát triển bền vững của khách hàng. Tính nhân văn của VASS cũng không chỉ gói gọn trong những chuyện cốt lõi, thuần túy là VASS đối với khách hàng mà còn nhiều hoạt động khác.
- Cụ thể đó là những hoạt động gì, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Minh Đức: VASS luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hiệp lực giữa cán bộ công nhân viên tạo thành một tập thể vững mạnh. Tôi luôn có thói quen thức dậy thật sớm để chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống và công việc với tất cả mọi người của VASS qua email. Chúng tôi hướng đến một cuộc sống ấm áp như trong một gia đình. Nhờ đó, VASS đã thắp sáng lên những ước mơ hoài bão tốt đẹp trong lòng mỗi cán bộ và nhân viên. Chia sẻ chân thành với cộng đồng cũng là việc mà công ty đã và đang tiếp tục thực hiện với nhiều chương trình từ thiện.
Bà Đỗ Thị Kim Liên/Lãnh sự Danh dự Nam phi tại TP.HCM – Chủ tịch HĐQT công ty Đầu tư AAA Plus |
VASS đã lựa chọn được những người có cùng quan điểm, trao quyền lực cho họ và yêu cầu họ phải tiến hành thay đổi một cách quyết liệt. Những con người tài giỏi và có tâm đã bắt mạch đúng bệnh của VASS và dùng đúng thuốc. Thật sự, việc TCC doanh nghiệp giống như chữa bệnh cho cho con người. Khi xét biết chính xác nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị sẽ có kết quả.
Tôi thấy, có vẻ như VASS đã thay cả bình lẫn rượu, họ làm một cuộc “đại phẩu” thật sự. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp tái cơ cấu. Vì nguyên tắc TCC là phải thay đổi được bản chất bên trong, phải dứt bỏ hẳn những khối u làm suy yếu doanh nghiệp. Nếu TCC một cách hình thức, nửa vời, thì thất bại thêm lần nữa, và thậm chí là thất bại thảm hại hơn là điều không tránh khỏi".