Những ngày đầu tháng 1, giá rét cắt da cắt thịt, phóng viên Giáo dục Việt Nam đặt chân đến làng nghề. Từ đầu làng, đập vào mắt phóng viên là hình ảnh người dân tụm năm tụm ba chẻ tăm, xe công nông rồi xe ba gác chở nguyên liệu và sản phẩm tăm chạy ầm ầm. Vào sâu trong xã, ở hai bên đường, những đống nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa…chất từng đống cao như núi.
Ngâm nguyên liệu với gà chết, nước thải sinh hoạt
Con sông chảy qua xã Quảng Phú Cầu, về mùa khô gần như biến thành một dòng sông chết. Theo quan sát của phóng viên, những ống nước thải sinh hoạt to nhỏ của các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông đổ thẳng vào những ao tù. Hàng tấn nguyên liệu làm tăm được ngâm trong dòng nước thải đục ngàu.
Người dân vớt nguyên liệu trong cái rét căm căm. |
Xác gà chết được ngâm cùng nguyên liệu làm tăm. |
Đi sâu vào trong xã, đâu đâu phóng viên cũng thấy người chẻ tăm. Những lao động thủ công này hầu hết là người có tuổi và phụ nữ. Họ tận dụng đủ mọi khoảng không để làm địa điểm ngồi chẻ tăm. Từ quán nước đầu làng cho đến sân đình, đâu đâu cũng thấy người ngồi chẻ tăm nhưng theo một người dân làng, số người ngồi chẻ tăm bây giờ đã ít đi nhiều. Ông Nguyễn Văn Doanh, một người dân trong làng nói: “Bây giờ người ngồi chẻ tăm thủ công như chúng tôi không còn đông như ngày xưa. Người ta đưa máy móc, công nghệ kỹ thuật vào làm tăm nhiều, công đoạn chẻ tăm được rút ngắn lại. Sở dĩ chúng tôi còn ngồi đây chẻ thủ công như thế này là do một số nhà làm nhỏ lẻ chưa đầu tư được máy móc nên phải thuê người làm”.
Cũng theo ông Doanh, một ngày chẻ tăm thuê như thế này sẽ có thu nhập từ 40 đến 60 nghìn đồng trên một người.
Đến giữa làng, ở gần ngôi nhà mà tiếng máy chạy nhức óc, chúng tôi dò hỏi. Chị Dung, một người phụ nữ ngoài tuổi 40 hồ hởi cho biết về công đoạn biến những bó nguyên liệu thối thành những hộp tăm thơm: “Đúng là khi vớt lên nó bẩn thật đấy, mùi hôi của bùn, mùi tanh của nước cộng với cái mùi thối đặc trưng của tre, nứa ngâm. Không có cách nào có thể làm cho nó trắng ra trừ phi dùng hóa chất tẩy trắng”.
Tăm đã qua chế biến. |
Trước ánh mắt nghi ngại của nhóm phóng viên, chị Dung cho biết thêm: “Sau khi nguyên liệu được vớt lên khỏi ao sẽ được mang ra bãi đất trống hay cánh đồng gần làng phơi cho khô rồi chẻ bằng máy hoặc là thuê người dân trong làng chẻ thủ công. Tiếp theo, tùy từng cơ sở mà tăm được đưa vào ngâm tẩm để tẩy trắng. Chất tẩy là Hydrogen peroxide 50% (H2O2 - oxy già), thuốc chống mọt... Muốn cho tăm có mùi thơm thì chỉ cần cho thêm một số hương liệu vào… Cũng có loại tăm sử dụng nguyên liệu không cần ngâm”.
Cũng theo chị Dung, nguyên liệu làm tăm có thể được ngâm trong hóa chất theo thời gian ngắn hay dài còn tùy thuộc vào nguyên liệu ngâm hay không ngâm. Sau khi nguyên liệu được tẩy trắng, chẻ thành tăm sẽ được chuyển đến một nơi khác đóng gói và tiêu thụ.