Đào tạo từ xa Trường ĐH Lâm nghiệp: Tuyển sinh 5 ngành nhưng chỉ mở được 4 lớp

18/01/2025 06:24
Như Ý
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, riêng Ngành Công nghệ chế biến lâm sản nhà trường không tổ chức đào tạo do thí sinh đăng ký ít, không đủ lớp.

Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập theo quyết định 127/CP ngày 19 tháng 8 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ. Trường Đại học Lâm nghiệp trụ sở chính tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Hai Phân hiệu của Trường đặt tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo thông tin đăng tải trên website sứ mệnh của nhà trường: “Là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế chính sách và quản lý, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

fffff.jpg
Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh website nhà trường.

Hệ đào tạo từ xa tuyển 6 đợt/năm

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với 5 ngành bao gồm: Kế toán, Công tác xã hội, Quản lý Tài nguyên rừng (Kiểm lâm), Lâm sinh, Công nghệ chế biến lâm sản và dự kiến tuyển sinh thêm ngành Quản lý đất đai, chỉ tiêu của các ngành dao động từ 30 đến 80 chỉ tiêu. Nhà trường tổ chức xét tuyển 2 tháng/lần (vào tuần cuối của tháng chẵn: tháng 2, 4, 6, 8, 10, 12). Như vậy, Nhà trường có tổng 6 đợt tuyển sinh/năm đối với hệ đào tạo từ xa.

Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa so với hệ đại học chính quy của Trường Đại học Lâm nghiệp có sự chênh lệch như sau:

Screenshot 2025-01-17 104405.png
Chỉ tiêu chênh lệch giữa hệ đào tạo chính quy và hệ đào tạo từ xa. Số liệu được lấy trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác tổ chức tuyển sinh, đại điện nhà trường cho biết, cuối quý III năm 2023, nhà trường bắt đầu thông báo tuyển sinh hệ đào từ xa cho 5 ngành gồm Công nghệ chế biến lâm sản; Lâm sinh; Quản lý tài nguyên rừng; Công tác xã hội; Kế toán (Thông báo số 698/TB-ĐHLN- ĐT ngày 20/9/2023).

Tuy nhiên, năm 2023 số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít nên Nhà trường không tổ chức đào tạo. Năm 2024, Nhà trường tiếp tục thông báo tuyển sinh, tuy nhiên số lượng thí sinh đăng ký khá ít nên Nhà trường tiếp tục thông báo các đợt tiếp theo. Đây là lý do Nhà trường thông báo tuyển sinh những đợt tiếp theo.

Đối với những thí sinh đã đăng ký, Nhà trường đã ghi nhận kết quả đăng ký và thống nhất với thí sinh để chuyển sang đợt tiếp theo. Đến ngày 15/8/2024, Hội đồng tuyển sinh Nhà trường đã xét, quyết định trúng tuyển và tổ chức đào tạo khóa đầu tiên (khóa 1) cho 4 ngành gồm Lâm sinh; Quản lý tài nguyên rừng; Công tác xã hội; Kế toán. Riêng ngành Công nghệ chế biến lâm sản không tổ chức đào tạo do thí sinh đăng ký ít, không đủ lớp.

Ảnh màn hình 2025-01-13 lúc 07.02.04.png
Số liệu tuyển sinh do Trường Đại học Lâm nghiệp cung cấp.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, đại diện nhà trường thông tin: “Đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường quy đổi để xác định chỉ tiêu của các ngành năm 2024 của nhà trường khá cao. Tuy nhiên, qua nhiều năm tuyển sinh tỷ lệ đạt thấp nên nhà trường hạ chỉ tiêu chính quy/năm cho phù hợp với thực tiễn. Trong khi hệ đào tạo từ xa là khóa đầu tiên tuyển sinh nên Nhà trường dự kiến tuyển mỗi ngành 1 lớp”.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, học phí hệ đào tạo từ xa năm học 2024 - 2025 từ 1.800.000 đến 2.175.000 đồng/tháng (mức thu học phí theo tín chỉ từ 504.000 đến 626.000 đồng/tháng). Theo quyết định quy định mức thu học phí năm học 2024 - 2025 ban hành vào 23 tháng 10 năm 2024. Nhà trường thông báo mức học phí hệ đào tạo từ xa cho tất cả các ngành mặc dù hệ đào tạo từ xa chỉ tuyển sinh đào tạo 5 ngành.

Học phí đào tạo từ xa được đề cập trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường. Ảnh chụp màn hình.
Học phí đào tạo từ xa được đề cập trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường. Ảnh chụp màn hình.

Về học phí hệ đào tạo từ xa, đại diện nhà trường cho hay, nhà trường thực hiện lộ trình học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Học phí đào tạo hệ chính quy không vượt trần so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Theo Khoản 4, Điều 11 của Nghị định số 81/2021/NĐ- CP quy định, mức phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng. Như vậy, đối với 5 ngành đào tạo từ xa của nhà trường nằm trong mức 130% so với hệ đại học chính quy.

"Học phí đề cập trong đề án tuyển sinh, đối với những ngành không tuyển nhà trường xây dựng định mức sẵn theo quy định hiện hành; khi chương trình đào tạo từ xa những ngành này được thông qua nhà trường sẽ căn cứ vào mức học phí đó để thu. Hiện tại, nhà trường chỉ thu học phí đối với ngành đang đào tạo", đại diện nhà trường thông tin.

Nhà trường cam kết hệ thống đào tạo từ xa được xây dựng hoàn chỉnh

Theo đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp, để đảm bảo việc tương tác giữa người học và giảng viên người học với người học và việc tham dự buổi học theo quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT, nhà trường đã xây dựng hệ thống đào tạo từ xa hoàn chỉnh gồm máy tính, thiết bị di động và mạng internet để truyền tải thông tin và tạo môi trường cho giảng viên và người học tương tác.

Bộ phận phụ trách tổ chức và quản lý đào tạo (thuộc phòng Đào tạo đang phụ trách chuyên môn chương trình đào tạo chính quy) của nhà trường quản lý, giám sát quá trình giảng dạy, học tập; tương tác giữa giảng viên và người học; kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng.

Hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá được quá trình học tập, đánh giá kết thúc học phần, môn học, kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập và cán bộ quản lý để vận hành chương trình đào tạo từ xa là cán bộ cơ hữu của nhà trường, đáp ứng quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các chuẩn chương trình đào tạo có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiện tại đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường đảm bảo cho giảng dạy hệ từ xa nên nhà trường không mời giảng viên thỉnh giảng.

Về cơ sở vật chất, bảo đảm đầy đủ như thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa có phòng kỹ thuật chuyên dùng để lắp đặt hệ thống đào tạo từ xa; có đủ trang thiết bị, hạ tầng, phần mềm cần thiết phục vụ hệ thống tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cùng hệ thống đào tạo chính quy; có hệ thống lưu trữ và bảo mật thông tin về việc học tập, quá trình tham gia học tập cũng như hồ sơ cá nhân của người học theo quy định.

Công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập, kế hoạch giảng dạy và học tập được chi tiết hóa tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo theo năm học, học kỳ để đảm bảo phù hợp với hình thức đào tạo từ xa. Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, nhà trường hướng dẫn cho sinh viên đăng ký học tập trên hệ thống đăng ký học tập của nhà trường.

Việc tổ chức đào tạo từ xa được thực hiện theo tín chỉ; việc triển khai các nội dung của môn học/học phần được thực hiện theo quy định trong đề cương chi tiết của học phần đó gồm học lý thuyết, thực hành, thực tập, đánh giá học phần. Đảm bảo sự tương tác giữa người học với giảng viên, giữa người học với người học; đảm bảo ít nhất 4 hoạt động học tập chính là tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, trao đổi thảo luận chuyên đề và hội thảo; học tập những nội dung từ các học liệu chính và các học liệu bổ trợ; thực hiện các hoạt động học tập và làm các bài tập đánh giá; tham vấn và đặt câu hỏi với các giảng viên.

Hình thức thi được quy định tại đề cương chi tiết học phần, tùy từng môn học/học phần khác nhau sẽ có hình thức thi khác nhau, tuy nhiên tập trung ở một số hình thức là tự luận, tiểu luận, trắc nghiệm, vấn đáp. Việc tổ chức thi, đánh giá kết thúc học phần được thực hiện trực tiếp tại trường hoặc tại các trạm đào tạo từ xa (cơ sở phối hợp đào tạo) của nhà trường tùy vào sự phân bố sinh viên với các trạm đào tạo từ xa.

Như Ý