Xưa vua đi vi hành, nay Thủ tướng cũng yêu dân như vậy!
Giai thoại về những chuyến vi hành của các bậc minh quân trong lịch sử Việt Nam được truyền bá đến tận ngày nay vẫn chứa đựng nhiều bài học quý giá.
Thực trạng “xa dân” của không ít cán bộ “công bộc” ngày nay mà báo giới ví von là “tư duy máy lạnh” đã khiến những chuyến vi hành “bí mật thăm dân” trở thành chuyện cổ tích!?
Có một câu chuyện kể lại rằng: Thuở xưa, tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài “xuất quỷ nhập thần”, định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến bởi chuyên trộm của nhà giàu đem cho người nghèo.
Thủ tướng quyết tâm xóa bỏ "con đường ngắn nhất từ dạ dày đến nghĩa địa" |
Đã nhiều lần các quan cho binh lính vây bắt nhưng hắn ẩn hiện tài tình, không cách nào tóm được, vì hành tung của hắn nhanh như gió chỗ nào cũng vào lọt nên người dân còn phong tước hiệu cho hắn là “Quận Gió”!
Tiếng đồn về Quận Gió lọt đến tai vua Lê Thánh Tông và nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật.
Đã cận giờ giao thừa, có một thanh niên trạc 20 tuổi tìm đến nơi Quận Gió đang trú ngụ. Người này tự xưng là môn sinh trường Quốc Tử Giám, năm hết tết đến, nhà lại nghèo không có tiền nên đến phiền Quận Gió “giúp” cho một ít. Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói:
“Giúp ai tôi cũng sẵn lòng, giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích, vậy anh muốn tôi lấy của ai?
Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?” – Người thanh niên đáp.
“Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy.
Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho anh vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn”.
Rạng sáng nay 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ có chuyến kiểm tra đột xuất chợ đầu mối rau quả Long Biên và xã chuyên canh rau sạch Văn Đức, Hà Nội (Ảnh: nld.com.vn). |
Vừa dứt lời, Quận Gió băng mình vào bầu trời đen mịt mùng như mực của đêm đông. Chốc lát đã thấy Quận Gió trở về với hai nén bạc trong tay.
Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của Nhà nước.
Sáng mồng một Tết, nhà Vua thiết triều. Khi tất cả các quan tề tựu đông đủ, vua đem câu chuyện vi hành đêm 30 Tết kể lại cho mọi người nghe.
Hai nén bạc được chuyền tay cho tất cả các quan xem tận mắt.
Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi.
Câu chuyện phần nhiều mang tính chất hư cấu nhưng qua đó để biết chuyện vi hành của người lãnh đạo quan trọng như thế nào đối với quốc kế dân sinh.
Sáng sớm ngày 8/10, đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt rất sớm tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn thành phố, đích thân Thủ tướng đã vào bếp, cặn kẽ kiểm tra từng biên bản, hợp đồng, hỏi về nguồn gốc thực phẩm và dừng quán ven đường ăn sáng rồi uống cà phê tại đây.
Thủ tướng vi hành, ăn phở và uống cà phê đá bình dân ở TP.Hồ Chí Minh |
Cũng trong buổi sáng, Thủ tướng và đoàn công tác kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại phường Tân Thành và siêu thị trên đường Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11) và kết thúc bằng cuộc làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bước đột phá trong cung cách làm việc của người đứng đầu Chính phủ là ở chỗ không ngồi một nơi nghe báo cáo của cấp dưới, bởi không ít bản báo cáo đã được tô vẽ, xa rời thực tế.
Chỉ có thể chỉ đạo đúng, phê bình đúng người đúng tội khi đi từ thực tế cuộc sống đến bàn làm việc, ngược lại phong cách làm việc đi từ bàn giấy để suy ra thực tế khó tránh khỏi oan sai!
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “ghé thăm” chợ đầu mối Long Biên vào lúc rạng sáng ngày 27/9, chuyến vi hành đột xuất của người đứng đầu Chính phủ đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng quần chúng, đúng như Thủ tướng đã khẳng định là Chính phủ hành động và kiến tạo.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng thì cuộc trò chuyện thân mật gần gũi giữa Thủ tướng và các tiểu thương về vấn đề đạo đức kinh doanh, sức khỏe người tiêu dùng… thật sự rất có ý nghĩa.
Thực trạng báo động về mất an toàn thực phẩm hiện nay có nguyên nhân không nhỏ từ sự tắc trách của các cơ quan chuyên môn.
Mong rằng các ngành chức năng hãy coi chuyến thăm chợ bất ngờ của người đứng đầu Chính phủ là tấm gương cần noi theo.
Có vi hành mới diệt được "tư duy máy lạnh"!
Phải sâu sát hơn với nhân dân, nhập vào thực tiễn cuộc sống để lột bỏ tư duy “máy lạnh” ban hành những chính sách trên trời.
Câu chuyện vi hành chống tham nhũng của vua Lê Thánh Tông và những chuyến thăm đột xuất của Thủ tướng đều mang một mẫu số chung rằng: chỉ khi nào cơ quan công quyền lấy thực tiễn cuộc sống làm thước đo cho mọi hoạt động thì khi đó đất nước mới được ổn định, xa dân, không tin dân là đại họa cho đất nước.
Hàng ngày, khắp cả nước có hàng ngàn cuộc kiểm tra, thanh tra lớn nhỏ được các cơ quan chức năng tiến hành nhưng mọi sự tắc trách, sai phạm vẫn chưa có dấu hiệu bị dẹp bỏ, ngược lại còn diễn biến phức tạp và tinh vi hơn.
Chuyến vi hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 8/10 (Ảnh: tuoitre.vn). |
Phải chăng, mọi cuộc kiểm tra, thanh tra đều đã được “xi nhan” trước nên bên bị kiểm tra đã “bố trí” thảm nhung nhằm giảm bớt… căng thẳng!
Vi hành là một trong những giải pháp tốt nhất để diệt trừ “tư duy máy lạnh”.
Việc cấm xe máy ở Hà Nội, quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ phải xin phép; đi xe không chính chủ bị phạt; quy định số vòng hoa, cấm rắc vàng mã trong đám tang… là một số quy định pháp quy thiếu tính thực tế do các cơ quan chức năng dự thảo hoặc đã ban hành thời gian qua.
Rạng sáng, Thủ tướng "vi hành" chợ Long Biên |
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, luật và thực tế, do vậy đòi hỏi các cơ quan soạn thảo, ban hành phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng.
Không chỉ có kiến thức về lĩnh vực tư pháp, soạn thảo văn bản hành chính, kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực này còn đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc về thực tế, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh.
Vậy mà, không ít “công bộc” ở các bộ, ngành, địa phương đã, đang và rất có thể sẽ đưa ra những ý tưởng kỳ lạ khi đề xuất các quy định… trên trời kể trên.
Dư luận cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đó là do “soạn luật” bằng tư duy… máy lạnh, thiếu kiến thức, thiếu thực tiễn.
Ngày 7/10, phát biểu tại hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình: “Nhiều Chủ tịch xã, huyện và cả tỉnh chưa bao giờ tiếp dân, như vậy có đúng quy định không, trong khi người dân tin tưởng mình như vậy? Nói phải, củ cải cũng nghe”. [1]
Lãnh đạo nhân dân, đất nước cần “đi” bằng đôi chân chứ không phải “bay” bằng đôi cánh, những lổ hổng của luật pháp, hiệu quả hiệu lực của bộ máy Nhà nước bị giảm sút cũng chỉ vì “xa dân”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-nhieu-chu-tich-tinh-chua-bao-gio-tiep-dan-3480508.html