Thành viên khó khăn vẫn phải nộp kinh phí lên ĐH Thái Nguyên, ĐBQH có kiến nghị

10/04/2025 09:54
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH, thay vì áp dụng một tỉ lệ điều tiết cố định cho tất cả các trường, cần xây dựng các mức độ điều chỉnh khác nhau, phù hợp với điều kiện từng trường.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết: “Thành viên của ĐH Thái Nguyên tuyển sinh chật vật vẫn phải nộp kinh phí điều hòa”.

Theo đó, phản ánh tới Tạp chí, có trường đại học thành viên cho hay, hiện nay số lượng tuyển sinh hằng năm được ít, phải đóng thuế doanh nghiệp, thuế đất... trong khi nguồn ngân sách chi thường xuyên giảm, mà vẫn phải nộp lên Đại học Thái Nguyên nguồn kinh phí điều hòa khiến trường gặp khó khăn.

Duy trì cơ chế điều tiết kinh phí cứng nhắc, cào bằng về tỉ lệ sẽ khiến một số trường gặp khó

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng được đẩy mạnh nên hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước giảm dần, các trường đại học, đặc biệt là các trường ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đang phải tự bươn chải để tồn tại và phát triển. Việc tiếp tục duy trì một cơ chế điều tiết kinh phí cứng nhắc, cào bằng về tỉ lệ giữa các trường thành viên, dường như đang tạo thêm gánh nặng, thậm chí có nguy cơ làm suy yếu sự phát triển của các trường đang gặp khó khăn.

Tôi hoàn toàn chia sẻ những khó khăn và lo lắng của trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của riêng các trường này, mà còn tác động đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực và cả nước. Việc một số trường phải “nợ” kinh phí điều tiết trong khoảng thời gian là một dấu hiệu đáng báo động, cho thấy cơ chế hiện hành có thể không còn phù hợp với bối cảnh mới”.

Trinh Thi Tu Anh.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: quochoi.vn.

Nữ đại biểu cũng phân tích về cơ chế điều tiết kinh phí hiện hành và sự cần thiết phải điều chỉnh: Cơ chế điều tiết kinh phí trong đại học vùng được thiết lập nhằm mục tiêu chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ các đơn vị thành viên, đặc biệt là những đơn vị còn yếu thế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tự chủ đại học, khi các trường phải tự chủ về tài chính và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình, việc duy trì một cơ chế điều tiết không linh hoạt có thể dẫn đến một số hệ lụy: Gây khó cho các trường đang gặp khó khăn. Các trường có tình hình tuyển sinh không thuận lợi, nguồn thu hạn chế sau đại dịch, việc phải trích một phần kinh phí để nộp lên đại học sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và các hoạt động đào tạo khác.

Đồng thời, thiếu tính linh hoạt và không phù hợp với nguyên tắc tự chủ: Tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường phải tự quyết định về các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và tài chính. Một cơ chế điều tiết kinh phí cào bằng về tỉ lệ, thiếu sự linh hoạt và không dựa trên hiệu quả hoạt động của từng trường có thể đi ngược lại tinh thần tự chủ này...

Đồng tình với những phân tích trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng nhìn nhận: “Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, đại học vùng sẽ căn cứ vào hoạt động của đại học cũng như các trường thành viên hay các đơn vị thuộc, trực thuộc, để cân đối tài chính cho phù hợp, đừng cào bằng tỉ lệ nộp nguồn điều tiết kinh phí.

Bởi vì, có những trường thành viên có điều kiện thực tế thuận lợi hơn, có thương hiệu, có vị trí đắc địa và có xu hướng tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của địa phương, có nguồn thu lớn hơn; ngược lại, cũng có những trường hiện nay đang kém sức hấp dẫn hơn trong tuyển sinh, gặp nhiều hạn chế trong nguồn thu.

