Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của độc giả là giáo viên tại tỉnh Đắk Nông, liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.
Theo đó, độc giả phản ánh hiện đang là giáo viên trường trung học cơ sở hạng 2, công tác tại một trường ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông.
Giáo viên nêu: “Theo tìm hiểu Thông tư 08, tôi được biết thời hạn để bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên là 30/11/2023. Nhưng cho đến nay tỉnh Đắk Nông vẫn chưa thực hiện chuyển xếp lương mới theo Thông tư 01,02,03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT cho giáo viên phổ thông hạng 1 và hạng 2. Trong khi đó, tôi có hỏi đồng nghiệp ở các địa phương khác đã thực hiện chuyển xếp lương cho giáo viên các hạng.
Chênh lệch hệ số theo thông tư mới khá cao nên lương giáo viên chưa được chuyển xếp lương, xếp hạng với giáo viên đã được bổ nhiệm xếp hạng đang có sự chênh lệch tới 2-3 triệu/tháng”, vị giáo viên bày tỏ.
Để có thêm thông tin khách quan về vấn đề độc giả phản ánh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Jut và Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, ông Phạm Văn Hiệp - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Jut cho biết, về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ và đề xuất lên huyện. Đến nay, việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương cho giáo viên phổ thông hạng 3 do phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân huyện thực hiện đã hoàn tất và gửi về các đơn vị trường học.
Tuy nhiên, với giáo viên hạng 1, 2, việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương thuộc thẩm quyền ký quyết định của tỉnh.
“Chúng tôi đã làm hồ sơ và gửi danh sách đề xuất lên tỉnh. Đến nay, chưa thấy có kết quả phản hồi”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Jut thông tin.
Để tiếp tục có thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, theo đó đại diện Sở này cho biết, liên quan đến công tác bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cùng thực hiện.
Hiện nay, các đơn vị đã xây dựng các phương án để xét duyệt. Tuy nhiên, theo vị đại diện, số lượng hồ sơ được gửi lên tỉnh hiện nay rất lớn, nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên, công tác rà soát đều được tiến hành cẩn thận, do đó không thể làm nhanh được.
“Công tác rà soát hồ sơ hiện đang được tiến hành. Tuy nhiên mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có dự thảo phân cấp quản lý cán bộ, theo đó việc bổ nhiệm, xếp lương này được giao về cho Ủy ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Dự kiến trong tháng 2, Ủy ban nhân dân tỉnh chính thức ký ban hành phân cấp quản lý cán bộ. Theo đó, trong quý 1, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành càng sớm càng tốt”, vị đại diện lý giải việc thực hiện bị chậm tiến độ.
Về vấn đề giáo viên có được truy lĩnh số chênh lệch hệ số theo thông tư mới từ tháng 11/2023 đến thời điểm được chính thức chuyển xếp lương, vị đại diện cho biết nội dung này hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2023.
Thông tư 08 cũng quy định: "Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành".