Tại Đại hội, cô Phượng đã chia sẻ phương pháp đổi mới dạy học tiếng Anh, thiết kế các giờ học xuyên biên giới.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Hà Nội, cô Phượng chọn Trường Trung học phổ thông Hương Cần - một ngôi trường miền núi của tỉnh Phú Thọ để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng.
Ngôi trường này có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Những em học sinh nơi đây còn nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường trung học phổ thông Hương Cần, Phú Thọ được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Cô Phượng luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế trong 5 năm qua cô đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học, những giải pháp để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới.
Mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của cô Phượng ra đời và lớp học của các nước trên thế giới qua các giờ học tiếng Anh.
Ở đó các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu để rồi cô trò đã du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.
Đây là mô hình các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau qua nhiều bộ môn học như Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch sử… qua hội nhóm giáo viên trong nước và toàn cầu, thường là từ nguồn giáo viên tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft.
Mô hình lớp học xuyên biên giới ở đây khác với những lớp học trực tuyến thông thường ở các đơn vị giáo dục như Trung tâm tiếng Anh, các lớp học tư nhân ở chỗ đây là mô hình miễn phí và việc kết nối là xuyên quốc gia giữa các đơn vị giáo dục trên phạm vi toàn cầu và thường tại lớp.
Theo cô Phượng đánh giá, mô hình lớp học xuyên biên giới có rất nhiều điểm ưu việt như giáo viên đều được kiểm chứng qua diễn đàn giáo viên sáng tạo của Microsoft là giáo viên của các trường trên thế giới, không đơn thuần là những người nước ngoài không rõ nguồn gốc như trên các trang mạng xã hội.
Khi tham gia diễn đàn giáo dục, giáo viên sẽ vừa có thể lựa chọn được giáo viên và bộ môn thích hợp với học sinh của mình. Là cơ hội để cho giáo viên có thể trau dồi chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, năng lực hợp tác của mình với giáo viên trong cả nước và giáo viên quốc tế.
Còn học sinh có cơ hội học hỏi không chỉ kiến thức tiếng Anh, tăng khả năng nghe nói thực tế, có thêm động lực học tiếng Anh mà còn có cơ hội giao lưu văn hóa với thầy cô và các bạn học sinh nước ngoài.
Đặc biệt, lớp học này tiết kiệm chi phí cho nhà trường vì mô hình này đều miễn phí: Trên thực tế chi phí chi trả cho một giáo viên nước ngoài là rất lớn (trung bình từ 15-28 USD/giờ), không phải đơn vị giáo dục nào trên cả nước cũng có thể đủ khả năng chi trả, nhưng tại đây từ giáo viên và học sinh đều miễn phí.
Cùng với đó là việc lựa chọn Skype, Ms Teams, hay Zoom sẽ nâng cao chất lương âm thanh, hình ảnh có các chức năng lớp học như tắt âm, giơ tay, feedback, ghi lại bài giảng... hơn các ứng dụng mạng xã hội.
Sau thời gian áp dụng, cô Phượng nhận thấy, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.
Điều khiến cô Phượng thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do cô hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… là những điều mà cô nhìn thấy rõ ở các em.
Không chỉ dừng lại ở mô hình lớp học xuyên biên giới mà trong 5 năm qua, cô và trò nhà trường đã cùng đồng hành trên nhiều dự án, nhiều câu chuyện bên ngoài lớp học ví như dự án quốc tế như “Nói không với ống hút nhựa” hay dự án “Thư viện hạnh phúc”...
“Điều khiến tôi thật sự ngưỡng mộ họ là tinh thần học tập và làm việc hăng say, bất chấp khoảng cách về tuổi tác, không gian.
5 năm qua, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, tôi hiểu rằng việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh tốt hơn” cô Phượng chia sẻ.