Nhiều ngày gần đây, một số cán bộ , giảng viên của Trường Đại học Đồng Nai tâm tư trước việc nhiều giảng viên của nhà trường trong thời gian tới có thể không bố trí được việc làm.
Trong báo cáo của nhà trường gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có kèm theo một danh sách gồm 34 người, trong đó gồm 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 8 tiến sĩ; 25 thạc sĩ.
Được biết, đây là đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện đang đảm nhận công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các khoa Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và khoa Tổng hợp của Trường Đại học Đồng Nai.
Khi biết mình có tên trong danh sách báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hầu hết các giảng viên đều cảm thấy rất bất ngờ, lo lắng vì họ hoàn toàn không biết gì đến báo cáo này.
Chỉ đến khi Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai mời các Sở, ngành đến họp về việc nhân sự tại Trường Đại học Đồng Nai dôi dư trong thời gian tới, lúc này thông tin mới được công khai.
Các thầy cô băn khoăn, hiện họ đều đang thực hiện công việc giảng dạy rất bình thường tại trường, thì tại sao lại đưa họ vào diện “không thể bố trí việc làm trong thời gian tới?”
Được biết, tại báo cáo số số 174/ĐHĐN-TCHC&QT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, do Tiến sĩ Lê Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường ký ngày 26/1/2024 vừa qua cho thấy, hiện Trường Đại học Đồng Nai có 205 giảng viên đang giảng dạy tại 8 khoa là: Ngoại ngữ, Tổng hợp, Kinh tế, Kỹ thuật, Khoa học cơ bản và Quản lý giáo dục, Sư phạm Tiểu học – Mầm non, Sư phạm Khoa học Xã hội và Sư phạm Khoa học Tự nhiên.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số ngành đào tạo trình độ đại học tuyển sinh thấp hoặc không tuyển sinh được. Cụ thể, các ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Khoa học Môi trường và Quản lý đất đai năm 2023 không tuyển sinh được.
Cá biệt, ngành Sư phạm Sinh học cả 4 năm là 2020, 2021, 2022, 2023 đều không tuyển sinh được
Hiện trường có 4 ngành sư phạm đang dừng tuyển sinh vì không có nhu cầu đào tạo, 2 ngành không có giảng viên trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo hàng năm rất nhỏ so với các trường đại học khác, trong khi nhu cầu lao động kỹ thuật cao ngày càng tăng.
Nguyên nhân của việc này, Tiến sĩ Lê Anh Đức nhìn nhận là do nội lực của Trường Đại học Đồng Nai còn thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, cơ sở vật chất phục vụ chuyên ngành mới chưa đảm bảo yêu cầu nên không mở được các mã ngành trình độ đại học.
Trường Đại học Đồng Nai có vị trí gần với các trường đại học ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh…) nên giảng viên có xu hướng dịch chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời việc thu hút sinh viên vào học là rất khó.
Với thực trạng và nguyên nhân này, nhằm tránh sử dụng lãng phí nguồn nhân lực của Trường Đại học Đồng Nai, cụ thể là số giảng viên, cán bộ trong thời gian tới có thể sẽ không bố trí được việc làm do tuyển sinh không được, nhà trường đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai quan tâm, xem xét giải quyết về nguồn nhân sự này, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Ngày 26/2/2024, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Văn Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai xác nhận, đây đúng là số nhân sự trong tương lai có nguy cơ không thể bố trí việc làm.
Tiến sĩ Võ Văn Lý chia sẻ: “Theo tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là đào tạo liên môn, chứ đơn môn hiện cũng không có nhu cầu, nên trách nhiệm của nhà trường là xin mở các mã ngành đào tạo liên môn vẫn có nhu cầu bình thường.
Còn văn bản này trường báo cáo cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, để đề nghị các Sở, ban ngành của tỉnh cùng vào cuộc để xử lý việc này”.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Lý, hiện văn bản này đang làm cho các giảng viên, cán bộ của trường có dư luận không tốt, làm cho anh em và người lao động trong trường có nhiều tâm tư, tình cảm khác nhau.
Tiến sĩ Võ Văn Lý nhấn mạnh: “Nhân sự của trường đủ thì cũng không phải là đủ, nhưng quan trọng nhất là việc bố trí nguồn nhân lực như thế nào”.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai khẳng định rằng, trong thời gian sớm nhất, nhà trường sẽ có phương án xử lý vấn đề này, và công bố rộng rãi cho báo chí được biết.