Ngày 14/1 vừa qua, Công an tỉnh Bắc ninh đã công bố kết quả điều tra vụ nổ xe máy ở TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Theo đó, chiếc xe máy phát nổ do bị cài thuốc nổ.
Hậu quả, thai phụ Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, ở xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh) và con gái Nguyễn Khánh Vân (SN 2006) tử vong. Sau 45 ngày điều tra, cơ quan công an đã tìm ra được hung thủ gây ra vụ nổ. Đó là Nguyễn Đức Tiềm (SN 1978, em rể của chồng nạn nhân).
Với hiện trường sau vụ nổ, Đại tá Nghi cho rằng Tiềm đã cài khoảng 200g thuốc nổ TNT vào xe máy của chị Quỳnh |
Thuốc nổ được cài vào chiếc xe của chị Quỳnh là thuốc nổ TNT và tại hiện trường cơ quan công an cũng đã tìm thấy 2 mảnh nhôm từ kíp nổ.
Điều trùng hợp đáng ngạc nhiên là cùng trong thời gian này, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà Giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên vào ngày 7/1. Sau đó, cơ quan điều tra cũng xác định được thuốc nổ dùng trong vụ nổ này là TNT.
Vậy TNT là thuốc nổ gì, cơ chế phát nổ và nguồn gốc của loại thuốc nổ này từ đâu mà lại thông dụng đến mức một kẻ không có chút kiến thức chuyên môn nào về thuốc nổ như Nguyễn Đức Tiềm lại có thể sử dụng thành thạo để gây ra 2 vụ nổ thương tâm?
Để làm rõ vấn đế này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Đại tá Nguyễn Tiến Nghi - Chủ nhiệm bộ môn Thuốc phóng – thuốc nổ (Học viện Kỹ thuật Quân sự). Đại tá Nghi nói: TNT (Tên đầy đủ: 2,4,6 - TrinitroToluen có công thức là C7H5(NO2)3) là chất nổ truyền thống thường được dùng trong đạn, mìn…”.
Đánh giá về vụ nổ ở Bắc Ninh và bụ nổ tại nhà giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Nghi nhận xét: “Với hiện trường còn lại như vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh thì khối thuốc nổ được cài vào chiếc xe máy khoảng 200g tương đương như bánh xà bông nhỏ. Còn vụ nổ ở Thái Nguyên thì có lẽ phải đến vài kg thuốc nổ”.
Với vụ nổ ở Thái Nguyên, theo chuyên gia chất nổ, lượng thuốc nổ ở đây lên đến vài kg |
Đặt giả thiết về cách hung thủ Nguyễn Đức Tiềm cài thuốc nổ vào xe máy của chị Quỳnh, Đại ta Nghi cho biết: “Trong trường hợp ở Bắc Ninh, như báo chí đã đưa tin thì kíp nổ điện ấy làm bằng nhôm và nhỏ như chiếc đũa.
Kíp nổ này hoạt động dưới dòng điện từ ắc quy hoặc pin thì thì sẽ kích nổ, khối thuốc khi đó sẽ nổ. Nguồn điện chỉ cẩn 6 – 12V là kích nổ. Khi chị Quỳnh đạp phanh, dòng điện được đóng và dòng điện đó làm đèn hậu phát sáng đồng thời cũng được chuyển tới kíp nổ và gây nổ.
Kíp nổ này hoạt động dưới dòng điện từ ắc quy hoặc pin thì thì sẽ kích nổ, khối thuốc khi đó sẽ nổ. Nguồn điện chỉ cẩn 6 – 12V là kích nổ. Khi chị Quỳnh đạp phanh, dòng điện được đóng và dòng điện đó làm đèn hậu phát sáng đồng thời cũng được chuyển tới kíp nổ và gây nổ.
Thêm nữa, được biết khối nổ nằm ở cạnh bình xăng. Nếu xung đủ mạnh thì có thể nổ bình xăng. Tuy nhiên điều này là khó bởi vì xăng ít khi nổ lắm, chỉ dễ bắt lửa và cháy. Lượng khí sinh ra đột ngột dẫn đến sự giãn nở đột ngột thì gây ra nổ”.
“Ở Việt Nam, để có được thuốc nổ về lý thuyết thì rất khó vì nhà nước cấm vận chuyển vật liệu nổ nhưng trên thực tế thì không khó. Trong sản xuất công nghiệp, người ta dùng rất nhiều thuốc nổ để kích nổ phá đá, làm đường, hầm lò… Và từ đó có thể rò rỉ ra hoặc có nguồn nào đó…
Về nguyên tắc mình quản lý thuốc nổ rất chặt. Tuy nhiên, một số người vẫn có thể lấy từ nhiên liệu chính thống (được sản xuất từ công ngiệp) hoặc được tái chế từ bom mìn (còn sót lại từ thời chiến tranh) bằng cách gỡ thuốc nổ ra rất nhiều…”. Đại tá Nghi nói về các nguồn có thể có TNT ở Việt Nam.
Hiện vụ việc tiếp tục điều tra làm rõ nhưng nguồn gốc của số thuốc nổ được đặt vào xe máy của chị Quỳnh và trong 1 vụ nổ xe máy vào ngày 18/6/2010 ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) đều do Tiềm gây ra vẫn còn là dấu hỏi lớn chưa có đáp án.
Tuệ Minh