Chính vì vậy, đại học vùng cần phải có sự cân đối trong việc xác định tỉ lệ đóng góp giữa các trường thành viên, không thể cào bằng tỉ lệ. Đó không phải là sự công bằng. Công bằng chính là phải cân đối trên điều kiện thu - chi thực tế của mỗi trường thành viên để tính toán một tỉ lệ hợp lý tương xứng”.

gdvn-le-nhu-tien-6642.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Lê Như Tiến cũng chia sẻ, trước đây, trong các dịp tham gia đoàn giám sát tại các đại học, ông cũng từng được lắng nghe những chia sẻ tương tự của một số trường thành viên của một số đại học.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng, cũng nên có những sự tính toán, cân đối lại để tạo “cú hích” phát triển chung của hệ thống đại học của toàn vùng.

Tuy nhiên, để không dẫn đến tình trạng “tị nạnh” giữa các trường, các đơn vị, đại học vùng cần đưa ra các quy chế tài chính rất rõ ràng, cụ thể, trong đó, tính đến tỉ lệ đóng góp phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. Trường nào có nguồn thu tốt thì có thể tăng thêm phần trăm, trường nào có nguồn thu hạn chế thì có thể xem xét giảm tỷ lệ nộp lên. Như vậy, ngoài việc đem lại sự công bằng và cũng để các trường mạnh nhận thấy trách nhiệm phải chia sẻ, giúp đỡ các trường yếu hơn, vì mục tiêu phát triển của toàn đại học vùng” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cần xây dựng các mức độ khác nhau thay vì áp dụng một tỉ lệ điều tiết cố định

Trước thực tế khó khăn ấy, một số ý kiến cho rằng có thể cân nhắc, điều chỉnh mức độ đóng góp kinh phí điều hòa (giảm hoặc miễn) đối với các trường tuyển sinh khó khăn.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ: “Đây cũng là một trong những phương án cần phải được xem xét. Bởi, hiện nay, nguồn thu giữa các trường thành viên cũng có những khoảng cách khá xa nhau. Có những trường hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhất là với những trường đào tạo các khối ngành hiện nay không còn được “chuộng”, nên nguồn thu cũng trở nên hạn chế.

Chính vì thế, Đại học Thái Nguyên cũng nên có sự xem xét, tính toán phù hợp. Thậm chí, với những trường khó tuyển sinh quá, phía đại học còn phải tăng khoản chi điều tiết kinh phí về cho trường thành viên đó, để trường duy trì hoạt động”.

1.đại biểu trương xuân cừ - đoàn đbqh tp. hà nội.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đánh giá, phương án đề xuất của một số trường thành viên Đại học Thái Nguyên về việc điều chỉnh mức độ đóng góp kinh phí điều tiết theo hướng linh hoạt hơn, dựa trên kết quả tuyển sinh và nguồn thu của từng trường, là một ý tưởng đáng được xem xét nghiêm túc.

Nữ đại biểu cho rằng: “Phương án này có nhiều điểm hợp lý và phù hợp với bối cảnh tự chủ đại học hiện nay:

Một là, tính công bằng và hợp lý: Việc điều chỉnh tỉ lệ đóng góp dựa trên khả năng tài chính thực tế của từng trường sẽ đảm bảo sự công bằng hơn. Các trường có nguồn thu mạnh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn, trong khi các trường đang gặp khó khăn sẽ được giảm hoặc miễn, giúp họ có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hai là, tạo động lực phát triển: Cơ chế này sẽ tạo động lực cho các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên, tăng cường các hoạt động dịch vụ để cải thiện nguồn thu. Đồng thời, khuyến khích các trường mạnh tiếp tục phát triển để có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đại học vùng.

Ba là, phù hợp với nguyên tắc tự chủ: Việc trao quyền tự chủ tài chính lớn hơn cho các trường thành viên, cho phép họ giữ lại phần lớn nguồn thu để đầu tư cho sự phát triển của mình, là một bước đi đúng hướng trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Bốn là, tăng cường sự gắn kết và trách nhiệm: Khi các trường nhận thấy sự đóng góp của mình được ghi nhận và có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cả hệ thống, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc quản lý tài chính và đóng góp vào sự phát triển chung”.

Ngoài ra, để triển khai phương án điều chỉnh cơ chế điều tiết kinh phí một cách hiệu quả và công bằng, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất một số bước và yếu tố cần cân nhắc như sau:

Thứ nhất, thành lập một hội đồng chuyên trách: Hội đồng này nên bao gồm đại diện của Đại học Thái Nguyên, đại diện của tất cả các trường thành viên, các chuyên gia về tài chính giáo dục và các nhà quản lý giáo dục độc lập. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá tình hình tài chính của từng trường, xây dựng các tiêu chí và phương án điều chỉnh cụ thể.

Thứ hai, xây dựng các tiêu chí đánh giá khách quan và minh bạch: Các tiêu chí đánh giá nên dựa trên các chỉ số cụ thể như tỉ lệ tuyển sinh, quy mô đào tạo, nguồn thu từ học phí và các hoạt động khác, hiệu quả sử dụng nguồn lực và tình hình tài chính chung của từng trường. Cần đảm bảo tính khách quan, minh bạch và có thể kiểm chứng được của các tiêu chí này.

Thứ ba, xây dựng các mức độ điều chỉnh linh hoạt: Thay vì áp dụng một tỉ lệ điều tiết cố định cho tất cả các trường, cần xây dựng các mức độ điều chỉnh khác nhau, có thể là các bậc thang hoặc các công thức tính toán phức tạp hơn, dựa trên kết quả đánh giá theo các tiêu chí đã được xác định.

Thứ tư, cân nhắc đến các yếu tố đặc thù của từng trường: Bên cạnh các tiêu chí chung, cần xem xét đến các yếu tố đặc thù của từng trường, ví dụ như các ngành đào tạo đặc thù, vai trò của trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn, hoặc các cam kết đặc biệt khác.

Thứ năm, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Đại học Thái Nguyên: Việc điều chỉnh cơ chế điều tiết kinh phí không nên làm suy yếu vai trò và chức năng của Đại học Thái Nguyên trong việc quản lý, điều phối và hỗ trợ các trường thành viên. Cần đảm bảo rằng đại học “mẹ” vẫn có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chung, như phát triển cơ sở hạ tầng chung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cấp đại học, và thúc đẩy các hoạt động hợp tác và nghiên cứu khoa học chung.

Thứ sáu, thực hiện lộ trình điều chỉnh từng bước: Việc thay đổi một cơ chế tài chính đã tồn tại có thể gây ra những xáo trộn nhất định. Do đó, nên thực hiện việc điều chỉnh theo một lộ trình từng bước, có sự tham gia và đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Cần có thời gian để các trường thích ứng với cơ chế mới.

Thứ bảy, thường xuyên đánh giá và điều chỉnh: Cơ chế điều tiết kinh phí sau khi được điều chỉnh cần được thường xuyên đánh giá hiệu quả và có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả trong dài hạn.

Một hội thảo trực tuyến về chăm sóc tinh thần, cơ thể và tâm hồn.jpg
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Đặc biệt, nữ đại biểu cũng đề cập đến vai trò của Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước: Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình này và có những kiến nghị cụ thể đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những hướng dẫn cụ thể và linh hoạt hơn về cơ chế tài chính cho các đại học vùng trong bối cảnh tự chủ. Cần có sự rà soát và điều chỉnh các quy định hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học, đặc biệt là các trường ở các vùng khó khăn, thực hiện tự chủ thành công và phát triển bền vững.

Tôi cũng kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm giữa Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên. Việc đối thoại cởi mở, xây dựng lòng tin và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu là rất quan trọng để vượt qua những khó khăn hiện tại và xây dựng một hệ thống giáo dục đại học mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đầu tư vào giáo dục đại học là một yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc giải quyết những khó khăn về tài chính cho các trường đại học, đặc biệt là trong quá trình thực hiện tự chủ, là một nhiệm vụ cấp bách và cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của các trường, sự hỗ trợ của Đại học Thái Nguyên, sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành của Quốc hội, chúng ta sẽ tìm ra được một giải pháp hợp lý, tháo gỡ những khó khăn hiện tại và tạo động lực mới cho sự phát triển của Đại học Thái Nguyên cùng các trường thành viên, góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà”.

Mộc Trà