Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, thanh tra nội bộ trong cơ sở nêu: Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ là tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Một số chuyên gia nhìn nhận, mặc dù thanh tra nội bộ có vai trò quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học, song trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại.
Thanh tra nội bộ là công cụ đắc lực giúp phát hiện sớm những tồn tại, bất cập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt đánh giá, công tác thanh tra nội bộ là công cụ đắc lực của lãnh đạo nhà trường, giúp tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện phát hiện kịp thời những bất cập trong quá trình quản lý; giúp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế trong lĩnh vực giáo dục, quản trị nhà trường tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ trong một trường đại học là hoạt động xem xét và đánh giá các hoạt động giáo dục - đào tạo, điều kiện dạy - học, giáo dục trong phạm vi nội bộ trường đại học nhằm mục đích thực hiện sứ mệnh của trường, xây dựng thương hiệu nhà trường, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên trường yêu cầu của cộng động, xã hội.
Tiến sĩ Lê Minh Chiến nhấn mạnh, công tác này cũng giúp hiệu trưởng phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý của trường để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của trường; giúp đơn vị, tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và chính sách pháp luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của trường theo quy định của pháp luật.
Cùng trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Công Hào - Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Huế cũng nhìn nhận, hiện nay, vấn đề tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng diễn ra khá mạnh mẽ và là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Theo đó, khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ thì công tác thanh tra nội bộ đóng một vai trò rất quan trọng, đảm bảo chất lượng nội bộ bên trong của cơ sở giáo dục đại học.
"Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học 2018 đã có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.
Khoản 2 Điều 115 Luật Thanh tra năm 2022 quy định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.
Khi các cơ sở giáo dục đại học được trao quyền một cách mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là một khâu cần thiết giúp cho công tác quản lý, điều hành của hiệu trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học", Tiến sĩ Nguyễn Công Hào nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Đà Lạt) đánh giá công tác thanh tra nội bộ là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Theo Đại biểu Tú Anh, thanh tra nội bộ giúp phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình dạy và học, từ đó đề xuất các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Qua hoạt động thanh tra, các cơ sở giáo dục có thể đánh giá đúng thực trạng, phát hiện những điểm yếu trong công tác quản lý, từ đó đưa ra những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của nhà trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của nhà trường, tạo điều kiện để xã hội giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục. Thanh tra nội bộ cũng giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh, sinh viên, ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định về học phí, chất lượng dịch vụ giáo dục.
Một số vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thanh tra nội bộ
Mặc dù công tác thanh tra nội bộ rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Minh Chiến vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đó là, việc thành lập bộ phận thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học chưa thống nhất, còn bất cập. Ngoài ra, hình thức thanh tra, quy trình thanh tra, phương tiện làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn còn một số hạn chế, chưa thống nhất. Về kinh phí, tài chính hầu hết các đơn vị được khảo sát chưa bố trí, chế độ phụ cấp cho cán bộ thanh tra nội bộ cũng chưa tương xứng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Hào, trước hết, cần có nhận thức đúng đắn về công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học từ thủ trưởng, đến những người thực thi công tác thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trong triển khai công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ nhất, chúng ta chưa có sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật: Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nội dung tự chủ về cơ cấu tổ chức, bộ máy, số lượng người làm việc dẫn đến khó khăn trong việc quy định về tổ chức cũng như biên chế làm việc về công tác thanh tra nội bộ.
Thứ hai, đâu đó đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về thanh tra. Chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người làm công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học. Chế độ đãi ngộ phụ thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Thứ ba, chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục tiến hành cuộc thanh tra nội bộ, người ký quyết định thanh tra nội bộ, người ký kết luận thanh tra nội bộ, tiêu chuẩn trưởng đoàn thanh tra nội bộ... Do đó, việc thanh tra nội bộ vẫn đang áp dụng như thanh tra chuyên ngành, việc ban hành quyết định thanh tra, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra chủ yếu do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ban hành.
Ngoài ra, chúng ta chưa quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục của cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong cơ sở giáo dục đại học.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cũng nhìn nhận, công tác thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc. Việc triển khai Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra nội bộ, tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Đại biểu, một số cán bộ, quản lý chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của thanh tra nội bộ, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường ở vùng khó khăn, thiếu nguồn lực để đầu tư cho công tác thanh tra, như kinh phí, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ chuyên trách.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ thực hiện thanh tra nội bộ còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, dẫn đến việc công tác thanh tra chưa đạt hiệu quả cao. Một số cán bộ quản lý phải dành phần lớn thời gian cho công tác chuyên môn, dẫn đến việc công tác thanh tra bị xem nhẹ. Một số trường hợp, cán bộ, nhân viên sợ sệt, né tránh việc phát hiện và xử lý các sai phạm, dẫn đến việc che giấu thông tin.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh khẳng định: "Công tác thanh tra nội bộ là một công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, công tác này cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục. Để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của toàn xã hội".
Cần có các chính sách, chế độ đối với đội ngũ thực hiện công tác thanh tra nội bộ
Tiến sĩ Lê Minh Chiến cho rằng, cần có các chính sách, chế độ đối với đội ngũ thực hiện công tác thanh tra nội bộ.
"Những người thanh tra nội bộ lại không phải là công chức thanh tra và không có chế độ chính sách tương ứng. Điều này khiến họ không có động lực, tâm huyết trách nhiệm đến cùng để thực hiện công tác thanh tra nội bộ. Bên cạnh đó, Luật thanh tra quy định cơ sở giáo dục đại học công lập ban hành chính sách đãi ngộ cho đội ngũ thanh tra tùy thuộc vào điều kiện của đơn vị mình. Điều này tạo chủ động nhưng lại tạo tùy tiện và không thống nhất giữa các trường.
Từ những thực tế trên, nhiều cơ sở giáo dục đại học kiến nghị nên quy định các vấn đề trên, nhất là mức đãi ngộ tương xứng cho thanh tra, để họ tận tâm hơn, đầu tư trí tuệ, năng lực, trách nhiệm với công việc của mình", Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Công Hào cho biết, theo khoản 2 Điều 68 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thanh tra, người làm công tác thanh tra nội bộ được hưởng các chế độ, chính sách của viên chức và các khoản phụ cấp khác khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo cơ chế tài chính của cơ quan, đơn vị mình.
"Hiện nay, đội ngũ làm công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học là những viên chức, người lao động của cơ sở giáo dục đại học được hưởng lương, phụ cấp và các quyền lợi như viên chức, người lao động của cơ sở giáo dục đại học, hưởng phụ cấp ưu đãi khác theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học. Do đó, sẽ không thống nhất về chế độ cho người làm công tác thanh tra nội bộ. Vì vậy, cần có một quy định chung thống nhất về chế độ cho người làm công tác thanh tra nội bộ, tạo động lực cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm khi được giao làm nhiệm vụ thanh tra", Tiến sĩ Hào nhấn mạnh.
Nhằm khắc phục những khó khăn và vướng mắc hiện nay, Đại biểu Tú Anh đề xuất một số giải pháp:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra cho cán bộ, nhân viên các cơ sở giáo dục, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác này. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng thời có những cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ thực hiện công tác thanh tra.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho công tác thanh tra, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn, nhằm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ cán bộ.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và các tổ chức xã hội trong công tác thanh tra. Sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác thanh tra, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu sai sót.
Đội ngũ thanh tra cần hoạt động độc lập, không chịu sự tác động của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Kết quả thanh tra cần được công khai rộng rãi để mọi người cùng biết, tạo điều kiện cho xã hội giám sát. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, tạo một cơ sở dữ liệu thống kê về các vụ việc thanh tra, kết quả thanh tra để phục vụ công tác quản lý, đánh giá. Hơn thế nữa, cần có cơ chế khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.