Cô giáo 10 năm kiên trì nhặt rác quanh hồ Thiền Quang

18/01/2025 06:58
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Từ năm 2015 đến nay, cô Lê Thúy Nga không quản nắng mưa, kiên trì nhặt rác quanh hồ Thiền Quang với mong muốn nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ với môi trường.

Cô Lê Thúy Nga (50 tuổi) hiện là giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trường Trung học cơ sở Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Suốt 10 năm qua dù không được trả công nhưng cô Nga vẫn kiên trì với việc nhặt rác quanh hồ Thiền Quang đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Cứ 6 giờ 30 phút sáng chủ nhật hàng tuần, cô giáo Lê Thúy Nga rời khỏi nhà tới địa điểm quen thuộc với mình 10 năm nay. Gần 7 giờ, cô Nga đã có mặt tại bờ hồ Thiền Quang (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sắp xếp ngay ngắn những túi rác thải tự phân hủy, găng tay vải sợi, kẹp giấy để cùng các tình nguyện viên nhặt rác quanh hồ.

z6229142785440_f93ad217029ba88f49ae78ec2504abeb.jpg
Cô giáo Lê Thúy Nga, trưởng nhóm nhặt rác làm sạch hồ Thiền Quang. (Ảnh NVCC)

10 năm nhặt rác quanh hồ Thiền Quang, mong muốn “gieo” ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ

Chia sẻ về cơ duyên bắt đầu thực hiện hoạt động ý nghĩa này, nữ giáo viên cho hay: “Năm 2008, gia đình tôi trở về Việt Nam sau 5 năm sống tại Nhật Bản. Từ khi về nước, tôi luôn trăn trở, mong muốn đóng góp cho đất, đặc biệt là trong lĩnh môi trường.

Là một giáo viên, tôi nhận ra rằng để thay đổi tương lai, không gì hiệu quả hơn việc giáo dục từ thế hệ trẻ, giúp các em hiểu và thực hành bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ, để khi trưởng thành, các em sẽ trở thành những người có ý thức, kiến thức bảo vệ môi trường và xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, sạch, đẹp.

Đến năm 2013, một đồng nghiệp giới thiệu cho tôi tham gia một nhóm tình nguyện bảo vệ môi trường của người Việt Nam và người Nhật Bản. Trong quá trình hoạt động, một số thành viên trong nhóm gợi ý tôi tách riêng và tập trung nhặt rác tại hồ Thiền Quang bởi đây là địa điểm gần nhà tôi và cũng thuận tiện cho phụ huynh, học sinh tham gia. Hơn nữa, hồ Thiền Quang khi đó bị ô nhiễm bởi lượng rác lớn mà công nhân vệ sinh khó xử lý triệt để.

Đầu năm 2015, nhóm tình nguyện được tách ra và chính thức chuyển hoạt động sang khu vực hồ Thiền Quang. Tôi đảm nhận vai trò trưởng nhóm và có nhiệm vụ kết nối và tổ chức các hoạt động với phụ huynh và học sinh”.

Từ năm 2015, hoạt động nhặt rác tại hồ Thiền Quang diễn ra đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc lúc 8 giờ 30. Tuy nhiên, sau khoảng nửa năm, nhóm quyết định điều chỉnh giờ hoạt động sớm hơn, từ 7 giờ đến 7 giờ 30. Sự thay đổi này để giúp các tình nguyện viên có thời gian di chuyển lên Hồ Gươm hoặc Văn miếu Quốc Tử Giám tiếp tục nhặt rác với các nhóm tình nguyện khác vào lúc 8 giờ. Bên cạnh đó, nhóm có nhiều thành viên “nhí”, đổi giờ hoạt động tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những học sinh tham gia, nhất là các em có lịch học tập, ôn luyện vào buổi sáng chủ nhật.

z6229143330431_bd676ed97a94d6279ec1e149950a9693.jpg
Cô Nga trong hoạt động làm sạch hồ Thiền Quang. (Ảnh NVCC)

Đúng 7 giờ sáng, công việc làm sạch hồ Thiền Quang của cô Nga và các tình nguyện viên bắt đầu. Cô giáo đi dọc bờ hồ, cẩn thận nhặt rác còn sót lại trong bụi cây, ven lối đi, hay nằm khuất dưới những chiếc ghế đá. Xung quanh, các thành viên trong nhóm tỏa ra khắp các hướng của hồ, cần mẫn gom từng chiếc hộp xốp, lon nước, hay túi nilon,... Mỗi người một góc, nhưng tất cả cùng chung một mục tiêu: trả lại vẻ sạch đẹp cho không gian xanh của thành phố.

Sau 25 phút nhặt rác, các tình nguyện viên tập trung tại điểm tập kết ban đầu với những túi đầy rác thải nhựa và tiến hành phân loại và xử lý rác thải.

Rác tại hồ Thiền Quang chủ yếu là vỏ nilon, vỏ nhựa, hộp xốp cùng các loại chai, lon nước,... Khi mới đi vào hoạt động, rác sau khi nhặt được thu gom vào cùng chung 1 túi. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy cách làm đó chưa mang lại an toàn cho môi trường, cô Nga quyết định sẽ phân loại rác: các loại rác có thể tái chế được để riêng, để công nhân vệ sinh môi trường có thể thu gom, tái chế. Sau mỗi buổi, toàn bộ rác được tập kết tại các thùng rác gần hồ để đội vệ sinh môi trường xử lý.

Suốt 10 năm hoạt động, nhóm làm sạch hồ Thiền Quang có những buổi hoạt động lên tới khoảng 40 học sinh và phụ huynh tham gia, nhưng cũng có ngày chỉ 1-2 người tham gia. Dù vậy, nhóm vẫn kiên định với tiêu chí “không bỏ cuộc” bởi nhóm hiểu rằng, dù đông hay vắng, việc duy trì hoạt động đều đặn chính là cách để giữ vững nhiệt huyết bảo vệ môi trường.

“Đối tượng tôi mong muốn thu hút nhất là người trẻ. Dù các bạn học sinh tham gia hoạt động này trong thời gian ngắn hay lâu dài, điều tôi hy vọng là sau mỗi buổi nhặt rác, các em sẽ rút ra bài học về ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của nhóm là đối tượng học sinh vẫn phụ thuộc nhiều vào bố mẹ đưa đón. Những sáng mùa đông lạnh giá, khi giờ tập trung từ rất sớm, số lượng các em tham gia thường giảm đáng kể, có khi không có ai tham gia hoạt động.

Thế nhưng, mỗi khi có một em học sinh vượt qua trở ngại để có mặt, hay một phụ huynh sẵn sàng đồng hành cùng con tới nhặt rác, tôi lại được tiếp thêm động lực để tiếp tục duy trì hành trình nhỏ bé nhưng ý nghĩa này”, cô Nga chia sẻ.

Trong hành trình nhặt rác quanh hồ Thiền Quang, có rất nhiều kỉ niệm khiến cô Nga không khỏi xúc động.

“Tôi nhớ mãi lần trời đổ mưa lớn, cả nhóm vẫn vừa cầm ô vừa tỏa ra khắp hồ Thiền Quang để nhặt rác. Hay như có năm chủ nhật vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, khi nhiều người sum vầy bên gia đình, tôi vẫn một mình ra hồ nhặt rác, xem đó như một lời chúc đầu năm cho môi trường thêm sạch đẹp”, nữ giáo viên kể lại.

Hoạt động của cô Nga luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhất là hai người con gái của nữ giáo viên. Ngay từ khi cô con gái đầu lòng hơn 3 tuổi đã theo mẹ đi nhặt rác. Nhìn lại những bức ảnh của nhóm, cô Nga cảm nhận sự trưởng thành của hai con và các học sinh. Giờ đây, hai con đã lớn và không còn tham gia hoạt động thường xuyên cùng mẹ nhưng cô Nga tin những ký ức về hoạt động này sẽ theo con suốt cuộc đời.

z6229142785325_294d704808451ebe49fa6b15c02ba51f.jpg
Các tình nguyện viên tham gia nhặt rác quanh hồ Thiền Quang. (ảnh NVCC)

“Tôi không chỉ nhặt rác, tôi còn 'nhặt' được những tình bạn trân quý”

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức nhặt rác, cô Nga và một số thành viên trong nhóm còn dành thời gian để động viên, khích lệ tinh thần các em học sinh tham gia làm sạch hồ Thiền Quang. Hiểu được tâm lý trẻ nhỏ, cô và một số thành viên trong nhóm đã nhiều lần góp tiền mua sách làm quà tặng cho các học sinh tham gia nhặt rác. Đó có thể là cuốn truyện tranh các em yêu thích, sách dạy kỹ năng sống, hay đơn giản là món quà nhỏ giúp các em cảm nhận được ý nghĩa của việc mình đang làm.

Vào những ngày lễ như Halloween, Noel hay Tết Trung thu nhóm còn tổ chức các hoạt động đặc biệt để tạo niềm vui cho các em học sinh. Có lần, cả nhóm hóa trang thành các nhân vật ngộ nghĩnh, vừa nhặt rác vừa mang đến không khí rộn ràng cho hồ Thiền Quang. Dịp Tết Trung thu, cô Nga còn chuẩn bị đèn ông sao, bánh kẹo tặng các em nhỏ tham gia, khiến mỗi buổi nhặt rác trở thành kỷ niệm khó quên.

z6229142784886_e22d57f1a01e0519d966a9aff4f00917.jpg
Nhóm tình nguyện viên cùng hóa trang trong các dịp khác nhau khi nhặt rác. (Ảnh NVCC)

Hành trình nhặt rác làm sạch hồ Thiền Quang của cô Nga không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn đem lại cho nữ giáo viên những mối quan hệ bền chặt. “Tôi không chỉ nhặt rác, mà còn 'nhặt' được những tình cảm quý giá. Tôi tìm thấy những người bạn đồng hành cùng chung chí hướng, những tâm hồn đồng điệu trong hành trình bảo vệ môi trường. Và hơn thế nữa, chúng tôi cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Mặc dù ai cũng có những bận rộn riêng, và không ít người vì lý do cá nhân mà không thể tiếp tục tham gia hoạt động làm sạch hồ Thiền Quang, nhưng họ vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi và nhóm mỗi khi tôi cần.

Có những dịp đặc biệt, cả nhóm tổ chức những buổi liên hoan nhỏ ngay tại hồ Thiền Quang hay những bữa ăn ấm cúng tại gia đình. Đó là lúc mọi người chia sẻ những câu chuyện đời thường, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và cùng nhau lan tỏa tình yêu dành cho môi trường”, cô Nga chia sẻ.

z6229142777757_034e8e36c2441077694a6b318fd7d1ea.jpg
Có những buổi rất đông tình nguyện viên tham gia nhưng có những buổi chỉ có vài người tham gia nhóm. (Ảnh NVCC)

Bên cạnh những kỉ niệm đẹp của hoạt động bảo vệ môi trường ý nghĩa, nữ giáo viên không khỏi trăn trở về hoạt của nhóm trong tương lai. “Mặc dù nhóm đã có sự tham gia của một số sinh viên và học sinh nhưng phong trào bảo vệ môi trường này vẫn chưa được nhân rộng như kỳ vọng.

Tôi nhận thấy dù sự hưởng ứng ban đầu là đáng khích lệ, nhưng để xây dựng được một phong trào mạnh mẽ, lâu dài, cần phải có sự thay đổi về ý thức và hành động của một cộng đồng rộng lớn hơn. Việc duy trì sự tham gia đều đặn của các nhóm học sinh không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các em còn gặp phải những rào cản về thời gian, lịch học và sự thiếu nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Ngoài việc thu hút sự tham gia của người trẻ, tôi thấy rằng chúng ta cần tập trung vào công tác giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng, và tìm kiếm những cách thức mới để phong trào có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai”, cô giáo Lê Thúy Nga bày tỏ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Hồng Mai