Cư dân mạng tranh luận về clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ:

Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ: Mục đích đáng biểu dương hay chê trách?

16/05/2012 13:00
Tiểu Phương
(GDVN) - Có người cho rằng: Nội dung trong đoạn Clip quảng cáo mỳ gấu đỏ mới chỉ là bề nổi bên ngoài, đằng sau đó, phải xem cách cư xử của doanh nghiệp với bệnh nhân như thế nào,...
Những ngày gần đây đoạn clip quảng cáo Gấu đỏ - gắn kết yêu thương (của Công Ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Á Châu) được quảng cáo trên truyền hình VTV và được đăng tải rộng rãi trên mạng Internet đang gây xôn xao trên cộng đồng cư dân mạng với rất nhiều ý kiến, tranh cãi trái chiều nhau... Những hình ảnh kể về câu chuyện bất hạnh của Tuấn, nụ cười trong sáng của trẻ thơ, ánh mắt sẻ chia của bác sĩ, giọt nước mắt tức tưởi của người mẹ… đã dấy lên trong lòng mỗi người Việt Nam một sự xót thương, chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có không ít những quan điểm cho rằng: Phải chăng mỳ gấu đỏ đang lợi dụng lòng trắc ẩn của người xem, sử dụng hình ảnh những trẻ em bất hạnh để mong muốn bán được nhiều hàng, đạt doanh số cao nhất?
Anh Trịnh Văn Thuận, người chuyên đưa ra các ý tưởng cho các clip, slogan quảng cáo nhận xét: Nhìn vào quảng cáo của mỳ gấu đỏ, người ta thừa biết nó chỉ là bề nổi bên ngoài,...
Anh Trịnh Văn Thuận, người chuyên đưa ra các ý tưởng cho các clip, slogan quảng cáo nhận xét: Nhìn vào quảng cáo của mỳ gấu đỏ, người ta thừa biết nó chỉ là bề nổi bên ngoài,...
Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, anh Trịnh Văn Thuận (Hà Nội), người chuyên đưa ra các ý tưởng cho các clip, slogan quảng cáo nhận xét: Nếu xem nội dung clip quảng cáo, người ta thừa biết nó chỉ là bề nổi bên ngoài, đằng sau đó, chúng ta phải xem cách mỳ gấu đỏ đối xử với bệnh nhân như thế nào, cứu giúp những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ra sao. “Phải xem họ có thực tâm hay không, bởi lẽ với quảng cáo này, đôi bên sẽ cùng có lợi. Người bán tiêu thụ được nhiều hàng, còn người mua cũng đã chung tay giúp ích cho bệnh nhân hiểm nghèo...” – anh Thuận cho biết.
Có thể nói, xu hướng kinh doanh gắn liền với công tác xã hội đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Việc kết hợp kinh doanh với những việc làm hữu ích cho cộng đồng đang là một hướng đi mới cho nhiều doanh nghiệp. Một website bán hàng nổi tiếng ở Châu Âu đã rao bán sản phẩm của mình với thông tin: Ai đó mua một đôi giầy tại đây sẽ đồng nghĩa với việc gửi tặng một đôi giầy cho 1 người khó khăn ở Châu Phi. Chiến dịch này đã rất thành công và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tại Việt Nam, trước mỳ gấu đỏ, Vinamilk cũng đã thực hiện chương trình 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo, trích ra 60 đồng trên một ly sữa với mục tiêu miễn phí sữa cho trẻ em khó khăn. Một số tập đoàn, công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam như Prudential - một trong những tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Vương quốc Anh có hẳn quỹ học bổng cho trẻ em. Prudential đã thực hiện trong nhiều năm, gắn liền kinh doanh với bảo hiểm nhân thọ trong quảng cáo của mình. Một số nhãn hàng khác như Unilever cũng có quỹ để bảo vệ trẻ em như giữ gìn vệ sinh, nước sạch… “Tuy vậy, ít có đơn vị nào đưa mục tiêu xã hội vào trong quảng cáo trọn vẹn như clip kết nối yêu thương của mỳ gấu đỏ. Thông thường thì các doanh nghiệp đánh thẳng vào mục tiêu thương mại, chưa có kinh nghiệm trong việc tạo hình ảnh qua các mục tiêu xã hội” – Ông Đặng Hoa Nam, Cục phó Cục bảo vệ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ lao động, thương binh và xã hội nói. Ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp tham gia các công tác xã hội vì trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, sẽ có nhiều ý kiến bình luận khác nhau vì bên cạnh mục tiêu xã hội, doanh nghiệp vẫn phải đạt mục tiêu kinh doanh là chính, “vấn đề là làm sao để hai mục tiêu này hài hòa với nhau” – ông Nam chia sẻ. Có thể nhận thấy: Clip gắn kết yêu thương của mỳ gấu đỏ đã thực sự lấy nước mắt của rất nhiều người, dấy lên một niềm thương cảm, sẻ chia trong cộng đồng xã hội, xét về khía cạnh nào đó, mỳ gấu đỏ đã thành công trong công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung tay vì trẻ em nghèo khó. Mặc dù vậy, “nếu vì một điều gì đó, họ vi phạm quyền trẻ em thì chúng ta cần đưa ra ý kiến...” – Ông Nam nhấn mạnh. Trong khi có không ít tranh luận trên mạng internet đã cho rằng: Mục đích làm từ thiện của mỳ gấu đỏ “không minh bạch lắm”. "Tôi thấy mỳ gấu đỏ có ý tốt, vì dù sao một xu cho người khác cũng là tốt rồi. Nhưng lòng tốt này là có mục đích, mà lại là mục đích kiếm lời cho doanh nghiệp (bán được nhiều hàng), vì thế, với tôi, mục đích đó không được minh bạch lắm” -  nicknames Long Truyện bình luận trên facebook của mình.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quảng cáo kêu gọi thiện nhân của mỳ gấu đỏ.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quảng cáo kêu gọi thiện nhân của mỳ gấu đỏ.
Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của một người đã có 20 năm kinh nghiệm trong công tác xã hội, ông Nam cho rằng: Với một doanh nghiệp gắn mục tiêu kinh doanh với mục tiêu xã hội như mỳ gấu đỏ đáng biểu dương hơn là chê trách. “Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, mong muốn doanh nghiệp tham gia các công tác xã hội. Nếu cái họ làm không lành mạnh, vi phạm các điều luật trong lĩnh vực thương mại, kinh tế thì đã có luật pháp xử lý họ. Đằng này, họ đang cố gắng vận động để giúp đỡ những bệnh nhi nghèo, không có tiền chữa chạy. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng: doanh nghiệp nào cũng phải đứng bằng hai chân, kinh doanh để tồn tại, có tồn tại được mới có điều kiện làm công tác xã hội”. Trái với quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng không đồng tình với cách làm của mỳ gấu đỏ. “Trong kinh doanh có nhiều hình thức vừa làm công tác thị trường vừa phát triển thương hiệu, tăng doanh thu, lợi nhuận,…Làm từ thiện cũng vậy, có nhiều doanh nghiệp tài trợ cho chương trình nào đó nhưng giấu tên, không muốn đưa lên, tại sao Mỳ gấu đỏ lại chọn cách này? Làm như vậy có vẻ như đang sử dụng một cái gì đó như là lòng trắc ẩn của con người, tung sản phẩm của mình ra để đạt doanh số cao hơn. Lấy số phận của những trẻ em ra để đạt được mục đích cuối cùng là bán hàng. Do đó, tôi phản đối cách làm này” – Giám đốc một công ty kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh đưa ra chính kiến của mình. Mọi ý kiến xin độc giả vui lòng gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Tiểu Phương