Chuyên gia hiến kế 3 cách "làm" thương hiệu du lịch VN ít tốn kém

03/09/2013 14:37
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Sau đây là ba ví dụ nhằm minh họa cho tài sản chiến lược thương hiệu ngành du lịch cần rất ít chi phí và đầu tư tại Việt Nam.
Nhìn sang du lịch Singapore với slogan "Độc Đáo Singapore" đi kèm với những tài sản chiến lược thương hiệu như vườn chim Jurong, công viên nhạc nước, ngành du lịch nước này liên tục phát triển những tài sản chiến lược thương hiệu trong 3-4 năm gần đây như Garden by the Bays, Universal Studio, Singapore flyer, Marina Bay Sands. Tất cả những tài sản thương hiệu đó được xây dựng nhằm thực hiện lời hứa của Slogan – Độc Đáo Singapore.

Thái Lan cũng tương tự khi đưa ra các hoạt động, sự kiện, các gói khuyến mãi để đảm bảo khách hàng luôn luôn cảm thấy sửng sốt khi ghé thăm Thái Lan.

Trong khi đó, dường như sự kết nối – lời hứa trong slogan và những tài sản chiến lược thương hiệu du lịch Việt Nam không gắn kết chặt chẽ với nhau.

Quay trở lại slogan du lịch Việt Nam "Vẻ đẹp tiềm ẩn", chúng ta không có những cảnh quan tiềm ẩn sinh thái để khách du lịch tự khám phá. Các bờ biển mọc lên nhan nhản những cửa hàng, khách sạn hiện đại. Các tour du lịch trong những thành phố với các cao ốc mọc hối hả cùng cửa kiếng và máy lạnh. Vẻ đẹp du lịch của Việt Nam phải được gọi là lồ lộ thay vì tiềm ẩn.

Slogan hiện tại – "Vẻ đẹp bất tận" liệu có tương xứng với những tài sản chiến lược chúng ta có hay không?
Slogan hiện tại – "Vẻ đẹp bất tận" liệu có tương xứng với những tài sản chiến lược chúng ta có hay không?

Slogan hiện tại – "Vẻ đẹp bất tận" liệu có tương xứng với những tài sản chiến lược chúng ta có hay không khi khách hàng du lịch sử dụng các dịch vụ, thăm quan thắng cảnh, mua sắm, trải nghiệm khách sạn, liệu họ cảm thấy sự bất tận thể hiện trong các dịch vụ? Có lẽ câu khẳng định rất khó nói trong hoàn cảnh này đối với khách du lịch khi các dịch vụ và sản phẩm du lịch của chúng ta hiện tại chỉ ở mức chấp nhận được.

Thông qua một số phân tích sơ khởi, slogan ngành du lịch không quan trọng bằng chúng ta thể hiện nó như thế nào qua các tài sản chiến lược thương hiệu du lịch. Khi nói tới tài sản, các cấp quản lý sẽ nói ngay tới chi phí đâu để đầu tư tạo dựng các tài sản chiến lược du lịch này để thể hiện giá trị trong slogan tới khách hàng du lịch trên thế giới.

Sau đây là ba ví dụ nhằm minh họa cho tài sản chiến lược thương hiệu ngành du lịch cần rất ít chi phí và đầu tư tại Việt Nam.

Câu chuyện thứ nhất: Rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên

Tại Singapore, họ đã phải đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng các khu rừng, vườn thú và chim. Trong khi đó, chúng ta có hẳn một khu rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên. Tài sản chiến lược thương hiệu này đang bị xâm hại hàng ngày hàng giờ.

Cách đây vài năm, con tê giác cuối cùng đã bị bắn chết tại khu rừng này. Một khu rừng nguyên sinh có tê giác sống sẽ là tài sản tạo ra rất nhiều ngoại tệ hơn hẳn một bộ sừng tê giác. Cũng tương tự như vậy, dự án thủy điện trong rừng nguyên sinh đã gây ra nhiều tranh cãi nên hay không nên. Đứng trên quan điểm du lịch và góc nhìn dài hạn về phát triển kinh tế, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ cho phép tự xâm hại các khu rừng nguyên sinh này. 

