Chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin nói với tờ Lenta gần đây đã tiết lộ những lý do khiến Trung Quốc vẫn chưa tham gia vào cuộc chiến tranh chống khủng bố IS ở Syria.
Bắc Kinh đã công khai ủng hộ các hoạt động chống IS của Nga tại Syria và truyền thông Trung Quốc cũng tích cực thảo luận về vấn đề này với quan điểm ủng hộ các động thái của Moscow.
Ảnh Lenta. |
Hơn nữa, Syria đã nổi lên là một nơi rất thu hút lực lượng khủng bố "thánh chiến" quốc tế, bao gồm cả những người ủng hộ ly khai ở Tân Cương. Tại đây, những kẻ khủng bố được huấn luyện thành những chiến binh thực thụ. Điều này cũng đặt ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Cũng giống như Nga, Trung Quốc cũng quan ngại về sự phát triển của IS tại Afghanistan và những bất ổn tiềm năng trong khu vực Trung Á, nơi Bắc Kinh đang đổ lượng tiền khổng lồ vào các dự án đầu tư kinh tế-thương mại.
Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria. Quyết định chưa can thiệp của Bắc Kinh không phải vì phản ứng của dư luận Trung Quốc mà bởi một loạt lý do khác.
Theo chuyên gia Nga, Trung Quốc rất coi trọng hình ảnh của mình ở bên ngoài và luôn muốn được nhìn nhận là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Bắc Kinh hiện vẫn duy trì chính sách đối ngoại từ thời Đặng Tiểu Bình, trong đó chủ trương không can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột ở các nước khác.
Bắc Kinh có mối quan hệ với các nước Trung Đông khá phức tạp. Mặc dù ủng hộ Nga và Syria, nhưng Bắc Kinh lại có mối quan hệ kinh tế khá gần gũi với Ả Rập Saudi - một đối thủ chính của Tổng thống Bashar al-Assad.
Kinh ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga chỉ đạt hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng với Ả Rập Saudi lên tới hơn 70 tỷ USD/năm. Đến nay, Ả Rập Saudi vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn ở vương quốc Ả Rập.
Nói cách khác, Trung Quốc có nhiều thứ để mất nếu tham gia chống khủng bố tại Syria và hỗ trợ chính quyền Assad củng cố quyền lực cùng với Nga và Iran.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang âm thầm từng bước cải thiện ảnh hưởng của mình ở bên ngoài trong bối cảnh hiện nay nhiều người dân nước này đã bày tỏ mong muốn rằng Bắc Kinh tăng cường vai trò quốc tế của mình hơn nữa.
Bằng chứng là Trung Quốc đã điều tàu sơ tán công dân của mình khỏi Yemen, di tản 35.000 người Trung Quốc ra khỏi Libya trong cuộc đảo chính.
Theo ông Kashin, chắc chắn Bắc Kinh đang cung cấp các khoản vay cho Damascus. Điều này không kém phần quan trọng so với hỗ trợ vũ khí vì nó giúp chính phủ Assad có tiền mua nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men.
Ông cũng tin rằng việc gần đây xuất hiện một số hình ảnh cho thấy xe quân sự của Trung Quốc ở Syria có thể là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh bắt đầu cung cấp thiết bị quân sự cho chính phủ Damascus.
Theo Kashin, Trung Quốc có thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria trong trường hợp Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận về vấn đề này cho phép Bắc Kinh tham gia hỗ trợ Moscow.