Chuyên gia góp ý cách xác định tỉ lệ kinh phí trường thành viên đóng về ĐH "mẹ"

21/04/2025 06:22
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nếu nguồn điều tiết kinh phí chỉ nhằm duy trì bộ máy quản lý ĐH, nên trừ nguồn chi thực hiện nhiệm vụ đào tạo, rồi mới đóng góp theo thỏa thuận giữa ĐH và trường.

Vừa qua, một số trường thành viên của đại học vùng đã phản ánh với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự khó khăn khi phải đóng nguồn kinh phí điều hòa lên đại học, trong khi trường đang chật vật về tuyển sinh và gặp khó về nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đứng trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, các đại học nên có sự cân nhắc, tính toán lại về cơ cấu tỉ lệ nguồn thu điều tiết kinh phí đối với các trường thành viên và các đơn vị thuộc, trực thuộc.

Áp dụng tỉ lệ điều tiết kinh phí đồng đều với các trường thành viên có thể gây khó khăn

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia giáo dục nhìn nhận: “Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, các trường đại học đang phải “tự lực cánh sinh” đảm bảo chi thường xuyên, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước, đứng trước muôn vàn khó khăn.

Bên cạnh những trường hoạt động rất tốt, đào tạo nhiều ngành “hot” theo xu hướng, tuyển sinh được nhiều người học; cũng có những trường đào tạo các ngành cơ bản, tuy đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm của người học. Với những trường đào tạo các ngành như khoa học cơ bản, khối ngành nông lâm,... việc tuyển sinh có thể không tốt, nhưng vai trò của các ngành này thì vẫn được khẳng định. Ít người học, nhưng các trường cũng không thể tăng học phí quá cao để bù đắp nguồn thu, một phần do quy định, một phần do tuyển sinh các ngành này đã khó, nếu tăng học phí, có lẽ sẽ càng khó tuyển hơn...

Chính vì vậy, cần tính đến các phương án để hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho các trường này, để đảm bảo hoạt động”.

pgs-nguyen-thien-tong-467-3766.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia giáo dục. Ảnh: NVCC.

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống, việc đại học vùng áp dụng một tỉ lệ đồng đều đối với mức thu điều tiết kinh phí giữa các trường thành viên, có thể tạo ra nhiều khó khăn hơn đối với các trường vốn đã chật vật trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu.

Thầy Tống chỉ ra: “Mặc dù tỉ lệ các trường thành viên đóng điều tiết kinh phí lên đại học “mẹ” được xác định dựa trên nguồn thu học phí của người học, song, với những trường đã tuyển được ít sinh viên, học viên, việc cáng đáng, đảm bảo hoạt động của nhà trường vận hành được đã là rất nỗ lực.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay, vài năm vừa qua lại trải qua dịch Covid-19 trong thời gian dài, khiến các trường lâm vào cảnh “khó khăn trăm bề”, có những trường thậm chí còn phải nợ cả lương dạy thừa giờ của giảng viên,...

Vậy nên, phải lo toan thêm phần kinh phí điều tiết để nộp cho đại học “mẹ”, nhất là với tỉ lệ đánh đồng một cách máy móc như vậy, có thể khiến các trường càng thêm chật vật. Vai trò, trách nhiệm quản lý của đại học “mẹ” phải thấy được điều đó để điều tiết một cách phù hợp, chứ không phải để các đơn vị thành viên khó khăn trong việc xoay xở thu chi mà vẫn không có sự điều chỉnh...”.

Cần xác định cơ cấu tỉ lệ đóng điều tiết kinh phí phù hợp với từng đơn vị

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống phân tích thêm: “Với vai trò quản lý của đại học, tôi cho rằng, cần có sự tính toán hợp lý hơn. Ban lãnh đạo của đại học nên cùng trao đổi với đại diện các trường thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, bàn bạc và thống nhất các mức đóng theo tỉ lệ khác nhau. Theo đó, các trường có nguồn thu lớn có thể đóng tăng tỉ lệ lên, để san sẻ với các trường hiện đang gặp khó. Cũng nên xem xét, tính toán để có thể miễn hoặc giảm tỉ lệ đóng kinh phí điều tiết cho các trường có nguồn thu hạn chế.

Tôi cho rằng, điều này là vô cùng cần thiết, để vận hành tổng thể một cách tốt nhất, đơn vị có nhiều thuận lợi, nhiều tiềm năng sẽ hỗ trợ các đơn vị khó khăn hơn, vì mục tiêu phát triển chung của toàn đại học”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng chia sẻ thêm: “Đối với một cơ sở đào tạo, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc, tính toán phương án phân bổ nguồn lực một cách phù hợp với đặc thù của từng đơn vị thuộc, trực thuộc. Như vậy, việc cơ cấu các khoản đóng góp cũng cần được xác định phù hợp với tình hình hoạt động và năng lực tài chính của từng đơn vị.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị khó khăn, cần có thêm những giải pháp hỗ trợ thiết thực, để đảm bảo hoạt động của đơn vị đó”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cũng bày tỏ: “Theo tôi, điều gì có lợi cho người học thì cần hết sức ủng hộ. Hiện nay, hầu hết nguồn thu chủ yếu của các trường đại học vẫn đến từ học phí.

Đối với các trường đại học đang gặp khó trong tuyển sinh, vốn đã tuyển được ít sinh viên, nếu muốn tăng nguồn thu để đáp ứng yêu cầu đóng các khoản bắt buộc theo quy định, rất có thể sẽ dẫn đến vấn đề tăng học phí (tất nhiên, mức tăng vẫn phải tuân thủ lộ trình của Chính phủ). Tuy nhiên, đó cũng là một khó khăn.

Trong khi đó, có những ngành đào tạo vốn dĩ nhu cầu xã hội rất cần nhưng lại không hấp dẫn trong tuyển sinh, dẫn đến kết quả tuyển sinh không cao. Như vậy, các trường đào tạo các ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ổn định nguồn thu.

Vậy, rất cần có sự san sẻ giữa các trường có nguồn thu mạnh với các trường có nguồn thu kém hơn”.

Về vấn đề này, lãnh đạo một trường đại học thuộc đại học nằm ở khu vực phía Bắc lại cho rằng: “Việc các trường thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đóng góp cùng một tỉ lệ cũng sẽ ổn, nếu sau khi đóng góp, trường khó khăn đó có thể được đại học phân bổ kinh phí về nhiều hơn các đơn vị khác, nhằm đảm bảo hoạt động.

Chẳng hạn, nếu hằng năm, các trường thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc cùng đóng góp với 2%, nhưng sau đó, khi nguồn này được phân bổ ngược lại các trường, đại học “mẹ” sẽ dành nhiều phần trăm hơn cho chính trường đang gặp khó.

Bản thân các trường thành viên khác trong cùng một đại học cũng cần nhận thức được rằng, chúng ta là một khối thống nhất, nên có sự san sẻ với nhau, để tạo một môi trường và điều kiện tốt nhất, phục vụ công tác đào tạo người học”.

Nên tính % dựa trên nguồn kinh phí dôi dư sau khi đã trừ đi các khoản chi

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Cần Thơ khóa XII cho rằng, mô hình trường đại học vùng (trường đại học trong trường đại học) hiện nay không còn phù hợp. “Tôi đã từng góp ý về vấn đề này với Chính phủ và do đó, khi Trường Đại học Cần Thơ đề xuất mô hình xin thành lập Đại học Cần Thơ, đã đi theo hướng bên dưới là các trường trực thuộc (không có bộ máy quản lý đầy đủ, chỉ có Ban Giám hiệu và văn phòng, còn các phòng ban chức năng thì do Đại học Cần Thơ thực hiện)” - thầy Toàn cho biết.

Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, việc đóng khoản điều tiết kinh phí từ trường thành viên cho đại học nên có sự thỏa thuận và tùy theo vị trí từng trường thành viên: tỉ lệ đóng theo số sinh viên và nguồn thu.

“Trong đó, quan trọng là ban lãnh đạo phải chỉ ra, nguồn điều tiết kinh phí đó được sử dụng làm gì, chi cho những nhiệm vụ gì? Nếu chỉ nhằm duy trì bộ máy quản lý đại học, thì nên trừ tất cả nguồn chi thực hiện nhiệm vụ đào tạo (là nhiệm vụ chính), rồi sau đó mới đóng góp về theo thỏa thuận giữa đại học và nhà trường. Tức là tỉ lệ đóng nguồn điều tiết kinh phí sẽ được tính phần trăm theo số kinh phí còn dôi dư sau khi đã đóng các khoản thuế doanh nghiệp, thuế đất, hay các khoản kinh phí chi cho đào tạo, vận hành nhà trường…, thay vì tính trên tổng số nguồn thu của nhà trường. Như vậy sẽ hợp lý hơn.

Và đặc biệt, cần làm rõ vấn đề, đại học nhận khoản điều tiết kinh phí này sẽ giúp gì, đóng góp gì ngược trở lại cho trường thành viên” - thầy Toàn đề cập.

GDVN_Ha Thanh toan.JPG
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Cần Thơ (khóa XII). Ảnh: Mộc Trà.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học tại một đại học vùng cũng cho hay: “Việc sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và phân phối quyền lợi giữa các trường đại học thành viên đã được xác lập trên nền tảng đồng thuận. Điều quan trọng nhất trong vấn đề thu - chi là luôn phải được công khai rõ ràng, minh bạch.

Vì vậy, theo tôi, trước hết, cần có công tác rà soát về hiệu quả vai trò quản lý và điều tiết kinh phí của đại học “mẹ” đối với các trường thành viên như thế nào? Đại học “mẹ” hỗ trợ được những gì cho các trường thành viên và các đơn vị thuộc, trực thuộc... Để từ đó, có đánh giá xác đáng nhất, cũng như có thêm căn cứ để xác định mức đóng khoản điều tiết kinh phí đối với mỗi nhà trường”.

Mộc Trà