Các nước xung quanh chúng ta có đầu tư hàng trăm triệu USD cũng không thể nào có một tài sản thương hiệu chiến lược như vậy. Các khách du lịch tới Việt Nam chắc chắn khi ghé thăm rừng nguyên sinh sẽ cảm thấy hoàn toàn quyến rũ bởi không khí và cảnh quan hoang sơ chỉ cách TP.HCM 100 km. Đây có thể nói là một ví du điển hình của việc ngủ quên và xâm hại những tài sản có giá trị lớn về mặt thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Câu chuyện thứ hai: Học viện và bảo tàng Phở


Như ông Nguyễn Quốc Kỳ - Giám đốc Vietravel có đề cập sử dụng các món ăn đặc biệt của Việt Nam làm thương hiệu du lịch. Nếu chúng ta sử dụng slogan Duyên Dáng Việt Nam, chắc chắn học viện và bảo tàng Phở sẽ trở thành một tài sản chiến lược thương hiệu quan trọng nhằm truyền tải những giá trị của slogan tới khách du lịch.


Chúng ta hoàn toàn có thể sưu tập và triển lãm toàn bộ lịch sử của món Phở tại bảo tàng Phở. Các khách du lịch tới đó sẽ được xem các hình ảnh, video, các dụng cụ, các cửa hàng phở trong lịch sử. Họ sẽ được giới thiệu về văn hóa phở  và cách nấu phở. Hơn thế nữa, họ sẽ được thưởng thức các biến tấu của Phở như phở theo kiểu miền Bắc, miền Nam và nhiều loại phở khác nhau.

Học Viện Phở còn có thể tạo ra chương trình đào tạo các đầu bếp chuyên về bán phở và cấp giấy chứng nhận Phở Theo Tiêu Chuẩn Việt Nam để phát triển trên toàn thế giới. Các khách du lịch sẽ cảm thấy sự quyến rũ và cảm xúc khi thăm quan và sử  dụng Phở tại Phở Institute and Museum.

Rõ ràng thông qua ví dụ này, việc phát triển tài sản chiến lược thương hiệu hoàn toàn không khó và đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư.

Câu chuyện thứ ba: Chương trình Ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam


Trong nhiều năm, báo Thanh niên đã thực hiện chương trình ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam trong và ngoài nước. Chương trình này về chất lượng có thể nói là tài sản chiến lược thương hiệu rất hiệu quả của du lịch Việt Nam khi những nét văn hóa, nghệ thuật, bản sắc Việt Nam được thể hiện tinh tế qua từng chương trình. Thật đáng tiếc, chương trình này chưa được tích hợp chặt chẽ để trở thành một tài sản chiến lược thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Điều quan trọng hơn nữa, chương trình đã được phát triển và trở thành một thương hiệu vững chắc trong và ngoài nước. Câu chuyện tại đây chỉ là chúng ta sẽ cùng nhau phát triển và đầu tư thêm để chương trình Duyên Dáng Việt Nam trở thành một đại sứ thương hiệu cho ngành du lịch Việt Nam thể hiện sự quyến rũ với khách du lịch trên thế giới như thế nào.

Qua những ví dụ nói trên về những tài sản chiến lược thương hiệu đã bị xâm hại một cách đáng tiếc - rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên hay tài sản chiến lược thương hiệu cần phát triển mới  - học viện và bảo tàng Phở hoặc những tài sản chiến lược thương hiệu đã có sẵn cần đầu tư phát triển - chương trình Duyên Dáng Việt Nam, chúng ta thấy tất cả những gì cần xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch đã có sẵn.

Vấn đề quan trọng kế tiếp đó là các cơ quan và cá  nhân quản lý ngành du lịch cần nhận thức một cách sáng tạo và hệ thống để phát triển slogan và những tài sản chiến lược thương hiệu du lịch đi kèm. Chúng ta không thể "mạnh vì gạo bạo vì tiền" hơn những quốc gia ở xung quanh chúng ta như Singapore, Thái Lan. Dân gian đã có câu lạt mềm buộc chặt. Chúng ta cần phải tận dụng, bảo tồn và phát triển những gì chúng ta đang có.

"Duyên Dáng Việt Nam" có thể trở thành một slogan phù hợp với du lịch Việt Nam vì bản thân trong nó đã mang đầy đủ những thế mạnh của văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Một dân tộc hiền hòa, một nền văn hóa tinh tế và đất nước mang nhiều nét thiên nhiên ưu đãi. Du lịch Việt Nam sẽ quyến rũ khách du lịch thông qua những cảm xúc và kết nối tinh thần qua các sản phẩm/dịch vụ du lịch Ăn, Ngủ/Nghỉ, Chơi, Mua Sắm, Thăm Quan và các mục đích đặc biệt.

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam